“Đất phương Nam” là một bài hát có giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc. Đi sâu tìm hiểu bài hát này, chúng ta có thể hiểu hơn về tình yêu đất nước và con người Việt Nam.
Nghị luận về bài hát Đất phương Nam
Nguyễn Hậu nhận xét rằng: “Khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đem nhạc điệu Nam bộ vào bài hát, mọi tinh thần về đất và người nơi đây đều được chuyển tải một cách da diết, tinh tế và thấm thía”. Lời nhận xét ấy quả thật không sai. Bài hát “Đất phương Nam” là ca khúc chủ đề của bộ phim truyền hình nổi tiếng “Đất phương Nam”, do nhạc sĩ dân ca, nhà sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ Lư Nhất Vũ viết nhạc và nhà thơ Lê Giang phổ lời. Không chỉ gắn liền với bộ phim, bài hát sau đó đã trở thành một bài ca đặc trưng cho mảnh đất phía Nam được mọi người công nhận.
“Nhắn ai đi về miền Đất Phương Nam
…
Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về.”
Bài thơ được chia làm hai đoạn và một đoạn điệp khúc, mang đậm âm hưởng đặc sắc của các giọng hò trên sông nước và điệu hò trên cạn đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
“Nhắn ai đi về miền Đất Phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh.
Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này
Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất
Cho ta thêm yêu bầy chim sáo sổ lồng.
Cánh chim tung trời về Đất Phương Nam
Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm
Bao la tình đời, màu lục bình trôi.
Hoàng hôn tím ven sông, tiếng hò khoan còn tỏa đôi bờ
Lênh đênh mây trôi, khói sương chiều miên man nỗi nhớ
Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về.”
Hai đoạn nhạc này vang lên một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, dường như mang hơi thở của âm hưởng tiết tấu đờn ca tài tử Nam Bộ. Lời bài hát được trau chuốt một cách kỹ lưỡng, kết hợp cùng giai điệu dễ nhớ đã trở thành tuổi thơ của biết bao thế hệ. Theo lời nhạc, những hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp được tạo hóa ưu ái của mảnh đất Nam Bộ lần lượt xuất hiện. Đó là “trời xanh mây trắng”, là dòng sông Cửu Long nghiêng mình chở nặng phù ra, là cảm giác được đắm mình trong không gian xanh mướt mắt của “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh”. Không chỉ vậy, người nghe còn bắt gặp cánh cò bay mỏi cánh tung bay trên nền trời cao, với sự hòa quyện màu sắc thành một bức tranh sinh động của màu lục cánh lục bình trôi trên sông và màu tím của hoàng hôn trên sông. Qua những hình ảnh bắt mắt đó, người đọc càng thêm ngưỡng mộ trước nghệ thuật sử dụng và chắt lọc ngôn từ, và khả năng nắm bắt các khoảnh khắc tuyệt vời của tác giả. Không dừng lại ở đó, thiên nhiên đã đẹp, song, tình người nơi mảnh đất phía Nam này lại càng đẹp hơn. Người Nam Bộ chân chất thật thà, sống có tình có nghĩa, biết nhớ về cội nguồn, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, không quên công lao của cha ông đi trước. Tất cả những phẩm chất đáng quý ấy đã được thể hiện qua những lời hát đầy cảm xúc và nghệ thuật liệt kê: “nhớ người xưa từng ở nơi này”, “yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất” khi chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, ổn định lại vùng đất mới được bình định, “yêu bầy chim sáo sổ lồng, bao la tình đời”.
“Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi
Mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa
Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều
Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều
Dẫu trải qua thăng trầm giông tố
Qua bao cuộc bể dâu, mãi dâng cho đời
Bài tình ca đất phương Nam.
Chờ trăng lên cất tiếng gọi nhau
Đờn khảy tang tình đượm thắm hồn ai
Biển xôn xao gió lộng tứ bề
Thuyền ai xuôi phương Nam khoan nhặt trôi lững lờ
Đã trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao cuộc đổi thay
Mãi dâng cho đời, bài tình ca Đất Phương Nam”
Khác với hai đoạn nhạc trên, đoạn điệp khúc này có âm điệu phấn chấn, vội vàng như nhịp vó ngựa, hệt như một lời thôi thúc tràn đầy sức sống. Lời nhạc được mở đầu bằng hình ảnh “vó ngựa phi” được đặt trong sự so sánh, đối chiếu với “con tàu vỗ sóng bờ xa”, dường như khiến chúng ta cảm nhận được sự giao thoa giữa cuộc sống trên cạn và trên sông nước, cũng như giữa chất truyền thống (vó ngựa) và chất hiện đại (con tàu). Không chỉ thế, qua đoạn nhạc này, người ta còn cảm nhận được bàn tay dịu dàng của thiên nhiên qua thanh âm “tiếng nhạn kêu chiều, buồm xuôi vô phương Nam, cất tiếng gọi nhau”. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh cảnh sắc làng quê yên bình và nhuốm màu sắc thơ mộng, lãng mạng. Không chỉ dừng lại ở đó, từ việc miêu tả cảnh thiên nhiên, tác giả đã làm nổi bật lên tính cách của những con người nơi đây: “Dẫu trải qua thăng trầm giông tố… Mãi dâng cho đời”. Đó là sự khẳng định của người dân Nam Bộ không sợ hãi trước “thăng trầm giông tố” hay “bao cuộc bể dâu”, họ vẫn sẽ dâng lên cho cuộc đời, cho mảnh đất này những giá trị sâu sắc nhất, những thành quả lao động mà họ tạo ra thông qua quá trình lao động cần cù, chăm chỉ mỗi ngày.
Bài hát “Đất phương Nam” xứng đáng là một tác phẩm sống mãi với thời gian vì những giá trị không thể đong đếm được mà nó mang lại. Xét về mặt nghệ thuật, bài ca này có giai điệu du dương, đầy cảm xúc, nhưng ngôn từ lại rất đời thường, dễ nhớ, dễ đi vào lòng khán giả. Nhạc sĩ đã nhuần nhuyễn kết hợp hai sắc thái hiện đại và truyền thống của giai điệu để viết nên một bản nhạc bất hủ. Còn xét về mặt nội dung, “Đất phương Nam” không chỉ thành công khắc họa cảnh sắc trời ban của vùng đất Nam Bộ một cách sinh động mà còn ngợi ca phẩm chất và tình người nơi đây. Người Nam Bộ yêu thương lẫn nhau, yêu nước, trân trọng các giá trị lịch sử và hiện tại. Là một người trẻ, tôi nhận ra “Đất phương Nam” có sức giáo dục rất lớn, qua đó, tôi càng cảm thấy tự hào khi là một người con của đất phương Nam.