logo

Soạn bài: Truyện Kiều - Trao duyên (chi tiết)

Hướng dẫn Soạn bài Soạn bài: Truyện Kiều - Trao duyên chi tiết nhất. Với bản soạn văn 10 này các bạn sẽ được trả lời toàn bộ các câu hỏi trong phần Đọc- hiểu và Luyện tập chi tiết nhất, qua đó nắm vững nội dung bài học.


Soạn bài: Truyện Kiều - Trao duyên (chi tiết)


Giới thiệu đoạn trích Trao duyên

1. Vị trí đoạn trích:

Sau đêm thề nguyền với Thúy Kiều, Kim Trọng phải về gấp hộ tang chú ở Liễu Dương. Tai nạn ập đến với gia đình Kiều, gia đình nàng bị vu oan. Tài sản bị cướp sạch, cha và anh bị đánh đập dã man. Kiều buộc phải bán thân để cứu gia đình. Việc nhà coi như đã giải quyết tạm ổn, nhưng mối tình với Kim Trọng lại dở dang. Vì thế đêm trước khi ra đi theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều đã cậy nhờ Thuý Vân trả nghĩa cho Kim Trọng. Đoạn trích bắt đầu từ câu 723 đến 756 trong tác phẩm “Truyện Kiều” (Tiêu đề do người soạn sách tự đặt ra).

2. Nội dung đoạn trích:

- Đoạn trích miêu tả sự khéo léo của Thúy Kiều khi cậy nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng. Đồng thời làm rõ diễn biến tâm trạng đầy đau khổ tuyệt vọng của Kiều khi tình yêu tan vỡ, buộc phụ tình với Kim Trọng.

3. Bố cục: gồm 3 đoạn:

+ Đoạn 1: Câu 1 đến ...hãy còn thơm lây”: Lời nhờ cậy trao duyên

+ Đoạn2: "tiếp đến ... muôn vàn ái ân": Thúy Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân và hồi tưởng lại  những kỉ niệm đẹp với Kim Trọng.

+ Đoạn 3:  Phần còn lại: Tình yêu, bi kịch của Kiều.


Hướng dẫn học bài

Câu 1 (trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Khi trao duyên, Thúy Kiều trao lại cả kỉ vật cho Thúy Vân:

Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung”

+ Bức tờ mây → Tờ giấy có trang trí hình mây, ghi lời thề chung thủy của Kim- Kiều.

+ Chiếc vành còn gọi là xuyến bằng vàng đồ trang sức của phụ nữ, Kim Trọng đã trao cho Thúy Kiều để làm tin. Đó là những kỉ vật mà Kiều nâng niu trân trọng.

Một tiếng “giữ” không có nghĩa là “trao” hẳn mà chỉ để cho em giữ. Nhưng tiếng “chung” mới thật xa xót. Bởi đáng lẽ kỉ vật này là của riêng nàng mới đúng giờ đã biến thành của chung. Không đành được, Kiều phải trao lại cho em. Thế mới biết Kim- Kiều nồng nàn sâu sắc đến mức độ nào. Nồng nàn, sâu sắc đó nhưng Kiều vẫn quyết định trao duyên cho em chứng tỏ Kiều đã đặt hạnh phúc của người yêu, đặt chữ hiếu lên trên hết.

Thúy Kiều nhớ lại những kỉ niệm với Kim Trọng:

“Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này”

Kiều nhớ đến đêm thề nguyền khi nàng sang nhà Kim Trọng, chàng Kim đã thêm hương vào lò hương, sau khi thề nguyền, nàng đã đánh đàn cho chàng nghe -> Kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu luôn có sức sống mãnh liệt. Tình yêu mà Kiều dành cho Kim Trọng thật sâu sắc và mạnh mẽ. Càng mạnh mẽ sâu sắc bao nhiêu ta càng cảm thấy sự tiếc nuối xót xa bấy nhiêu. Đó là sự lưu luyến những kỉ vật, với tình yêu của mình, nàng coi hạnh phúc của mình đã chấm dứt, nàng đau đớn vì tình yêu tan vỡ, vì buộc phải phụ tình Kim Trọng.

Câu 2 (trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Với quyết định bán mình cứu cha và em, Kiều coi như mình đã chết. Đó là cái chết của tâm hồn. Vì nàng ý thức hạnh phúc của mình là hết rồi, đã chấm dứt. Từ đây ngôn ngữ trong lời thoại của Kiều gợi ra cuộc sống ở cõi âm, đầy ma mị:

“Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió là hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Nhắc đến cái chết: cách mặt khuất lời, dạ đài, người thác oan, hồn, nát thân bồ liễu, hiu hiu gió là hay chị về… -> Nàng đã ý thức được thân phận của mình. Lời của Kiều là lời của một oan hồn. Tâm trạng của nàng đau đớn đến tột cùng. Nàng đã tự khóc cho mình. Đó là tiếng khóc cho thân phận, xót thương cho chính mình, yêu tha thiết nhưng phải chia lìa tình yêu.

⇒ Tình yêu sâu sắc thuỷ chung của Kiều dành cho Kim Trọng, cùng nỗi đau đớn khi phải chia lìa hạnh phúc.

Câu 3 (trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Xuyên suốt đoạn trích chính là tâm tư nguyện vọng của Thúy Kiều, được bộc lộ qua cuộc đối thoại trực tiếp với Thúy Vân và đối thoại gián tiếp với Kim Trọng.

- Cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Thúy Vân xoanh quanh vấn đề trao duyên: Trong chuyện tình cảm, việc đem tình yêu của mình trao gửi cho người khác là một chuyện cực kì bất đắc dĩ, không ai muốn điều đó xảy ra. Nhưng trường hợp của Kiều không thể đành được, buộc nàng phải làm như thế. Hơn nữa, nên duyên vợ chồng hay không cũng là chuyện hệ trọng của cả một đời người, không yêu sao lại có thể lấy làm chồng được. Trong hoàn cảnh của Kiều lúc này, việc trao duyên là chuyện tế nhị và khó nói. Chính vì thế ngay từ lời mở đầu Kiều đã lựa chọn lời lẽ thích hợp nhất để Thúy Vân chấp nhận lời thỉnh cầu của mình:

 “Cậy em, em có chịu lời”

“ Cậy” chứ không phải nhờ. “Cậy là thể hiện niềm tin. Chỉ có em mới là người chị tin cậy nhất. Vì thế “cậy” mang sắc thái khẩn cầu, có sức thuyết phục hơn. “Chịu lời” là chấp nhận, đồng ý. Ở đây, Kiều không dùng từ “nhận lời” bởi Kiều biết Thúy Vân lúc này không yêu Kim Trọng. Nên những gì Kiều sắp nói ra sẽ phần nào gây khó xử cho Thúy Vân. Dùng từ “chịu lời” để thuyết phục người mình tin buộc phải nghe theo không thể chối từ. Trong lúc bối rối và đau khổ nhất. Kiều vẫn lựa những lời lẽ để thuyết phục em ruột của mình. Bởi Kiểu biết việc mình sắp nói ra vô cùng hệ trọng với cuộc đời Thúy Vân.

“Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”.

 “Lạy em” là lạy đức hi sinh cao cả của Thúy Vân, điều này không trái với đạo lí bởi giờ đây Thúy Vân phải chấp nhận lấy người mình không yêu, cụ thể “lấy người yêu chị làm chồng”.

⇒ Dù trong hoàn cảnh trớ trêu, cõi lòng tan nát, nhưng Thúy Kiều vẫn bộc lộ sự đoan trang, tế nhị và khéo léo. 

Nàng có nói về mối tình của mình, hoàn cảnh của mình:

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”

Do gia đình xảy ra biến cố nên buộc nàng phải lựa chọn. Một bên là tình cảm sâu đậm, một bên là chữ hiếu gánh nặng trên vai. Và lẽ dĩ nhiên, giữa bên tình và bên hiếu, Kiều buộc phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Nàng đau đớn khi hi sinh tình yêu của mình, vì thế nên mong rằng Thúy Vân hãy hiểu và thương lấy nàng. Đến đây Kiều có thể nói được những điều muốn nói:

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non”

Sau khi để Thúy Vân thấy được sự hi sinh của mình, Thúy Kiều tiếp tục gợi tình cảm yêu thương ruột thịt giữa hai chị em để mong Vân xót thương, giúp đỡ =>Lời trao duyên tha thiết, ân tình, éo le mà  trân trọng.   

Điều muốn trao gửi, Kiều đã nói được rồi. Sau phút ấy tâm trạng của Kiều ra sao, ta đọc- hiểu tiếp.

- Cuộc đối thoại gián tiếp với Kim Trọng:

Sau khi bộc bạch, gửi gắm nỗi lòng, Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân và hồi tưởng lại kỉ niệm đẹp của tình yêu. Nàng như quên hẳn người ngồi trước mặt mình là Thúy Vân, Kiều như đang tâm sự, đối thoại với chàng Kim:

Bây giờ trâm gãy bình tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ô! Kim Lang! Hỡi Kim Lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

⇒ Chất chứa yêu thương qua các từ ngữ : " tình quân. ôi kim lang! hỡi kim lang! , thiếp, chàng". Dùng những hình ảnh ước lệ: '' phận bạc như vôi, hoa trôi lỡ làng" => sự bẽ bàng, tủi hổ. Lời thơ như tiếng khóc ai oán. Khóc cho tình yêu không thành, khóc cho thân phận bạc bẽo, khóc cho cõi lòng nát tan. Khóc cho nỗi đau đớn tột cùng, nàng tự cho mình là người phụ bạc người mình yêu.

⇒ Tình yêu son sắc của Kiều dành cho Kim Trọng, bộc lộ niềm xót xa, đau đớn, nghẹn ngào. Khẳng định nhân phẩm cao đẹp của Kiều.

Câu 4 (trang 106 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Do hoàn cảnh xô đẩy đã đưa Kiều đứng trước hai sự lựa chọn: bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn. Tâm trạng Kiều rối bời và đầy mâu thuẫn: Lí trí mách bảo nàng phải chọn bên hiếu, bán thân lấy tiền cứu lấy cha và em. Nhưng tình cảm thì thì bị giằng xé bởi tình yêu sâu sắc với Kim Trọng. Đó là mâu thuẫn giữa hoàn cảnh bắt buộc và nội tâm của Kiều. Song nàng đã vượt qua mâu thuẫn ấy để nhận nỗi đau về mình. Điều đó khẳng định mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách đa tình và thân phận làm con của Kiều,  khẳng định nhân cách cao đẹp của nàng.


Tổng kết tác phẩm

Soạn bài: Truyện Kiều - Trao duyên (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất


Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác