Bài thơ “Xuân Dạ” là một trong rất ít thi phẩm viết về mùa xuân của đại thi hào Nguyễn Du. Phân tích tác phẩm này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về nỗi lòng của thi nhân.
Đề bài: Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Xuân Dạ” của Nguyễn Du
Phiên âm:
XUÂN DẠ
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tuỳ nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long giang thuỷ,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).
Dịch nghĩa:
Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng.
Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.
Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,
Cuộc đời có khác gì vẻ xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.
Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, bóng trăng vẫn ở trong lòng.
Ở quê, phía ngoài thôn Nam Đài,
Tiếng sóng dòng sông Long Giang vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ.
(Theo bản phiên âm và dịch nghĩa của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính)
Dịch thơ:
ĐÊM XUÂN
Đêm đen nào thấy ánh xuân
Trước song, bóng liễu âm âm một vùng
Giang hồ, bệnh tật hãi hùng
Xuân mang mưa gió về cùng đêm sâu
Dưới đèn lữ khách rơi châu
Trăng quê ngàn dặm nhói đau lòng này
Long Giang bên xóm Nam Đài
Tiếng con sóng lạnh tiễn hoài cổ kim.
* Chú thích:
– Thiều Quang: là Ánh sáng tốt đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ. Như cụ Nguyễn Du cũng đã viết trong Truyện Kiều:”Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
– Liễu Âm Âm: Liễu nằm im lìm rũ bóng trong đêm.
– Ký Lữ: Gởi thân nơi đất khách.
– Nam Đài: Tên xóm nhà nơi Nguyễn Du ở trọ.
– Long Giang: Còn gọi là Thanh Long giang, tức Sông Lam.
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.
- Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm “Xuân Dạ” là một trong số các tác phẩm hiếm hoi viết về mùa xuân của Nguyễn Du.
- Trích dẫn
II. Thân bài
- Thể thơ: Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ thất ngôn bát cú truyền thống.
- Phân tích:
a. Bốn câu thơ đầu: Nỗi niềm của nhà thơ trước một đêm xuân buồn nơi đất khách quê người
+ “Xuân dạ”: đêm xuân mà chẳng thể cảm nhận được không khí mùa xuân.
+ Trước mắt nhà thơ chỉ toàn là tăm tối, từ bầu trời tối đen đến những rặng liễu âm u: “Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm/ Tiểu song khai xứ liễu âm âm”.
+ Qua khung cửa sổ nhỏ “tiểu song”, thi nhân dường như cảm giác cuộc đời phải nằm bệnh lâu ngày chẳng khác gì vẻ xuân ngoài kia chìm trong mưa gió và bóng đêm: “Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu/ Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm”.
b. Bốn câu thơ cuối: Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết của nhà thơ
+ Bối cảnh: Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ 18 - đầu thế kỉ 19. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động.
+ Chính trong những năm đó, Nguyễn Du sớm đã không còn chốn nương tựa. Trước cảnh đất khách quê người, nhà thơ không khỏi rơi lệ “hạ lệ”.
+ Ông nhớ về “Nam Đài”, là quê nhà của ông và “Long Giang thủy”, hay còn gọi là với tên khác là sông Lam, ở quê nhà của mình, từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống.
III. Kết bài
- Cảm nhận: “Xuân dạ” như một lời than thở của một con người đã thấm thía nỗi đau khó tránh khỏi dành cho những con người tài hoa bạc mệnh, ấy là bệnh tật quấn thân, phải xa nhà, xa quê hương.
- Liên hệ bản thân: Khép lại tác phẩm, người đọc chúng ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi, cảm thông trước nỗi buồn thường trực trong lòng thi nhân.
Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm với các tác phẩm xuất sắc như “Truyện Kiều”, “Độc Tiểu Thanh ký”,... Tác phẩm “Xuân Dạ” là một trong số các tác phẩm hiếm hoi viết về mùa xuân của Nguyễn Du.
“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim”
Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ thất ngôn bát cú truyền thống, song, lại truyền tải một thông điệp, một góc nhìn, cảm xúc vô cùng mới mẻ, nhưng cũng đượm buồn. Bài thơ có nhiều bản dịch khác nhau, bản nào cũng có những cái hay riêng và truyền tải được thông điệp ở bản gốc. Bài thơ có thể được chia thành hai phần, trong đó, bốn câu thơ đầu tiên là nỗi niềm của nhà thơ trước một đêm xuân buồn nơi đất khách quê người:
“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm”
Có thể nói rằng mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các nghệ sĩ, bởi mùa xuân mang theo hơi thở căng tràn nhựa sống và tươi trẻ khiến lòng người rạo rực. Thế nhưng, có lẽ hiếm có nhà thơ nào như Nguyễn Du lại khai thác một góc nhìn thật buồn trước cảnh xuân động lòng người. Ở những câu thơ đầu, nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được một cách sâu sắc thế nào là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi mà mùa xuân không còn được miêu tả với những ánh sáng lung linh và hoa cỏ thơm ngát. Có thể đối với những người khác, mùa xuân đến mang theo tiếng cười, nhưng sâu thẳm trong trái tim của nhà thơ, “xuân dạ” đêm xuân mà chẳng thể cảm nhận được không khí mùa xuân. Trước mắt nhà thơ không phải là những nhành hoa đầy ong bướm mà là chỉ toàn là tăm tối, từ bầu trời tối đen đến những rặng liễu âm u: “Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm/ Tiểu song khai xứ liễu âm âm”. Qua khung cửa sổ nhỏ “tiểu song”, thi nhân dường như cảm giác cuộc đời phải nằm bệnh lâu ngày chẳng khác gì vẻ xuân ngoài kia chìm trong mưa gió và bóng đêm: “Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu/ Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm”.
Bốn câu thơ tiếp theo là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết của nhà thơ:
“Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim”
Để có thể hiểu hơn về những dòng thơ này, trước hết, ta cần lưu ý rằng cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ 18 - đầu thế kỉ 19. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật: chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn và quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Du sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc (1786-1796) rồi về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh. Chính trong những năm đó, anh em của ông mỗi người ly tán một phương “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”, Nguyễn Du sớm đã không còn chốn nương tựa. Trong quãng thời gian ấy, Nguyễn Du cũng hay đau ốm, cụ gọi mình là “tha hương nhân”, hay “bạch đầu nhân” luôn mang “Một mảnh lòng quê soi bóng nguyệt”. Trước cảnh đất khách quê người, nhà thơ không khỏi rơi lệ “hạ lệ”. Ông nhớ về “Nam Đài”, là quê nhà của ông và “Long Giang thủy”, hay còn gọi là với tên khác là sông Lam, ở quê nhà của mình, từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống.
Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. “Xuân dạ” như một lời than thở của một con người đã thấm thía nỗi đau khó tránh khỏi dành cho những con người tài hoa bạc mệnh, ấy là bệnh tật quấn thân, phải xa nhà, xa quê hương. Đêm của mùa xuân nhưng lại thiếu sắc xuân, lại dư không khí ám màu âm u và đau thương. Khép lại tác phẩm, người đọc chúng ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi, cảm thông trước nỗi buồn thường trực trong lòng thi nhân. Mùa xuân như khiến cho ông nhớ nhà nhiều hơn, và nỗi buồn ấy thấm vào cả trang thơ.