Thành cổ Quảng Trị - địa danh đánh dấu 81 ngày đêm chiến đấu đầy ác liệt của quân và dân ta - đã trở thành khu di tích tưởng nhớ những liệt sĩ nằm mãi nơi mảnh đất này. Cùng tham khảo bài Phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình và hình ảnh trong bài thơ Tấc đất thành cổ để thấy được sự xúc động của tác giả khi bước vào mảnh đất linh thiêng - nơi biết bao đồng đội ngã xuống.
Mở bài: Giới thiệu tác giả Phạm Đình Lân, tác phẩm “Tấc đất thành cổ”, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ.
Thân bài:
- Mỗi khi bước chân vào đây, tác giả luôn tự nói với bản thân hãy bước đi nhẹ nhàng để đồng đội ngủ yên trong lời ru của tổ quốc.
- Trời cũng tự trong xanh và lộng gió: Giấc ngủ vĩnh hằng và linh thiêng ấy khiến trời cao cũng tự trong xanh và lộng gió
- Sự đối lập “Thành cổ rộng - đồng đồng đội nằm chật” đã thể hiện bao nhiêu chiến sĩ anh dũng ngã xuống nơi đây.
- Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật: Mỗi tấc đất nơi này là mỗi cuộc đời, mỗi giây phút chiến đấu quả cảm có thật. Xương máu của nhiều đồng đội hòa vào đây, cùng bom đạn trở thành đất, thành linh hồn tổ quốc.
=> Tác giả vô cùng xót xa khi không thể cùng mọi người chứng kiến hòa bình dân tộc
- Những chiến sĩ khác cảnh ngộ, quê hương nhưng bây giờ họ đã về lại một nhà và yên giấc ngủ vĩnh hằng.
- "Đôi mắt rực lửa”: là đôi mắt sục sôi ý chí chiến đấu, căm thù giặc, là đôi mắt của lý tưởng, tình yêu quê hương, dân tộc quên mình...
Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Chiến tranh đã qua nhưng những dấu tích về những trang lịch sử hào hùng vẫn còn đó, vẫn tồn tại như những biểu tượng của các anh hùng đã anh dũng hi sinh cho nền độc lập dân tộc. Thành cổ Quảng Trị - địa danh đánh dấu 81 ngày đêm chiến đấu đầy ác liệt của quân và dân ta - đã trở thành khu di tích tưởng nhớ những liệt sĩ nằm mãi nơi mảnh đất này. Bài thơ “Tấc đất thành cổ” của Phạm Đình Lân đã thể hiện xúc động cảm xúc của nhân vật trữ tình khi bước vào mảnh đất linh thiêng - nơi biết bao đồng đội ngã xuống.
Những chàng trai từ khắp mọi miền tổ quốc cùng tập hợp dưới mái trường Đại học, họ khác nhau về hoàn cảnh, ước mơ nhưng ý chí, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc kéo họ lại với nhau. Sau trận chiến cam go, ác liệt, những người trở về tiếp tục với cuộc sống thường ngày, những người còn lại đã hòa máu xương của mình mãi cho mảnh đất thân thương. Vì vậy, mỗi khi bước chân vào đây, tác giả luôn tự nói với bản thân hãy bước đi nhẹ nhàng để đồng đội ngủ yên trong lời ru của tổ quốc.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Giấc ngủ vĩnh hằng và linh thiêng ấy khiến trời cao cũng tự trong xanh và lộng gió. Phải chăng hòa bình lập lại, thiên nhiên đang hóa thành lời ru cho những đồng đội nằm mãi nơi này? Bầu trời bom đạn, lửa khói đã thay bằng bầu trời yên bình, tiếng súng, tiếng đạn đã thay bằng tiếng gió nhẹ trên những hàng cây xanh mát. Máu xương của đồng đội đã đổi lấy chiến thắng, hòa bình độc lập như ngày hôm nay.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
Tiếp tục với lời nhắc nhở nhẹ nhàng khi bước vào vùng đất linh thiêng, tác giả muốn dành thái độ trang nghiêm, tôn trọng cho những đồng đội của mình. Sự đối lập “Thành cổ rộng - đồng đồng đội nằm chật” đã thể hiện bao nhiêu chiến sĩ anh dũng ngã xuống nơi đây. Mỗi tấc đất nơi này là mỗi cuộc đời, mỗi giây phút chiến đấu quả cảm có thật. Xương máu của nhiều đồng đội hòa vào đây, cùng bom đạn trở thành đất, thành linh hồn tổ quốc. Cho đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian ấy, nhà thơ vẫn không khỏi ngậm ngùi, nghẹn ngào nhớ về những người bạn cùng động cảm cộng khổ chiến đấu. Tác giả vô cùng xót xa khi không thể cùng mọi người chứng kiến hòa bình dân tộc, chứng kiến thành quả mà mình không tiếc giá nào bảo vệ.
Bạn nằm lại nơi này, nơi nao?
Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn
Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn
Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông
Bao con người hi sinh nhưng không biết vị trí ở đâu, vùng đất Quảng Bình này trở thành ngôi nhà chung cho đồng đội. Phía đông thành hay dưới dòng Thạch Hãn đều có bóng hình, dấu vết những người bạn chiến đấu và gục xuống. Tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt ấy đã dừng lại, bom đạn đã thôi xé dòng sông và bầu trời nhưng đồng đội không còn nữa. Tác giả nghẹn ngào thắp nén hương, tự nhủ với lòng mình không được khóc để có thể lắng lòng nghe tiếng bạn gọi. Nhà thơ muốn được lần nữa nghe giọng nói thân thương của đồng đội, dù chỉ trong chốc thoáng. Câu hỏi “Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?” khiến người đọc xót xa, như cảm nhận được nỗi lòng nhà thơ. Đó là sự hụt hẫng, đau đớn không thể nào nguôi ngoai dẫu năm tháng có trôi qua.
Bạn nằm lại nơi đồng đất quê hương
Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải
Súng trong tay và đôi mắt rực lửa
Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên
Những chiến sĩ khác cảnh ngộ, quê hương nhưng bây giờ họ đã về lại một nhà và yên giấc ngủ vĩnh hằng. Nơi chiến tuyến sông Bến Hải, nơi các bạn cầm súng lên với ánh mắt rực lửa nhìn quân thù đã trở thành vùng đất cuối cùng mà đồng đội đặt chân đến. “Đôi mắt rực lửa” là đôi mắt sục sôi ý chí chiến đấu, căm thù giặc, là đôi mắt của lý tưởng, tình yêu quê hương, dân tộc quên mình. Đôi mắt ấy còn là đôi mắt của lòng quyết tâm không bỏ cuộc dẫu biết rằng có thể mãi mãi nằm lại nơi đây. Để rồi sau khi “trút hận xuống đầu thù”, những chiến sĩ ngã xuống trong sự mãn nguyện, yên bình.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bẩt tử đến vô cùng.
Như một bài ca buồn với giai điệu trùng điệp, khổ thơ cuối có sự lặp lại câu thơ và hình ảnh của khổ thứ nhất thể hiện sự kính trọng, thương nhớ, biết ơn của tác giả đối với những người anh hùng đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay. Bài ca “Bất tử” trở thành bản hùng ca vang vọng muôn đời, ru giấc ngủ của những đồng đội yên bình về cõi vĩnh hằng. Bài thơ vừa là tiếng lòng của tác giả đối với bạn chiến đấu của mình, vừa là trang thơ nhắc nhở thế hệ mai sau biết ơn, tưởng nhớ đến những vị anh hùng hi sinh thầm lặng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.