logo

Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám

icon_facebook

Đề bài: Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám

MẸ

(Trần Khắc Tám)

Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên

Những buổi chiều ngóng đợi

Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng

Năm ấy con mười hai tuổi

Mười hai tuổi khôn ngoan bằng đứa trẻ thời nay lên sáu

Con thơ ngây giờ nghĩ lại thấm buồn

Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo

Quả cau con bổ sáu để dành

Con như mầm non vô tư lớn

Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa

 

Con không hiểu thời mẹ là con gái

Mẹ ơi, có sung sướng gì không

Giờ hễ gặp trầu cau là ngỡ thấy

Mẹ vẫn cười hồn hậu trước mắt con…

(Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 – 2000, tập III, NXB Hội Nhà văn, 2001, tr. 296 – 297)


Dàn ý Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám

1. Mở bài

Trong kho tàng văn học Việt Nam, tác phẩm “Mẹ” của Trần Khắc Tám không chỉ là bài thơ ca ngợi tình mẫu tử sâu nặng, mà còn là tình thương mà tác giả dành cho mẹ mình, người cả đời dành dụm lo lắng cho con chưa một ngày được ngơi nghỉ. Bài thơ là một tạo hình độc đáo để tôn vinh tình mẹ và sự hi sinh vô bờ bến của mẹ dành cho những đứa con của mình.

2. Thân bài 

* Hình ảnh người mẹ lam lũ cố gắng mưu sinh vì con:

- Hình ảnh người mẹ tất tả ngược xuôi để đi bán hàng nuôi con, đi làm từ sáng tới chiều muộn mới về nhà.

- Mẹ ngược xuôi bươn chải chợ trên chợ dưới, chỉ để cho con có cuộc sống ấm no.

- Sự hy sinh thể hiện trong việc chưa bao giờ mẹ dám ăn đồ ngon, để dành đồ ngon đem bán lấy tiền nuôi con.

Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám (ảnh 1)

- Cả đời vất vả nuôi con, và mẹ đi vào một chiều cuối mùa đông.

* Tình yêu của tác giả đối với người mẹ của mình

- Con 12 tuổi nhưng chưa giúp gì được cho mẹ, cảm giác buồn vì chưa báo đáp gì được cho mẹ.

- Khi đã lớn lên, có nhận thức, tác giả tự hỏi cuộc đời mẹ đã khi nào sống vì bản thân và thực sự hạnh phúc hay chưa?

- Nhìn thấy trầu cau là nhìn thấy người mẹ hiền hậu.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- So sánh “Bóng mẹ như chạy giữa cánh đồng”, “con như mầm non vô tư lớn”, “mẹ như cây năm tháng cứ già đi”: Gợi lên sự tất tả mưu sinh của mẹ, sự đánh đổi tuổi thanh xuân của mẹ dành cho con, và quy luật của thời gian bất biến “tre già măng mọc”.

- Phép ẩn dụ “mẹ- trầu cau”: trầu cau là nét đẹp văn hóa của người Việt, ẩn dụ để cho thấy quanh mình đâu đâu cũng nhìn thấy hình ảnh người mẹ tần tảo, sắt son

3. Kết bài

Bài thơ Mẹ là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về tình mẹ con, khắc họa thành công sự hy sinh tần tảo của mẹ dành cho những đứa con của mình. Những người con cũng luôn mang trong mình sự kính yêu vô hạn đối với đấng sinh thành, luôn dành tình yêu và trân trọng mọi khoảnh khắc ở bên họ.


Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám

Trong kho tàng văn học Việt Nam, chủ đề Mẹ luôn là chủ đề nóng và không bao giờ vắng bóng, bởi lẽ thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng ấy là tình cảm đều có ở mỗi con người. Bài thơ “Mẹ” của Trần Khắc Tám cũng là bài thơ như thế. Không chỉ ca ngợi tình mẹ dạt dào , bài thơ còn là tiếng lòng xót thương cho cuộc đời vất vả vì con của người mẹ.

Để nuôi nấng con mình lớn lên, người mẹ đã không ngần ngại buôn bán ngược xuôi giữa những ngày nắng gắt, những ngày mưa dầm, đi từ sáng cho tới chiều muộn:

“Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên
Những buổi chiều ngóng đợi
Bóng mẹ đi như chạy giữa đồng
Năm ấy con mười hai tuổi

Bóng mẹ tần tảo như “chạy” giữa nơi đồng ruộng rộng lớn, chưa phút nào ngơi nghỉ. mà đứa con lại mới như “đứa trẻ thời nay lên sáu”, chưa thể phụ giúp mẹ được nhiều. Nỗi day dứt ấy cứ đau đáu lớn lên trong lòng người con, khắc sâu vào tuổi thơ ấy những nỗi dằn vặt không tên vì chưa thể phụ giúp mẹ.

Mẹ ngược xuôi vất vả để lo cho con có cuộc sống ấm no hơn mà chẳng một lời oán thán:

“Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới
Buôn bán quanh năm một gánh trầu 
Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo 
Quả cau con bổ sáu để dành”

Mẹ tất tả là thế, vất vả là thế, nhưng những gì tốt nhất mẹ vẫn để lại, để kiếm tiền nuôi các con. Mẹ chỉ ăn “trầu héo”, “cau non”, không dám ăn hết cả quả mà phải để dành ăn dần,... Những sự hy sinh tưởng là nhỏ nhoi nhưng lại lớn lao ấy đã nuôi sống một kiếp người, và cũng làm lưng mẹ một còng đi.

Như sự xoay vần của tạo hóa, “tre già măng mọc”, mẹ hy sinh đời mình để nuôi dưỡng đời con lớn lên, phát triển trong môi trường tốt nhất:

“Con như mầm non vô tư lớn 
Mẹ như cây năm tháng cứ già đi
Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá 
Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa”

Những đứa con dần khôn lớn cũng là lúc mẹ ngày một già đi. Những đứa con vô tư phát triển trong môi trường mà mẹ đã hy sinh rất nhiều để vun đắp. Rồi đến cuối cùng, khi những đứa con đã trưởng thành, mẹ lại “ra đi thanh thản” vào một chiều cuối đông. Chữ “ thanh thản” được tác giả sử dụng rất khéo léo trong câu thơ, để thể hiện sự hy sinh không bao giờ đòi lại sự đền đáp của người mẹ.

Nghị luận phân tích nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Mẹ - Trần Khắc Tám (ảnh 2)

Ngoài tình cảm mẹ dành cho con mà chúng ta đã thấy rất rõ xuyên suốt tác phẩm, tình cảm đứa con dành cho người mẹ cũng được thể hiện trong toàn bộ chiều dài bài thơ. Mới “ mười hai tuổi”, nhưng con đã “thấm buồn” khi lúc đó không giúp đỡ được mẹ, để mình mẹ tất tả ngược xuôi lo cho cả gia đình. Nhìn dáng lưng mẹ còng xuống theo thời gian, tác giả đã tự vấn chính bản thân mình, và cũng là câu hỏi của rất nhiều đứa con với mẹ của mình: “Đã khi nào mẹ thật sự sống hạnh phúc vì bản thân mình hay chưa?”. Sau này lớn lên, khi đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân, những đứa con của mẹ chỉ luôn mong mẹ sẽ sống hạnh phúc vì bản thân mình. Sự hy sinh của mẹ để xây đắp cuộc đời con đã là sự hy sinh lớn nhất mà mỗi đứa con nhận được trong suốt quãng đời trưởng thành rồi. Trầu cau là loại cây gắn với truyền thống son sắt thủy chung của người dân Việt. Lấy hình ảnh quả cau, cây trầu để ẩn dụ mẹ, tác giả đã thầm khẳng định sự tôn trọng vô bờ của mình đối với người mẹ kính yêu, và hình ảnh ấy sẽ mãi khắc ghi trong lòng những đứa con được một tay mẹ nuôi nấng, vỗ về.

Nhắc đến sự thành công của một tác phẩm, không thể không nhắc tới đặc sắc nghệ thuật đã tạo nên tác phẩm đó. Phép so sánh được sử dụng chủ yếu trong bài, so sánh “bóng mẹ như chạy giữa cánh đồng”, “con như mầm non vô tư lớn”, “mẹ như cây năm tháng cứ già đi”, tất cả gợi lên sự tất tả mưu sinh của mẹ, sự đánh đổi tuổi thanh xuân của mẹ dành cho con, và quy luật của thời gian bất biến “tre già măng mọc”. Ngoài ra, Trần Khắc Tám còn khéo léo đưa hình ảnh ẩn dụ “mẹ- trầu cau” vào trong cầu từ của mình. Trầu cau là nét đẹp văn hóa của người Việt, ẩn dụ để cho thấy quanh mình đâu đâu cũng nhìn thấy hình ảnh người mẹ tần tảo, sắt son, và sẽ đi cùng con suốt quá trình trưởng thành, như nhắc nhớ tới sự đồng hành của mẹ trong suốt cuộc đời con người.

Bài thơ Mẹ là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về tình mẹ con, khắc họa thành công sự hy sinh tần tảo của mẹ dành cho những đứa con của mình. Những người con cũng luôn mang trong mình sự kính yêu vô hạn đối với đấng sinh thành, luôn dành tình yêu và trân trọng mọi khoảnh khắc ở bên họ.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2024 - Cập nhật : 07/05/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads