Hình ảnh chim công xuất hiện trong tác phẩm “Khổng Tước Vũ” là một chi tiết gợi hình và gợi cảm. Qua tác phẩm này, tác giả đã truyền tải những thông điệp có giá trị đến người đọc.
Đề bài: Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Khổng Tước Vũ”
KHỔNG TƯỚC VŨ
Nguyễn Du
Khổng tước phủ hoài độc,
Ngộ phục bất khả y.
Ngoại lộ văn chương thể,
Trung tàng sát phạt ky.
Nhân khoa dung chỉ thiện,
Ngã tích vũ mao kỳ.
Hạc hải diệc hội vũ,
Bất dữ thế nhân tri.
(Kiều Văn, Thanh Hiên thi tập, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001, tr. 139)
Dịch nghĩa
Tạng phủ chim công có chất độc,
Lỡ ăn nhầm, không có thuốc chữa.
Bề ngoài có vẻ tốt đẹp,
Nhưng bên trong giấu chất giết người.
Người ta khen bộ nó đẹp,
Ta thì tiếc cho bộ lông kỳ lạ của nó.
Con hạc biển cũng biết múa,
Nhưng chẳng để ai thấy.
Dịch thơ:
Không thuốc nào chữa được,
Khi ngộ độc gan công.
Vẻ đẹp lộ ngoài mã,
Chất độc giấu trong lòng.
Người thường khen cái dáng,
Ta chỉ tiếc bộ lông.
Hạc bể cũng biết múa,
Không cho người đời trông.
(Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang)
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.
- Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm “Khổng Tước Vũ” là một tác phẩm đặc sắc mang đặc trưng phong cách nghệ thuật Nguyễn Du.
- Trích dẫn thơ.
II. Thân bài
- Thể thơ: Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ ngũ ngôn bát cú truyền thống.
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác khi nhà thơ làm quan ở Bắc Hà (1802-1804).
- Phân tích: Hình ảnh đối lập giữa chim công lộng lẫy và hạc biển có vẻ lép vế hơn, từ đó nhà thơ đã nêu ra nhiều triết lý trong cuộc sống.
+ Đầu tiên, tác giả giới thiệu với người đọc loài “khổng tước” chim công “phủ hoài độc”.
+ Chính vẻ ngoài hấp dẫn “Ngoại lộ văn chương thể” của chim công lại chứa chất độc chết người “trung tàng sát phạt ky” → đây là loại độc mà một khi đã uống nhầm thì không thể cứu chữa “ngộ phục bất khả y”.
→ Nhà thơ muốn ám chỉ đến những người có vẻ ngoài lộng lẫy, thu hút và vô hại, nhưng thực chất lại chứa đầy mưu kế, âm mưu hiểm độc bên trong.
+ “Nhân khoa dung chỉ thiện/ Ngã tích vũ mao kỳ”: cho thấy cách nhìn nhận người đời và thái độ trước những loại người này của tác giả: trong khi người đời khen bộ dáng đẹp đẽ của con chim công thì thi nhân lại chỉ tiếc bộ lông lạ của nó.
+ Chim công không phải loài duy nhất biết múa, mà hạc biển cũng như thế: “Hải diệc nội vũ”.
+ Con hạc biển không phô trương bộ lông của mình, không để ai thấy, ai biết.
→ Đây là đang nói đến những con người khiêm tốn và giản dị.
III. Kết bài
- Cảm nhận: Bằng cách mượn hai hình ảnh đối lập là chim công và hạc biển, Nguyễn Du đã nêu lên triết lý về sự không đồng nhất giữa hình thức bên ngoài và bản chất thật sự bên trong, về sự phô trương và khiêm nhường.
- Liên hệ bản thân:
+ Nên sống một cuộc sống mà không nên phô trương, cố thể hiện bản thân mình trước mặt người khác.
+ Khi đánh giá một người, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài mà cần đi sâu đánh giá người khác qua những giá trị nội tâm của họ.
Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm với các tác phẩm xuất sắc như “Truyện Kiều”, “Độc Tiểu Thanh ký”,... Tác phẩm “Khổng Tước Vũ” là một tác phẩm đặc sắc mang đặc trưng phong cách nghệ thuật Nguyễn Du.
Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ ngũ ngôn bát cú truyền thống, được sáng tác khi nhà thơ làm quan ở Bắc Hà (1802-1804). Song, lại truyền tải một thông điệp sâu sắc ẩn sâu một loài vật tưởng chừng đã quá quen thuộc. Bài thơ có nhiều bản dịch khác nhau, bản nào cũng có những cái hay riêng và không làm mất đi ý nghĩa thông điệp ở bản gốc.
“Khổng tước phủ hoài độc,
Ngộ phục bất khả y.
Ngoại lộ văn chương thể,
Trung tàng sát phạt ky.
Nhân khoa dung chỉ thiện,
Ngã tích vũ mao kỳ.
Hạc hải diệc hội vũ,
Bất dữ thế nhân tri.”
Hình ảnh động vật xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Du rất nhiều lần. Chúng ta đã bắt gặp một Từ Hải “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, bọn sai nha là trâu ngựa “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”. Và khi đến với “Khổng Tước Vũ”, chúng ta nhận thấy hình ảnh đối lập giữa chim công lộng lẫy và hạc biển có vẻ lép vế hơn, từ đó nhà thơ đã nêu ra nhiều triết lý trong cuộc sống.
Đầu tiên, tác giả giới thiệu với người đọc loài “khổng tước” chim công “phủ hoài độc”. Chim công thường được biết đến như những vũ công tài năng với bộ lông sặc sỡ dễ dàng thu hút sự chú ý. Nhưng chính vẻ ngoài hấp dẫn ấy “Ngoại lộ văn chương thể” lại chứa chất độc chết người “trung tàng sát phạt ky”, thậm chí, đây là loại độc mà một khi đã uống nhầm thì không thể cứu chữa “ngộ phục bất khả y”. Thông qua hình ảnh này, nhà thơ muốn ám chỉ đến những người có vẻ ngoài lộng lẫy, thu hút và vô hại, nhưng thực chất lại chứa đầy mưu kế, âm mưu hiểm độc bên trong. Đây là những loại người “mặt quan âm, bụng một bồ dao găm”.
Những câu thơ tiếp theo đã cho thấy cách nhìn nhận người đời và thái độ trước những loại người này của tác giả: “Nhân khoa dung chỉ thiện/ Ngã tích vũ mao kỳ”. Ấy là trong khi người đời khen bộ dáng đẹp đẽ của con chim công thì thi nhân lại chỉ tiếc bộ lông lạ của nó. Bởi vì chim công không phải loài duy nhất biết múa, mà hạc biển cũng như thế: “Hải diệc nội vũ”. Tuy nhiên, thế nhân lại ít khi để ý đến nó “Bất dữ thế nhân tri” vì nó không thu hút người khác bởi vẻ ngoài của mình. Con hạc biển không phô trương bộ lông của mình, không để ai thấy, ai biết. Đây là đang nói đến những con người khiêm tốn và giản dị. Bằng cách mượn hai hình ảnh đối lập là chim công và hạc biển, Nguyễn Du đã nêu lên triết lý về sự không đồng nhất giữa hình thức bên ngoài và bản chất thật sự bên trong, về sự phô trương và khiêm nhường.
Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Chính vì lẽ đó, những gì mà tác giả muốn nhắn gửi qua tác phẩm “Khổng Tước Vũ” là rất đáng trân trọng. Là một độc giả, sau khi đọc xong tác phẩm, tôi nhận ra bản thân phải sống khiêm nhường, nên sống một cuộc sống mà không nên phô trương, cố thể hiện bản thân mình trước mặt người khác. Hơn nữa, khi đánh giá một người, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài mà cần đi sâu đánh giá người khác qua những giá trị nội tâm của họ.