Được đánh giá là ngòi bút chính luận xuất sắc trong văn học trung đại Việt Nam, các tác phẩm của Nguyễn Trãi gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc. Qua việc phân tích nghệ thuật lập luận của Nguyễn Trãi trong văn bản Lại trả lời Phương Chính chúng ta sẽ thấy rõ được điều này.
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nhận xét nghệ thuật lập luận của Nguyễn Trãi: có sức thuyết phục cao, đạt đến độ mẫu mực.
2. Thân bài
- Nghệ thuật lập luận chặt chẽ, sắc bén được thể hiện thông qua các yếu tố như:
- Vận dụng triệt để các mệnh đề, tư tưởng đạo đức nho giáo, chân lý khách quan của đời sống để khẳng định ý kiến, quan điểm được nêu.
- Bám sát tình hình chiến sự, đối tượng để đưa ra quan điểm vững vàng, thuyết phục.
+ Kết hợp giữa lí lẽ thuyết phục với dẫn chứng xác đáng
+ Lập luận và bố cục chặt chẽ
+ Ngôn ngữ hàm súc, giọng điệu truyền cảm, tình cảm chân thành.
3. Kết bài
- Khẳng định nghệ thuật lập luận đạt đến độ đỉnh cao trong các văn bản chính luận nói chung và văn bản trả lời Phương Chính nói riêng.
Trước khi trở thành một nhà thơ, Nguyễn Trãi là một nhà chính trị xuất sắc. Vì thế văn chính luận của ông được đánh giá là ngòi bút sắc sảo, có sức mạnh đánh cả ngàn quân địch. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều các tác phẩm chính luận của ông đặc biệt là trong văn bản trả lời lại Phương Chính. Một áng văn chính luận với nghệ thuật lập luận chặt chẽ, có thể xếp vào hàng mẫu mực trong văn học chính luận Việt Nam.
Phương Chính là một trong những tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh tham gia viễn chinh Đại Việt, có công lớn khi giúp nhà Minh tiêu diệt nhà Hậu Trần. Nhưng về sau tướng Phương Chính bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại, phải đầu hàng và cuốn gói về nước. Khi trực tiếp phò tá giúp Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã có nhiều dịp tiếp xúc với Phương Chính. Trong một số văn bản trả lời Phương Chính ông đã chứng tỏ tài năng kiệt xuất của một vị tướng tài, đáp trả đanh thép giọng điệu ngụy biện của giặc Minh.
Ở bức thư thứ nhất khi giặc Minh tiến quân không thôi, lại có thư dụ hàng mà kể tội nên Nguyễn Trãi đã đáp lại bằng văn bản. Trong bức thư đầu tiên này ông vạch ra tội ác của giặc Minh “chuộng kẻ lừa dối, giết hại người mà không thương xót” làm nhiều việc trái đạo lý thông thường nên khiến trời không dung, đất không tha và người người đều giận. Xuất phát từ ý đồ đen tối muốn cướp nước khác nên năm nào cũng đem quân đi xâm lược nhưng càng đánh càng thua. Trong tình thế đó tướng lĩnh nhà Minh không biết lượng sức lại còn tiếp tục tiến công, diễu võ giương oai. Chẳng những chúng gây hại cho dân mà còn tổn thất đến chính lực lượng của mình. Thế nên mới có cảnh binh lính chết hàng loạt do chướng khí, dịch bệnh. Tiếp tục mạch lập luận, Nguyễn Trãi chỉ rõ kẻ nhân giả thì nên lấy yếu để chế mạnh, kẻ nghĩa giả thì nên lấy ít địch nhiều… từ đó khiến tướng lĩnh nhà Minh phải tủi hổ, động binh để tiến đánh, khiêu khích để chúng lên miền núi Nghệ An hiểm trở để tiêu diệt.
Trong bức thư thứ hai, Nguyễn Trãi nêu rõ tội trạng của giặc Minh đồng thời cũng thể hiện được tâm trạng tức giận của vị chủ tướng. Ông cho biết việc gì cũng cần phải lấy dân làm gốc, làm công to cũng phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Thế mà giặc Minh lấy cớ sang xâm lược nước ta, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực là làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước, vơ vét của cải khiến cho nhân dân muôn nơi oán giận… Những bằng chứng mà Nguyễn Trãi đưa ra vạch tội kẻ thù đều chính xác, thuyết phục khiến giặc không thể chối cãi. Cơ sở lý luận của Người cũng rất hợp lý, hợp tình vì dựa trên những đạo đức của luân lý Nho giáo và chân lý khách quan của cuộc sống, bởi vậy càng có sức thuyết phục và lay động lòng người.
Để khích tướng , dụ giặc vào nơi hiểm trở Nguyễn Trãi lại thảo tiếp thư gửi Phương Chính. Trong thư chỉ rõ “kẻ dùng binh giỏi thì không nơi đâu là hiểm, đâu là không hiểm”, mà việc thắng hay bại hoàn toàn là do tài của người chủ tướng. Những lập luận này khiến Phương Chính không thể chối cãi hay bác trả được. Nếu hắn chê quân ta là chỉ giỏi đánh nơi hiểm trở thì đây Nguyễn Trãi cũng chỉ ra “Vào chỗ hiểm đánh nhau không phải thung lũng, giỏi thì được, vụng thì thua” nếu người mãi cố thủ ở địa bàn bằng phẳng thì sớm muộn cũng chết. Người chỉ còn hai lựa chọn: hoặc là tiến đánh hoặc là lui… Từng lời nói như mũi tên xuyên vào kẻ thù khiến chúng phải hổ thẹn mà tiến đánh. Như vậy là trúng kế của quân ta.
Có thể nói nghệ thuật lập luận trong văn bản trả lời Phương Chính đã đạt đến trình độ mẫu mực. Mỗi lý lẽ, dẫn chứng đưa ra đều dựa trên cơ sở thực tế, đạo lý thông thường nên chúng không thể chối cãi. Tình cảm của vị chủ tướng Nguyễn Trãi cũng rất rõ ràng, lời nào cũng đanh thép, hùng hồn. Khi tố cáo tội ác của giặc thì đầy căm phẫn, uất hận; khi khuyên rặn kẻ thù thì mềm mỏng, khoan hòa… lời văn biến hoá không ngừng làm cho những áng văn nghị luận vô cùng thuyết phục.
Đó là lý do vì sao với văn bản lại trả lời lại Phương Chính có sức công phá lớn như mũi tên của hàng trăm đạo quân. Sức mạnh của ngòi bút Nguyễn Trãi đã được khẳng định và minh chứng trên từng trang văn.
-------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích nghệ thuật lập luận của Nguyễn Trãi trong văn bản Lại trả lời Phương Chính. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.