logo

Phân tích đoạn trích Trao duyên


Phân tích đoạn trích Trao duyên

Phân tích đoạn trích Trao duyên | Văn mẫu 10 hay nhất

       Nếu như Tắt đèn của Ngô Tất Tố tập trung phản ánh số phận bi thảm của người nông dân do chế độ sưu thuế, sự bóc lột tàn khốc trong xã hội thực dân nửa phong kiến, Chí phèo của Nam Cao tô đậm vấn đề tha hóa, biến chất của một bộ phận nông dân và ước mơ làm người lương thiện của họ thì đến với Truyện Kiều, Nguyễn Du nêu vấn đề đấu tranh để thực hiện tự do và công lí trong đoạn trích Trao duyên. 

        Có thể xem đoạn trích như một mắt cắt của tình yêu trên hai bình diện. Tình yêu không dàn trải đều trong phân bố tự nhiên mà đậm đặc, khoan sâu trong mỗi hành động, lời nói của nhân vật. Đoạn trích mang phong cách tự sự thậm chí như một hoạt cảnh đầy biến hóa. Mở đầu là lời nhờ cậy ray rứt:

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

          Việc hệ trọng, lẽ ra chỉ có thể là việc hơn chính người nhờ cậy. Ở đây, Kiều vẫn luôn đặt Vân trong mối quan hệ ngang hàng, em có “chịu” thì chị mới “thưa” . Bao trùm lên câu thơ là tính đơn nhất, sự thắt chặt, dồn nén ở bối cảnh không gian và thời gian: chỉ một người có khả năng nhận lời gửi gắm, chỉ một thời điểm, gửi gắm tài sản duy nhất, cái hy vọng cuối cùng của người con gái sắp phải đi xa. Ở đó có cả công việc cần bàn giao và cả hoàn cảnh éo le mà Thúy Kiều cần nhờ cậy. Sáu câu sau được phát triển thành một đôi lục bát:

“Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”

         Sau hoàn cảnh diễn ra sự “đứt gánh” giữa đường và lời nhờ cậy không dễ và không tiện diễn đạt bằng lời với một người dù là em. Sự vận động của mạch thơ từ những câu sau đã trở thành cái mốc:

“Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây …”

         Thúy Vân đang mang gánh nặng lớn nhất, sâu thì như biển Đông, cao thì như núi Thái. Vậy, người đáng thương duy nhất chính là Kiều, điều ấy lại do chính nàng nhận thức. Bi kịch tăng dần vào điểm nút.  Làm sao có thể chết đi một mối tơ duyên mà kỉ niệm của nó vẫn còn nguyên vẹn, vẫn ấm áp hơi người:

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung”

         “Của chung là của ai? Bao nhiêu đau đớn trong hai tiếng đơn sơ”. Tình thế như đảo ngược: kẻ hái quả không một ngày trồng hai cây sương một nắng. Nỗi đau đang đẩy lên đến tận cùng được thể hiện giữa hai khái niệm giả và thực. Sự phân hợp chồng chéo, đan gài nhau tạo cái nhức nhối xót xa, giữa mất và còn, giữa hiện tại và tương lai.

        Về hình thức vẫn là lời dặn em, vẫn tồn tại một logic thông thường nhưng mạch thơ đã chuyển. Sự thay thế vai trò không chỉ biểu hiện bằng tương quan còn- mất mà chính ở tỉ trọng đối sánh giữa tình chị và duyên em:

“Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan."

          Nói đến tương lai là xa vời và đớn đau, Kiều mất hẳn sự yên lòng trong phút giây trước đó, chới với không biết bám víu vào đâu.Tưởng tượng đến lúc Vân và chàng Kim nên vợ nên chồng, đến cõi hư không mà mình chỉ là một mảnh hồn oan vật vờ theo ngọn gió hiu hiu trên ngọn cỏ lá cây nhưng vẫn vấn vương với tiếng tơ trên phím đàn và mùi hương của mảnh trầm ngày xưa và vẫn còn mang nặng lời thề, lời nguyền nát khăn bồ liễu để đền nghì trúc mai cho người, Kiều tha thiết dặn em hãy rảy cho chén nước làm phép tẩy oan để dù thịt nát xương mòn, nàng vẫn ngậm cười chín suối. Chút yên lòng đã bay đâu mất! Trước, nàng đau khổ vì người. Nay, thấy mình sẽ mất tất cả. Chặng đường Kiều đã đi là những nỗi đau kéo dài, đến đây tương lai khó định, hướng đi phía trước là vô định. Kiều rơi vào trạng thái nửa vời, mơ hồ giữa thực và ảo, giữa sự sống và cái chết. Hình ảnh, âm điệu chập chờn, hư ảo, thời điểm không xác định (mai sau, bao giờ), hình ảnh phất phơ, ma mị (ngọn cỏ lá cây, hiu hiu gió).., như nhân đôi nỗi xót xa trong lòng.

         Đến đây, Kiều bộc bạch với chính mình về sự dở dang duyên phận mà trái tim như tan ra từng mảnh. Nỗi đau không sâu tận tâm can đến phải thốt lên thành lời:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi! Thiếp đà phụ chàng từ đây!

         Phải chăng Kiều đang xóa đi tất cả, xóa mọi lời đã nói với Vân. Nỗi thương mình không bằng thương người, càng đau cho mình thì nỗi đau cho người, vì người càng tăng thêm bấy nhiêu.

Có lẽ, uất nghẹn không thể kìm nén đã trào lên theo tiếng nấc thơ than:

"Cạn lời hồn ngất máu say,

Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng."

         Người con gái tội nghiệp Thúy Kiều đang dậy sóng trong lòng, nỗi đau như cuộn thành từng cơn, xoáy lấy tâm can, in hằn trong tâm trí. Đớn đau ấy xuất phát từ thương yêu đang dày vò trái tim nàng. Đó là thủy chung, là hy sinh. Hơn cả yêu.  

        Quả đúng,  Kiều thương người đằm thắm sâu xa, mong muốn cho người được hạnh phúc, còn mình thì chấp nhận thiệt thòi, cam chịu hy sinh. Chính bởi lẽ ấy mà người đời chẳng những cảm phục mà còn trân trọng nàng với bốn chữ “phẩm giá Thúy Kiều”.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021