logo

"Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu " Phân tích đoạn văn

Hướng dẫn chi tiết "Phân tích đoạn thơ Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu/Anh thương em chẳng ngại sang giàu/Thương vì cái nết trước sau chung tình" dưới đây giúp các em khám phá những bài ca dao trữ tình, yêu thích hơn với bộ môn văn học.

"Phân tích đoạn thơ Ga nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu/Anh thương em chẳng ngại sang giàu/Thương vì cái nết trước sau chung tình"


Mục lục nội dung

Dàn ý

1. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu bài ca dao.

- Khái quát những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài ca dao: tự hào về vẻ đẹp của con người và những sản vật quê hương, tình yêu chung thủy, son sắt, bền lòng của những con người nơi đây

2. Thân bài

- Phân tích đặc điểm về nội dung và nghệ thuật bài ca dao

- Hai câu đầu:

+ Giới thiệu một trong những loài vật nuôi nổi tiếng đá hay và khỏe là gà Cao Lãnh của Đồng Tháp.

+ Gái xinh đẹp, nổi tiếng, thanh lịch là gái Tân Châu cũng là một địa danh của tỉnh Đồng Tháp.

+ Hai cầu đầu với kết cấu đối xứng Gà nào/ gái nào; gà Cao Lãnh/ gái Tân Châu-> giọng thơ nhịp nhàng, cân đối.

+ Cách sử dụng những địa danh Cao Lãnh, Tân Châu đi vào thơ thể hiện niềm tự hào về vẻ đẹp và những giá trị của quê hương.

+ Đưa địa danh vào ca dao cũng là một trong những nét đặc sắc nghệ thuật quen thuộc của ca dao dân ca.

- Hai câu sau:

+ Chuyển ý khá liền mạch, tự nhiên, tình yêu của nhân vật trữ tình “anh” dành cho “em” thật bình dị mà thủy chung, son sắt.Thương chẳng vì giàu hay nghèo mà thương là vì cái nết đẹp của em.

+ Điệp từ “thương” xuất hiện hai lần trong hai câu thơ thể hiện tình cảm chân thật, gắn bó và cái nhìn âu yếm đầy si tình của chàng trai dành cho cô gái => tình cảm nồng ấm, hồn hậu của người dân miền Tây

- Giá trị ý nghĩa của bài ca dao

+ Là bài ca ngợi, tự hào về vẻ đẹp của quê hương.

+ Thể hiện tình yêu son sắt, thủy chung của con người Đồng Tháp

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài ca dao: giàu ý nghĩa, thể hiện nét đẹp của con người, bài ca về quê hương.

- Hình ảnh giản dị mà giàu ý nghĩa, nghệ thuật đối, điệp từ…


Bài văn phân tích

      Ca dao dân ca là tiếng đàn muôn điệu của nhân dân ta, thể hiện đời sống tình cảm vô cùng phong phú của của con người. Trong đó có những bài ca dao đi vào đời sống thật tự nhiên mà bền chặt như bài ca: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh………….chung tình”

      Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là một chàng trai, chàng trai ấy đang nói đến nào là gà Cao Lãnh đá thật hay, nào là gái Tân Châu thật đẹp. Nhưng thứ làm anh ấy thương yêu hết mực lại chính là em - một cô gái bình dị, hồn hậu. Bằng lối nói bóng gió, vòng vèo nhân vật trữ tình đã thể hiện tình cảm của mình thật chân thành mà sâu sắc dành cho cô gái - người yêu hoặc người vợ son sắt của mình. 

      Mở đầu bài ca dao là hai hình ảnh đối xứng “Gà nào hay…. Tân Châu” Gà Cao Lãnh được biết đến là một giống gà khỏe, đá hăng, được giới chơi gà đá vô cùng yêu thích và săn lùng. Còn gái Tân Châu cũng nổi tiếng là xinh đẹp, thanh lịch, khéo léo và duyên dáng. Cả hai địa danh Tân Châu và Cao Lãnh đều thuộc tỉnh Đồng Tháp. Hình ảnh đối xứng gà nào/ gái nào; gà Cao Lãnh/ gái Tân Châu và đối xứng trong cả hai câu tạo giọng điệu thơ nhịp nhàng, cân đối, thể hiện vẻ đẹp và niềm tự hào về cảnh đẹp, con người và những sản vật trù phú của quê hương Đồng Tháp. Rất có thể nhân vật trữ tình trong bài ca dao này cũng là một người con của tỉnh Đồng Tháp - người con ấy vô cùng tự hào về quê hương mình. Vì thế mỗi câu thơ cất lên đều chứa chan những tình cảm dành cho nơi mình sinh ra.

"Ga nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu " Phân tích đoạn văn

      Hai câu thơ sau ý thơ có sự chuyển ý tuy đột ngột nhưng khá liền mạch, tự nhiên, tình yêu của nhân vật trữ tình “anh” dành cho “em” thật bình dị mà thủy chung, son sắt. Thương chẳng vì giàu hay nghèo mà thương là vì cái nết đẹp suốt một đời chung thuỷ  của em. Điệp từ “thương” xuất hiện hai lần trong hai câu thơ thể hiện tình cảm chân thật, gắn bó và cái nhìn âu yếm đầy si tình của chàng trai dành cho cô gái. Đó cũng là tình cảm nồng ấm, hồn hậu của người dân miền Tây dành cho nhau.

      Bài ca dao là lời ca ngợi, tự hào về vẻ đẹp của quê hương. Thể hiện tình yêu son sắt, thủy chung của con người Đồng Tháp dành cho nhau. Tình cảm được thể hiện một cách tự nhiên, không đao to, búa lớn mà nhẹ nhàng, thấm thía. Nhưng vì chân thành nên dễ mến, dễ thương, dễ gây được sự đồng cảm của người đọc

      Nằm trong chùm ca dao trữ tình về quê hương, đất nước, về vẻ đẹp của tình người, bài ca dao rất giàu ý nghĩa, thể hiện nét đẹp của con người. Hình ảnh giản dị, nghệ thuật đối, điệp từ, ngôn từ gần gũi… đó là lý do vì sao mỗi bài ca dao vẫn như viên ngọc thô mà sáng mãi trong kho tàng văn học Việt Nam.

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn "Phân tích đoạn văn Ga nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu/Anh thương em chẳng ngại sang giàu/Thương vì cái nết trước sau chung tình" Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 17/03/2023 - Cập nhật : 15/07/2023