Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Qua việc phân tích tác phẩm "Đôi bờ" của Quang Dũng các em sẽ hiểu rõ hơn về một hồn thơ hào hoa, lãng mạn, một Quang Dũng rất khác từ thời “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây” cho đến “Đôi bờ”
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
1. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm “Đôi bờ”, hoàn cảnh sáng tác
- Khái quát chủ đề bài thơ: nỗi đau buồn của một câu chuyện tình yêu bị chia cắt do chiến tranh, xót thương dành cho đôi lứa thời kì kháng chiến khốc liệt.
2. Thân bài
- Lần lượt phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ
+ Khổ 1: Hoàn cảnh khơi gợi nỗi nhớ
+ Khổ 2+3: tình cảm dành cho người con gái mà người lính thương nhớ
+ Khổ 4: cao trào của nỗi nhớ
- Bài thơ thành công ở việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi, thể thơ 7 chữ có cách gieo vần và ngắt nhịp linh hoạt
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị của bài thơ.
Đôi bờ là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ lấy đề tài về tình yêu trong chiến tranh, qua đó thể hiện nỗi nhớ của người lính, sự chia ly do chiến tranh mang lại. Mỗi dòng thơ đều tràn đầy cảm xúc, đong đầy nỗi nhớ thương, đặc biệt gây ám ảnh trong lòng người đọc ở một số chi tiết, hình ảnh.
“Đôi bờ” được thi sĩ Quang Dũng viết vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân cách đây hơn nửa thế kỷ. Song song với Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây… Đôi bờ đã thể hiện những đặc trưng trong phong cách thơ của Quang Dũng: đó là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, rung động trước những hình ảnh rất đỗi đời thường, thông cảm với nỗi đau do chiến tranh mang lại và những khát vọng tình yêu đôi lứa.
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Điệp “thương nhớ” xuất hiện hai lần kết hợp với từ “ơ hờ” khiến câu thơ có âm hưởng như một lời dân ca, lời ru. Đại từ phiếm chỉ “ai” gợi đối tượng, chủ thể của nỗi nhớ. Từ sông xa đến lớp lớp mưa dài, gợi một không khí thật buồn. Hoàn cảnh ấy chính là cái cớ để khơi gợi nỗi nhớ thương. Đến câu thơ thứ ba đã xác định được “ai” là người nào. Ai chính là người con gái anh yêu. Nhớ người yêu nơi quê nhà xa cách người lính nhớ nhất là đôi mắt u sầu của người con gái. Nỗi sầu cô đơn dâng trào không chỉ người lính cảm nhận được mà anh còn tưởng tượng nỗi buồn ấy thấm sâu đến cả người nơi quê nhà.
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
…………………………………..
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Quê mình đã xa, trên đất quê người chỉ còn cách duy nhất trở về nguồn là sống bằng ký ức, sống trong ký ức của giăng giăng mưa bụi, hiu hắt chiều sông. Thu qua rồi đông tới, cái lạnh không chỉ do thời tiết, thiên nhiên mang đến mà cái lạnh còn ở nơi lòng người. Anh bên này chiến tuyến với mưa bụi giăng lối lại càng nhớ em hiu hắt chờ đợi một mình bên sông. Các từ láy giăng giăng, hiu hắt gợi đến không gian mờ ảo của sương, của mưa bụi, càng làm cho nỗi nhớ thêm sâu sắc.
Nỗi nhớ về em cứ chập chờn trong miền ký ức để rồi vương vấn bước chân anh trên mỗi bước đường hành quân. Hình ảnh của người con gái anh yêu còn ẩn hiện như một ảo ảnh “thoáng em hiện về trong đáy cốc” và rồi anh tưởng tượng như đang nói chuyện với em “nói cười như chuyện một đêm mơ” Có lẽ chính những miền ký ức tươi đẹp này là động lực để người lính có thể bước tiếp trên con đường chiến trinh đầy gian khổ. Dù em chỉ có trong ảo ảnh nhưng những ảo ảnh vẫn rất đẹp để rồi khi đi xa anh phải thốt lên:
Xa quá rồi em người mỗi ngả
………………………….
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Khoảng cách giữa một bên là chiến trường ác liệt còn một bên là quê nhà là rất, rất xa. Tuy cách xa như đôi bờ nhưng vẫn nhớ thương nhau. Đó cũng chính là tình cảm của chúng ta dành cho nhau. Hình ảnh của em xuất hiện bên cuối bài thơ qua dáng vẻ “áo mỏng buông hờn tủi” rồi “dòng lệ thơ ngây” là một hình ảnh đầy ám ảnh. Với câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ người lính càng trào dâng thêm nỗi nhớ thương, xót xa dành cho người yêu nơi quê nhà.
Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ, gieo vần linh hoạt, giọng điệu trầm buồn, thiết tha, sâu lắng, sử dụng những từ ngữ giàu sức gợi đã diễn tả nỗi niềm tâm sự sâu kín của người lính trong kháng chiến. Qua bài thơ chúng ta cũng hiểu thêm về hồn thơ Quang Dũng: một trái tim đa sầu, đa cảm, nặng lòng với non sông, đất nước.
>>> Xem thêm:
- Top 5 Nghị luận đánh giá về bài thơ Đôi bờ - Quang Dũng hay nhất