logo

Phân tích bài thơ "Những làng đi qua" của Quang Dũng

Nhắc đến Quang Dũng người ta nghĩ ngay đến một hồn thơ hào hoa, phong nhã của chàng thanh niên thủ đô. Thơ ông vừa có chất lãng mạn lại vừa rất đời, rất thật, phản ánh cả giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc trong đó có bài “Những làng đi qua”. Dưới đây là dàn ý và bài văn phân tích bài thơ “Những làng đi qua” của Quang Dũng, mời bạn đọc cùng tham khảo để hiểu kỹ hơn về hồn thơ Quang Dũng


Dàn ý Phân tích bài thơ "Những làng đi qua" của Quang Dũng


1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về bài thơ: xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, cảm hứng chủ đạo.

- Những ấn tượng và cảm xúc chung về bài thơ này.


2. Thân bài

Chủ đề của tác phẩm: những ngôi làng mà trung đoàn đi qua, nơi đâu cũng in hằn dấu tích của khói lửa, chiến tranh. Qua đó thể hiện nhịp sống của con người trong chiến tranh, bộc lộ tình yêu quê hương đất nước của tác giả.

* Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Nội dung

+ Bài thơ là một bức tranh đẹp về cuộc sống, con người của quê hương trong những ngày kháng chiến. 

+ Mỗi làng, mỗi vùng mà trung đoàn đi qua đều hiện lên thật sinh động với những cảnh sinh hoạt đời thường, bình dị, mà tràn đầy sức sống, thể hiện khí thế sục sôi của cả dân tộc trong những năm tháng máu lửa chiến tranh.

- Nghệ thuật

+ Bài thơ dài, nghiêng về tả nhiều hơn cảm, có cả yếu tố tự sự, mỗi nét tả lại thật chân thật, phóng khoáng và sinh động

- Đánh giá nhận xét chung về tác phẩm

+ Một bài thơ hay đã khắc họa đậm nét cuộc sống của con người trong kháng chiến. 

+ Thể hiện tình yêu và sự gắn bó của nhà thơ với quê hương, đất nước


3. Kết bài

- Khái quát những thành công của bài thơ: bút pháp miêu tả, bức tranh quê hương sống động có hồn.

- Nêu cảm xúc, ấn tượng sâu sắc về bài thơ: thêm yêu cảnh và con người Việt Nam trong kháng chiến và yêu tâm hồn đẹp, tài hoa của tác giả


Phân tích bài thơ "Những làng đi qua" của Quang Dũng

      Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam trưởng thành từ phong trào kháng chiến chống Pháp và ngày càng khẳng định được tài năng của mình trên địa hạt văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

Phân tích bài thơ "Những làng đi qua" của Quang Dũng
Nhà thơ Quang Dũng

      Nói về thơ Quang Dũng phải chỉ ra cái tài hoa, lãng mạn, hào sảng có từ thời “Tây Tiến” cho đến “Những làng đi qua” đều đậm chất lãng mạn ấy:

Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi

Tháng chạp màn sương trùm đất nước

      Thơ Quang Dũng thường nghiêng về tả. Qua tả, để giãi bày cái tình của mình. Ông có biệt tài về tả. Bài thơ Những làng đi qua của ông là bức tranh thật đẹp về quê hương những ngày kháng chiến: Bằng con mắt quan sát tinh tế, chân mộc và chứa chan cảm xúc nhà thơ đã khắc họa bức tranh làng quê trong những ngày kháng chiến với gam màu rắn rỏi, hiện thực mà không kém phần tươi sáng:

Tháng chạp màn sương trùm đất nước

Gió mùa, chết héo mạ non xanh

Sương muối thấm vào bao đạn ướt

      Cảnh hiện lên thật nhưng khắc nghiệt với sương muối, gió mùa làm chết cả mùa màng cây cối. Hình ảnh gợi lên cái thời tiết đặc trưng của miền núi những ngày đầu đông có sương muối, bốn bề không gian đều bao trùm màn sương dày đặc. Sương muối rơi mang theo cái rét lạnh buốt, làm tê tái da thịt. Sương tàn phá mùa màng làm chết bao luống mạ xanh non của người dân.

      Vì cả dân tộc đang gồng mình với cuộc kháng chiến chống giặc nên bức tranh làng quê mà trung đoàn đi qua sẽ không tránh khỏi thuốc súng, lửa đạn, khói, máu và nước mắt: Máu đông in dấu giấu giày giặc, chiếc tã đầu giường đang cháy dở, mái nhà trăm năm đang để lại, chó gầy mắt hoang dại. Những hình ảnh thật chân thực đã phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh và sự ác độc đến man rợ của kẻ thù. 

      Bức tranh lại được chuyển cảnh, tuy khắc nghiệt nhưng lại không hề khô cứng, vẫn có những cảnh thật tươi sáng và đầy sức sống:

Tiếng quát dân quân đầu vọng gác

………………………………….

Vỡ lá bàng khô bước du kích

      Quang Dũng rất am hiểu về làng quê, hiểu nếp sống và tập tục của người dân xóm làng. Thông qua những chi tiết nùi rơm, đèn chai, cầu ao… người đọc cảm nhận được vẻ đẹp bình dị của làng quê Việt Nam. Sau những ngày gồng mình chống giặc là nhịp sống đời thường vẫn nhộn nhịp, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, chẳng gì có thể dập tắt được tình yêu đời, tinh thần lạc quan của người dân Việt Nam. Dân quân vẫn đi gác, các cụ già vẫn hút thuốc là, cô tự vệ tay xách đèn chai đi tuần. Sau cái sôi động và nhộn nhịp vẻ đẹp thanh bình, tươi đẹp của cuộc sống lại hiện ra. Tiếng quả sung chín rơi đầy ngõ, tiếng sôi và mùi thơm của gạo nếp bên ngõ ruối, tiếng hát “Vệ quốc quân: của con người… tất cả hiện lên với vẻ đẹp thật chân thực và bình dị.

      Song song với hình ảnh của cảnh là con người, anh vệ quốc quân trên đường hành quân xa, mỗi bước chân anh đi là tình cảm anh dành cho quê hương, cho những vùng miền mình gắn bó. Chúng ta thấy ý chí sục sôi cách mạng, trái tim nhiệt thành cách mạng của người lính trẻ với quyết tâm

“Thôi nhé miền xuôi chào tạm biệt

Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời”

      Những chàng trai Hà Thành hào hoa, phong nhã sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận. Với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng để mong một ngày:

Màu đỏ sao bay về đỉnh tháp

Chiến hào xuân đến tiếng ca vui

      Bài thơ khép lại bằng tiếng ca vui rộn ràng của người lính, với niềm vui hân hoan của người tin nắm chắc phần thắng trong tay. Và với chúng ta ngọn lửa cách mạng ấy cũng sục sôi theo tinh thần của người lính, tự tin vào một ngày mai độc lập của đất nước. 

      Có thể nói “ Những làng đi qua” là một bài thơ hay, đặc sắc đã thể hiện trọn vẹn cái tài hoa, hơn người của Quang Dũng. Từ Tây  Tiến với đoàn binh không mọc tóc đậm nét hào hoa, bi tráng thì đến “Những làng đi qua” thơ Quang Dũng ngày càng đời hơn, hiện thực hơn. Bài thơ thiên về tả với nhiều nét vẽ tài hoa, có thể liệt vào dạng những câu thơ tuyệt bút. Thế nhưng điều đặc biệt là giữa cái nét tài hoa ấy vẫn trên cơ sở của hiện thực cuộc sống. Phải nói Quang Dũng đã có những cảm nhận thật tinh tế và sự gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước mới có thể viết ra những trang thơ sâu sắc đến như vậy.

----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các Phân tích bài thơ "Những làng đi qua" của Quang Dũng. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 13/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023