Có lẽ với những người dân Việt Việt Nam, khoảng khắc giao thừa vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Thế nhưng đâu đó vẫn có những mảnh đời chưa được trọn vẹn vào những đêm giao thừa. Truyện ngắn Cuộc gặp gỡ trước giờ giao thừa của tác giả Đặng Ngọc Thảo Vy là một trong những tác phẩm hay về khoảnh khắc này. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ tác phẩm hơn nhé!
Phân tích truyện ngắn Cuộc gặp gỡ trước giờ giao thừa của tác giả Đặng Ngọc Thảo Vy
Trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, giao thừa là khoảnh khắc quan trọng nhất trong 1 năm, là thời điểm kết thúc một năm cũ với nhiều bài học quý, mở ra một năm mới với nhiều cơ hội, hy vọng và niềm vui mới. Giao thừa còn là khoảnh khắc mỗi người chúng ta đều háo hức, là thời gian cả nhà được quây quần, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, với Đặng Ngọc Thảo Vy, giao thừa năm nay bạn đã có một trải nghiệm tuyệt vời cùng cha mình- trao gửi yêu thương đến mọi người.
Cha ông ngàn đời đã dạy rằng:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Truyền thống “lá lành đùm lá rách” được truyền qua nhiều thế hệ người Việt, trở thành nét đẹp quý báu của dân tộc. Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương, cho đi điều tốt đẹp để nhận lại điều tốt đẹp khác trong cuộc sống. Câu chuyện “Cuộc gặp gỡ trước giờ giao thừa” kể về câu chuyện nhân vật “tôi” và ba của mình đi lan tỏa yêu thương tới những mảnh đời khốn khó, cực khổ hơn mình trong chính khoảnh khắc khép lại năm cũ. Ngay từ sáng, cả nhà đã tất bật “gói ghém bánh, kẹo, gạo, sữa thành những gói quà xinh xắn, cùng số tiền tuy không đáng kể nhưng chất chứa mọi chân thành đặt sẵn trong những phong thư”. Sự chỉnh chu trong việc chuẩn bị quà cho mọi người thể hiện sự tôn trọng và tử tế trong từng hành động của gia đình “tôi”. Tất cả mọi người đều đáng được tôn trọng và nhận được tình thương chân thành từ “đồng bào” của mình. Người xưa đã nói “của cho không bằng cách cho”, với “cách cho” này, tôi tin chắc tất cả những người nhận được món quà nhỏ đều cảm thấy ấm lòng giữa tiết trời lạnh giá của đêm Giao thừa.
Trong chuyến đi này, nhân vật “tôi” đã gặp rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, vẫn đang cố gắng mưu sinh trong khoảnh khắc năm mới. Đầu tiên là một người đàn ông gầy gò trạc 40 tuổi đang bươi rác trước cửa hàng tiện lợi. Người cha tiến đến với vẻ ân cần hỏi chuyện, và được biết rằng người đàn ông đó đang “lượm vài củ cà rốt với kiếm ít thức ăn về nấu”. Sự khắc khổ hiện lên trên từng câu, từng chữ của người đàn ông. Tết đến xuân về là khoảng thời gian mọi người chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, món ăn truyền thống để sum vầy cùng gia đình, sẽ là ngày các gia đình chuẩn bị rất đầy đủ để cầu mong một năm mới sung túc. Nhưng có lẽ, với người đàn ông này, tất cả những gì anh cần lúc này chỉ là “một bữa no”. Người ta đâu thể quan tâm đến cái Tết khi vẫn còn đang phải lo bữa ăn hàng ngày, và bữa ăn đó lại là lượm lặt lại từ “đồ thừa” của gia đình khác. Món quà của gia đình “tôi” như pháo hoa giữa trời đêm, mang lại hơi ấm tình người, sự tử tế và sự trân trọng sưởi ấm trái tim người đàn ông. “Người đàn ông cầm lấy gói quà với bàn tay run run, cảm ơn rối rít, nước mắt tuôn ra vì không khỏi xúc động”, ánh mắt “biết cười” của anh như thể hiện vô vàn sự biết ơn đối với món quà tuy không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa này. Rồi đêm nay, khi giao thừa tới, anh sẽ có thể có một bữa no, biết đâu đó, gia đình anh- những người thân yêu của anh sẽ có thêm manh áo ấm, nồi cơm nóng hổi. Món quà người đàn ông nhận lại không đơn thuần chỉ là một phần quà Tết, đó đúng thật là sự chia sẻ, tôn trọng, yêu thương giữa người với người. Giữa tiết trời giá lạnh tháng chạp, ở nơi nào đó, đã có một không gian ấm lên bởi tình người.
Lớn lên trong sự giáo dục tốt của gia đình, nhân vật “tôi” cũng ứng xử rất văn minh và tôn trọng. Cô “đứng bên quan sát” để “học ở ba cách giao tiếp”. Với những suy nghĩ tử tế của một gia đình từ tế, sau này chắc hẳn người con ấy sẽ trở thành một người hồn hậu, tử tế và chân thành như người cha của mình.
Cuộc gặp gỡ thứ hai của gia đình nhân vật “tôi” với người dì lụm ve chai trên phố cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc. Khi mà người người nhà nhà sum họp bên mâm cơm gia đình, thì người dì ấy vẫn “mang dép lào đứt quai, áo cũ sờn bạc, vác một bao lớn đi lượm ve chai trên phố”. Người dì ấy tuy “khiếm khuyết về sức khỏe và trí tuệ” nhưng rất vô tư và yêu đời. Điều này không phải ai cũng có thể làm và học được. Niềm vui hàng ngày của người dì ấy chỉ đơn giản là “mang tiền về cho má yêu”. Hai chữ “má yêu” được người dì thốt lên bằng sự trân trọng, tự hào biết bao. Làm được bao nhiêu, niềm vui của người con gái ấy chỉ là mang về cho mẹ. Sự cố gắng của người con gái ấy đổi lại nụ cười của mẹ, chưa từng than phiền về nỗi cực nhọc, khó khăn mà mình đang phải chịu. Dù người ấy có khiếm khuyết về trí tuệ, có thiếu hụt về sức khỏe, thì người đầu tiên người dì ấy nhớ tới, và cố gắng là người mẹ muôn vàn kính yêu của mình.
Bất chợt tôi nhớ lại câu chuyện về một hiện tượng mạng mới nổi “đi làm từ thiện” với tâm thế “đi cho”, mình là kẻ cả, đi làm từ thiện chỉ để làm màu, câu view, đánh bóng tên tuổi của mình. Sau khi xem xong đoạn clip, tôi vừa chua xót, vừa tức giận vì một người trẻ lại có những ngôn từ và hành động không đúng chuẩn mực với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vậy mới nói, của cho không bằng cách cho, có nhiều người tuy giàu có về mặt vật chất, nhưng cách hành xử và tôn trọng người khác còn phải trau dồi và học thêm rất nhiều từ gia đình nhân vật “tôi trong câu chuyện”.
Hai cuộc gặp gỡ trong câu chuyện đã cho chúng ta nhiều bài học và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể những món quà hai cha con trao đi không quá đáng giá về vật chất, nhưng nó lại là sự sẻ chia, tôn trọng, là đốm lửa nhỏ sưởi ấm trái tim những con người lam lũ trong đêm giao thừa ấy. Chúng ta hãy biết trân trọng những gì đang có, biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, để cuộc sống này trở nên ý nghĩa, hạnh phúc hơn.