Truyện ngắn “Đứa con” của Thạch Lam là câu chuyện ca ngợi về người phụ nữ tần tảo nhưng vẫn giữ trong mình những đức tính đáng quý. Theo dõi bài viết dưới đây của Toploigiai để hiểu hơn về nhân vật chị Sen trong truyện nhé!
Phân tích chị Sen trong tác phẩm Đứa con của Thạch Lam
Thạch Lam là nhà văn có sở trường về truyện ngắn. Sáng tác của ông thường có đề tài về những con người bình dị trong xã hội Việt Nam thập niên 40. Họ đều là những người rất đỗi bình thường, đôi khi chịu nhiều bất công, nhưng chưa bao giờ họ đầu hàng số phận và đánh mất bản ngã của mình. Nhân vật chị Sen trong tác phẩm “Đứa con” là hình tượng tiêu biểu trong các tác phẩm của ông.
Chị Sen là người làm trong nhà bà Cả. Ngày xưa ba mẹ chị vay mượn của bà Cả nhưng không có đủ tiền trả nên đưa chị đến làm việc không cho nhà bà. Một thời gian sau, ba mẹ chị đến xin đưa chị về lấy chồng, từ đó chị mới được rời khỏi nhà bà Cả.
Ngay từ những dòng đầu tiên của truyện, chị Sen đã xuất hiện với hình ảnh lao động vất vả. Dáng vẻ gánh nước hết sức nhọc nhằn, “cái đòn gánh cong xuống và rên rỉ trên vai”, chị “bước vào những bước khó nhọc và chậm chạp”, cả buổi sáng có ít nhất mười lần chị phải gánh nước như vậy, cho thấy cuộc sống hằng ngày của chị đầy cơ cực. Quả thật, sống ở nhà bà Cả, đã làm việc không công rồi mà chị còn bị bóc lột sức lao động nặng nề. Nhà bà Cả chỉ có chị Sen là người làm, chị phải làm hết mọi việc từ gánh nước, chẻ củi, nấu cơm đến những việc không tên khác.
Một người phụ nữ phải làm hết mọi việc nặng nhọc chắc chắn tổn hại cơ thể và sức khỏe. Thạch Lam mô tả chị “bé nhỏ, da sạm nắng”, chân tay “xấu xí và cằn cỗi”. Đó là những từ miêu tả đặc trưng của người lao động lam lũ. Làm việc cực nhọc nhưng bữa cơm của chị đơn sơ đến cùng cực, thường chỉ có cơm với muối hoặc nước mắm, ấy vậy mà chị còn “ăn uể oải và thong thả như người không ăn được”, dù đói chị cũng không ăn được vì nó khó ăn “nuốt vào nó nghẹn ở cổ”. Đến đây người đọc cũng cảm thấy xót xa, không hiểu chị nghẹn ở cổ vì bữa cơm cằn cỗi hay vì nghẹn ngào cho thân phận của mình?
Không chỉ bị bóc lột sức lao động mà chị còn bị bóc lột tinh thần. Bà Cả là người hung hăng và thích chửi rủa người khác vô lý. Không ít lần chị bị bà mắng nhiếc, có khi còn bị ông bà đánh đến rướm máu. Việc chị bị hành hạ đã thể hiện sự phẫn nộ của tác giả về hệ tư tưởng ngày xưa, khi sự phân biệt giai cấp và mối quan hệ chủ tớ đẩy người làm công vào bước đường cùng mà không dám phản kháng.
Thạch Lam đã miêu tả chị Sen với cuộc đời bất hạnh, nhưng đâu đó vẫn toát lên vẻ đẹp của một người phụ nữ đáng trân quý. Dù mỗi ngày chịu nhiều tủi nhục nhưng chị chấp nhận với một thái độ điềm nhiên. Chị không cáu gắt cũng không than vãn với người ngoài. Mỗi khi buồn chị chỉ khóc tự thương cho số phận của mình. Đó là vì chị coi trọng gia đình, yêu thương ba mẹ. Chị xem việc mình đi làm gán nợ cho ba mẹ là việc đương nhiên. Do đó chị không hề nghĩ đến việc phản ứng lại ông bà chủ hay rời khỏi nhà họ, bởi nếu chị ra đi thì ba mẹ chị còn khổ hơn ngày trước. Chị là người luôn đặt ba mẹ lên trên lợi ích và sự tự do của bản thân mình.
Khi chị được ra khỏi nhà bà Cả và về lấy chồng, rồi có con, chị cùng ba mẹ quay lại nhà bà Cả đưa gà và chuối làm lễ bù cho lãi của món nợ vẫn chưa trả được. Ngày ba mẹ đến xin đưa chị về, chị “lặng yên đứng ở góc nhà”, đến khi quay lại sau hai năm, chị vẫn “nấp sau bố mẹ” “đứng lẩn vào xó tối”. Hình ảnh này khiến người đọc xót xa. Hai năm sau khi được giải thoát đồi sống nhọc nhằn nhưng chị vẫn chưa giải thoát được tư tưởng của mình. Trong chị vẫn nảy sinh e sợ trước thế lực của ông bà Cả. Đó cũng là hậu quả của lề thói phong kiến đã áp đặt và định hình cho những người thấp cổ bé họng tâm lý thua thiệt.
Tuy nhiên, ở cuối truyện, Thạch Lam lại gửi đến người đọc một điểm sáng. Đó là khi bà Cả bồng con của chị Sen thì chị “sung sướng thẹn đỏ mặt”, “nhìn đứa bé với tất cả tình âu yếm và tự kiêu của người mẹ”. Đó là biểu hiện cảm xúc vui tươi trái ngược với sự nghẹn ngào đáng thương ở nửa phần đầu của truyện. Chính đứa con là cứu cánh cho cuộc đời chị, đem đến cho chị sự tự hào, niềm kiêu hãnh trước mặt chủ cũ mà tưởng như mãi mãi chị không có được. Ngày xưa chị chấp nhận số phận tủi nhục vì gia đình, nay cũng vì gia đình mà chị đã tìm thấy niềm vui và sự tự tôn của mình.
Chị Sen đã có được điều mà ông bà Cả mong ước cả đời cũng không có được, đó là đứa con. Nhưng chị không lấy đứa con làm điểm tựa để bật lại hay tỏ thái độ kiêu căng khinh thường. Chị vẫn ít nói như thường lệ, chỉ thể hiện cảm xúc qua thái độ vui mừng, ngay cả khi cảm động vì bà Cả cho tiền, chị cũng xúc động đến nỗi không cất nổi lời cám ơn. Qua đó, người đọc thấy rằng chị không có tính cách hơn thua, trả đũa. Chị Sen là người chân chất, dịu dàng và nhu mì. Một con người lam lũ nhưng đáng quý.
Nhân vật chị Sen của nhà văn Thạch Lam là tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ chân quê hiền lành. Dù cuộc sống vùi dập nhưng họ vẫn giữ trong mình những đức tính tốt đẹp, khao khát vươn lên làm chủ số phận và hướng đến ngày mai tươi sáng.