logo

Cảm nhận đoạn trích Trao Duyên


Cảm nhận đoạn trích Trao Duyên

Cảm nhận đoạn trích Trao Duyên | Văn mẫu 10 hay nhất

      Mộng Liên Đường khi nhận xét về truyện Kiều đã từng nói rất thấm thía rằng “lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút nước mắt thấm ở trên tờ giấy khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi đau đớn như đứt ruột” có thể nói, trích đoạn Trao Duyên phần nào mang đến cho người đọc những cảm nhận xót xa đến quặn lòng ấy khi chứng kiến bi kịch nội tâm, bi kịch tình yêu đau đớn của kiếp hồng nhan bạc mệnh Thúy Kiều.

       Mở đầu đoạn thơ, đã hàm chứa đầy sự bất thường trong ngữ điệu thưa gửi, trong những nỗi niềm đang ẩn giấu:

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

        Xét theo vai vế, Kiều rõ ràng là chị, nhưng ở đây khi cậy nhờ người em của mình giọng điệu hết sức bi thiết, vừa khó nói, mà vừa éo le làm sao. Ngữ điệu hỏi đầy uẩn tình, chất chứa tâm can kết hợp với hành động “lạy” và “thưa” thể hiện sự nhờ vả có phần gượng khó của Thúy Kiều. Xưa nay người ta trao khăn, trao kỉ vật, chứ mấy ai trao duyên bao giờ, chi nội việc đấy thôi, cũng đủ thấy Kiều vừa khẩn thiết mà cũng khó lòng bộc bạch đến nhường nào, bản thân nàng cũng biết sự nhờ vả của mình cũng đẩy Vân vào sự lựa chọn khó khăn, nói không chẳng thể mà nói có cũng chẳng đành lòng. Thế nhưng Thúy Kiều mong Vân có thể dùng “keo loan” mà “chắp mối tơ thừa”.

         Nhưng cái khiến người đọc cảm thấy có thể đồng cảm phần nào với đớn đau của Kiều cũng như cái ngặt nghèo Thúy Vân ở đây chính là khi nàng mở lòng kể về mối tình của mình với chàng Kim:

Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai

       Mối tình với chàng Kim vừa thiết tha, vừa sâu nặng, chứa đựng trong đó những gì đẹp đẽ, trong ngần thuần khiết nhất, ăm ắp những kỉ niệm những nhớ thương, đến nỗi khi vừa chạm nhẹ những dòng xúc cảm mặn nồng của trái tim Kiều chực trào tuôn ra. Đẹp nhường ấy, sâu nặng nhường ấy, nhưng hiếu tình không thể vẹn cả đôi đường. bên tình bên hiếu Kiều phải dứt lòng chọn một trong hai, cô đã chọn gia đình mình, chọn hi sinh tấm  thân  ngọc ngà của mình để cứu sống cả gia đình. Với Kiều, tình yêu rõ ràng là lẽ sống, nhưng nay tình huống éo le kia đã ép nàng phải từ bỏ lẽ sống của mình, khác nào bắt nàng chọn cái chết:

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

         Kiều không chỉ khiến Vân cảm động, xót thương về mặt tình cảm, nhưng về mặt lí, lí lẽ Kiều đưa ra cũng thật khó để Vân không động lòng. Tuổi xuân của Vân vẫn còn dài, tương lai vẫn có thể cố gắng xây dựng, vun vén, nhưng Kiều thì khác, nàng đã đi đến bước đường cùng, câu thơ nghe bùi ngùi, não lòng thê khẩn biết bao nhiêu, và cũng cảm động trước tấm lòng vị tha hiếu thảo của nàng Kiều bấy nhiêu. Qua đó, chẳng phải ngầm muốn nói, cô đã chọn hy sinh hạnh phúc và tuổi xanh của mình vì gia đình, Vân nỡ lòng nào từ chối. Thậm chí Kiều còn viện dẫn cả linh hồn nơi chín suối để lay thức trái tim Vân, để bắc cầu đến sự đồng cảm và chấp thuận của em mình.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai

        Kỷ vật là chiếc thoa với bức tờ mây, đó là kỉ vật tình yêu của hai người khi mới gặp gỡ và quen nhau. Kỷ vật đã trao, duyên đã gửi, ấy thế nhưng trái tim nàng vẫn hướng về chàng Kim, một lòng một dạ đau đáu nghĩ về chàng, dẫu ngậm cười chín suối, vẫn cứ một dạ son sắt thủy chung nhất mực:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây

       Đến khổ thơ cuối, dường như mọi uất nghẹn dồn nén bên trên được giải tỏa.Tơ duyên ngắn ngủi, quả đúng là hồng nhan bạc mệnh, nàng Kiều ấy, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cầm kỳ thi hoa, độc nhất vô nhị không ai sánh bằng. nhưng cũng không có bi kịch nào đớn đau bằng bi kịch trao duyên này. Đoạn tình đã qua, là biết bao gắn bó, yêu thương, sâu nặng, nhưng xã hội phong kiến thối nát đã tước đi thứ hạnh phúc bình dị đáng có của phẫn liễu yếu đào tơ, nàng chỉ đành than thân trách phận, phận “bạc như vôi”, nước chảy hoa trôi, tất cả đều lỡ làng, đều đã là quá muộn. Đó là tiếng than ai oán não nùng, mà ta đã bắt gặp rất nhiều trong những câu ca dao than thân, người phụ nữ bé nhỏ tội nghiệp sống trong xã hội nam quyền, không được tự do quyết định hạnh phúc của đời mình. Bên tình bên hiếu, Kiều đã chọn bên hiếu, vì vậy mà dẫu không phải lỗi do nàng dây ra, nàng vẫn tự nhận mình là kẻ phụ bạc, phụ tình với chàng Kim, tấm lòng ấy thật đáng trân trọng.

Cạn lời hồn ngất máu say

Một hơi lạnh ngắt, đôi tay giá đồng

        Như đã nói ở trên với Kiều tình yêu là lẽ sống, nay đã phải trao duyên, nàng chẳng khác nào sống mà như đã chết, trong tột cùng đớn đau, giày vò giằng xé, Kiều như đang ở trong địa ngục của tâm hồn. Nếu không có một trái tim đồng cảm sâu sắc, lời văn của Nguyễn Du không thể nào cảm động đến nhường ấy.

         Trao duyên vẫn luôn được đánh giá là một trong những trích đoạn lấy đi nhiều nước mắt của người đọc, người đọc đọc Kiều mà ngỡ như đang đồng điệu với điệu hồn nào đó của biết bao thân phận bạc mệnh trên cõi đời.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021