logo

Phân tích đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS với người lớn. Người lớn cần ứng xử như thế nào trong giao tiếp với học sinh THCS

Câu hỏi: Phân tích đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS với người lớn. Người lớn cần ứng xử như thế nào trong giao tiếp với học sinh THCS

Trả lời:

* Khái niệm:

- Giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người mà qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý và được biểu hiện ở các quá trình thông tin, hiểu biết, rung cảm, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau.

- Với xã hội: nếu không có giao tiếp thì không thể có sự tồn tại xã hội.

- Với cá nhân: Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người.

VD​: Không có giao tiếp với người khác, con người cảm thấy cô đơn khủng khiếp và thành bệnh hoạn. Giao tiếp không đầy đủ về số lượng và nghèo nàn về nội dung của trẻ em với người lớn cũng dẫn đến hậu quả nặng nề “bệnh do nằm viện”

- Hoạt động giao tiếp giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý. Thông qua giao tiếp, cá nhân quan hệ với cá nhân khác và với toàn xã hội. Thông qua giao tiếp, cá nhân tiếp thu nền văn hóa, lịch sử và biến nó thành cái riêng của mình. Qua giao tiếp, cá nhân biết được các giá trị xã hội của người khác, của bản thân và trên cơ sở đó cá nhân tự điều chỉnh, điều khiển bản thân theo các chuẩn mực xã hội.

* Phân tích đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS với người lớn.

- Trong giao tiếp với người lớn có 3 điểm quan trọng:

+ Tính chủ thể cao và khát vọng độc lập trong quan hệ:

++ Trong học tập các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có lập trường và quan điểm riêng.

++ Trong phạm vi ý thức xã hội, các em muốn được độc lập và không phụ thuộc vào người lớn ở một mức độ nhất định.

++ Các em đòi hỏi, mong muốn người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như đối xử với người lớn, không can thiệp quá tỉ mỉ vào một số mặt trong đời sống riêng của các em. Thiếu niên bắt đầu chống đối những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện. Các em bảo vệ ý kiến của mình không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động.

++ Cảm giác về sự trưởng thành và nhu cầu được người lớn thừa nhận nó là người lớn đã đưa đến vấn đề quyền hạn của người lớn và các em trong quan hệ với nhau. Các em mong muốn hạn chế quyền hạn của người lớn, mở rộng quyền hạn của mình. Các em mong muốn người lớn tôn trọng nhân cách, phẩm giá, tin tưởng và mở rộng tính độc lập của các em.

Phân tích đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS với người lớn. Người lớn cần ứng xử như thế nào trong giao tiếp với học sinh THCS

+ Thường xuất hiện nhiều mâu thuẫn (trong nhận thức và nhu cầu). Các em có nhu cầu thoát ly khỏi sự giám sát của người lớn, muốn độc lập, nhưng đó còn phụ thuộc và chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề về hoạt động và tương lai, nên các em vẫn có nhu cầu, mong muốn được người lớn gần gũi, chia sẻ và định hướng cho mình; làm gương để mình noi theo.

+ Thiếu niên có xu hướng cường điệu hóa, “bi kịch hóa” các tác động của người lớn trong ứng xử hàng ngày. Xu thế cường điệu hóa ý nghĩa của những thay đổi của bản thân, khiến cho các em có nhu cầu tham gia vào đời sống của người lớn, trong khi đó kinh nghiệm của các em chưa tương xứng với nhu cầu đó. Đây là một mâu thuẫn trong sự phát triển nhân cách thiếu niên.

++ Cần phải thấy: nhu cầu và nguyện vọng của thiếu niên là chính đáng, người lớn phải thay đổi thái độ đối xử đối với thiếu niên.

++ Nếu người lớn không chịu thay đổi quan hệ với các em, thì các em sẽ trở thành người khởi xướng thay đổi mối quan hệ này. Nếu người lớn chống đối, sẽ gây ra những phản ứng của các em với người lớn dưới dạng bướng bỉnh, bất bình, không vâng lời…

++ Nếu người lớn thấy sự phản đối của các em, mà không suy xét về phía mình để thay đổi quan hệ với các em, thì sự xung đột của các em với người lớn còn kéo dài đến hết thời kì của lứa tuổi này.

++ Những quan hệ xung đột giữa các em và người lớn làm nảy sinh những hành vi tương ứng ở các em: xa lánh người lớn, không tin tưởng vào người lớn, cho rằng người lớn không hiểu các em và không chịu hiểu các em, khó chịu một cách có ý thức với những yêu cầu, những đánh giá, những nhận xét của người lớn. Tác động giáo dục của người lớn đối với các em bị giảm sút.

* Người lớn cần ứng xử như thế nào trong giao tiếp với học sinh THCS:

- Phải mong muốn và biết cách tôn trọng tính độc lập và quyền bình đẳng của thiếu niên.

- Quan hệ giữa thiếu niên và người lớn có thể không có mâu thuẫn nếu quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

- Khi tiếp xúc với thiếu niên cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị.

- Tính độc lập và quyền bình đẳng trong quan hệ của các em với người lớn là vấn đề phức tạp và gay gắt nhất trong giao tiếp của các em với người lớn nói riêng, trong việc giáo dục các em ở lứa tuổi này nói chung.

- Không nên coi đây là biểu hiện của sự “khủng hoảng” tuổi dậy thì, mà là sự khủng hoảng trong quan hệ của thiếu niên với người lớn, chủ yếu do người lớn gây ra. Những khó khăn, mâu thuẫn có thể hạn chế hoặc không xảy ra, nếu người lớn và các em xây dựng được mối quan hệ bạn bè, quan hệ có hình thức hợp tác trên cơ sở tôn trọng, thương yêu, tin cậy, bình đẳng và tế nhị trong cư xử với thiếu niên.

- Sự hợp tác này cho phép người lớn đặt các em vào vị trí mới - vị trí của người giúp việc và người bạn trong những công việc khác nhau, còn bản thân người lớn trở thành người mẫu mực và người bạn tin cậy của các em

icon-date
Xuất bản : 29/06/2022 - Cập nhật : 29/06/2022