logo

Soạn bài: Truyện Kiều - Nỗi thương mình (chi tiết)

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Truyện Kiều - Nỗi thương mình chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 10 hay nhất được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tìm hiểu tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Soạn bài: Truyện Kiều - Nỗi thương mình (chi tiết)


Giới thiệu đoạn trích:

1. Vị trí đoạn trích:

Thất trinh với Mã Giám Sinh, bị đưa vào nhà chứa mụ Tú Bà, Thúy Kiều rút dao tự vẫn nhưng không chết. Nàng bị đưa ra ở lầu Ngưng Bích. Sau đó, do mắc lừa Sở Khanh, Kiều bị Tú Bà bắt về đánh đập dã man, buộc nàng phải tiếp khách. Đoạn trích này bắt đầu từ đó (câu 1229 đến câu 1248)

2. Nội dung đoạn trích:

Miêu tả tâm trạng đau đớn, tủi nhục của Thuý Kiều khi sống trong cảnh sống ô nhục, ăn chơi trác táng ở lầu xanh. Đồng thời thể hiện thái độ thờ ơ, hờ hững trước thú vui ở lầu xanh => bộc lộ ý thức về nhân phẩm của Thúy Kiều.


Hướng dẫn Học bài

Câu 1 (trang 108 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Đoạn trích chia làm 3 đoạn:

 + Đoạn 1: bốn câu thơ đầu: miêu tả cảnh sống xô bồ, nhơ nhớp, trác táng của thân phận người phụ nữ ở lầu xanh

 + Đoạn 2: Câu số 5 đến câu 12: Diễn tả nỗi thương mình của Thúy Kiều

 + Đoạn 3: 08 câu thơ còn lại: Sự cô đơn, đau đớn đến tận cùng của Thúy Kiều.

Câu 2 (trang 108 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Mở đầu đoạn trích đã hiện lên cảnh lầu xanh với những hình ảnh ăn chơi trác táng:

 “Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm

Dập dìu lá gió cành chim”

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”

Tác giả dùng những hình ảnh tượng trưng: “Ong bướm lả lơi” thành “Bướm lả, ong lơi” để gây ấn tượng về sự suồng sã, cợt nhả ở chốn lầu xanh. Dùng hình ảnh “lá gió cành chim” giúp người đọc có sự liên tưởng: Lá đón gió, cành đón chim như thân phận của người con gái làm công việc đưa và đón khách sớm tối. Nhục nhã bao nhiêu khi thể xác bị dày vò. Nhịp thơ diễn tả sự buông thả thân xác người con gái, mặc cho khách làng chơi tha hồ đùa cợt.

Bên cạnh đó, tác giả khắc họa rõ nét hơn cuộc sống ở lầu xanh với những từ ngữ tượng trưng:“Biết bao”: diễn tả sự việc xảy ra thường xuyên, rất nhiều không thể tính được. “Trận cười” chứ không phải tiếng cười -> cuộc sống xô bồ, trác táng của những  kẻ thỏa mãn trong sắc dục, dâm dật đến điên loạn, “Tống Ngọc, Trường Khanh”: chỉ khách làng chơi phong lưu, “lả lơi, dập dìu,..”: chỉ sự thiếu đứng đắn, cợt nhả.

=>Chỉ bốn câu thơ với bút pháp ước lệ, tác giả đã miêu tả sắc nét cuộc sống ở lầu xanh của Thúy Kiều: nhục nhã ê chề, bẽ bàng tủi hổ. Thương cảm, xót xa cho thân phận liễu yếu đào tơ bị vùi dập, tác giả lên án chế độ xã hội phong kiến thối nát đẩy con người vào tình cảnh trớ trêu, bẽ bàng.

Câu 3 (trang 108 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Các dạng thức đối xứng khác nhau được sử dụng trong đoạn trích:

- Đối xứng từ/từ, cụm từ/cụm từ:ong/bướm, bướm lả/ong lơi, lá gió/cành chim, sớm/tối, sớm đưa/tối tìm, khi sao.giờ sao, mặt/thân, gió/sương, dày gió/dạn sương, Sở/Tần, mây/mưa, mưa Sở/mây Tần, gió/hoa, gió tựa/hoa kề

- Đối xứng vế/vế: khi tỉnh rượu/lúc tàn canh, nửa rèm tuyết ngậm/bốn bề trăng thâu, cung cầm trong nguyệt/nước cờ dưới hoa

- Đối xứng câu với câu: khi tỉnh rượu lúc tàn canh/giật mình mình lại thương mình xót xa, khi sao phong gấm rủ là/giờ sao tan tác như hoa giữa đường, mặt sao dày gió dạn sương/thân sao bướm chán ong chường bấy thân, mặc người mưa Sở mây Tần/những mình nào biết có xuân là gì

⇒ Nghệ thuật đối xứng tạo nên chiều sâu để nhìn nhận vấn đề qua nhiều góc cạnh khác nhau: sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa đời sống tinh thần và thân xác nàng Kiều. Tất cả đem đến cho người đọc thấy được sự đối lập giữa hai đoạn đời, đối lập giữa hoàn cảnh hiện tại và tâm hồn muôn vàn nỗi tái tê nhục nhã. Nàng nhận thức sâu sắc về số phận của mình, biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào, tâm hồn vật vã đau đớn ra sao. Cuộc đời của nàng giờ đây như bông hoa tàn lụi bị dẫm đạp không thương tiếc. Nỗi đau chất chứa, gào thét muốn tung mình thoát khỏi cuộc sống nhà chứa tù đày. Nỗi đau vút thành tiếng kêu đòi quyền sống, quyền tự do hạnh phúc cho con người.

Câu 4 (trang 108 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Diễn tả nỗi thương mình của Thúy Kiều, tác giả viết:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

…ong chường bấy thân”

⇒ Giật mình tỉnh rượu sau những cơn say là sự cô đơn đến cùng cực, đau đớn xót xa cho thân phận nàng Kiều. Đối diện với nỗi cô đơn một mình trong bóng tối, chỉ khi “tỉnh rượu”, “tàn canh” nàng mới được sống là chính mình. Nàng xót xa cho thân xác bị đọa đày, đau đớn cho thân phận bẽ bàng. Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp lặp Ba tiếng mình một cách đắc dụng nhất để diễn đạt nỗi đau mất mát của Kiều, chỉ mình nàng biết, chỉ mình nàng hay. Nó không thể thổ lộ, san sẻ cùng ai, như càng ngày càng xoáy sâu hơn vào nỗi cô đơn, đau đớn của nàng.

⇒ “Nỗi thương mình” này có ý nghĩa hết sức mới mẻ đối với văn học trung đại. Con người không chỉ biết hi sinh nhẫn nhục, cam chịu số phận nữa mà đã có ý thức về nhân cách, giá trị của bản thân, ý thức về quyền sống của mình. Tư tưởng này như luồng gió mới thổi hồn vào trong thơ Trung đại, tạo tiền đề thắp lên ngọn lửa lòng trong thơ Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương,… sau này. Thương mình chính là thương người.

Câu 5 (trang 108 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Lầu xanh vốn là nơi mua vui, ở đó có rất nhiều cảnh đẹp:

 “Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu”

⇒ vẻ đẹp của phong hoa tuyết nguyệt với nét đẹp đặc trưng của 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Có hoa mùa xuân, gió mát mùa hạ, trăng trong trẻo mùa thu, tuyết mùa đông. Bên cạnh đó, lầu xanh cũng là nơi có nhiều thú vui chơi:

“Đòi phen nét vẽ câu thơ

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa”

Cầm, kì, thi, họa đó là những thú vui tao nhã. Nhưng với Kiều, cảnh đẹp hay thú vui với nàng nàng đều không làm nàng vui vẻ mà đó còn là sự ám ảnh, cảm thương đến xót xa, nàng thờ ơ với tất cả. Cái buồn của con người đã lây sang cả cảnh vật:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Nàng phó mặc cho khách làng chơi:

“Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì”

“Mưa Sở mây Tần” là chỉ sự ái ân của trai gái, “xuân” ám chỉ sự vui thú. Đối với Kiều, nàng không hứng thú, vui vẻ gì, mặc cho khách làng chơi trêu hoa ghẹo nguyệt. Đối với nàng, đó chỉ là sự miễn cưỡng, ép buộc:

“Vui là gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai”

⇒ Đằng sau sự dửng dưng, thờ ơ đó là một tâm hồn gào xé cuộn đau. Càng ý thức về nhân phẩm, Kiều càng đau đớn xót xa đến cùng cực. Vì trên hết, nàng ý thức được nhân phẩm của mình bị trà đạp, bị vùi dập, thắt buộc trong vòng hoen ố => Khát khao một cuộc sống lành mạnh, trong sạch. Nguyễn Du không né tránh thực tại, đề cao nhân cách của Kiều: Dù sống ở nơi nhơ nhớp đó nhưng tâm hồn Kiều vẫn giữ được sự trong trắng.


Tổng quát đoạn trích

Soạn bài: Truyện Kiều - Nỗi thương mình (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất


Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác