Bài hát “Cô gái mở đường” là bài ca ca ngợi sự dũng cảm, can trường của những cô gái mở đường. Đi sâu vào bài hát này, chúng ta sẽ hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của họ và tình cảm của tác giả trước những cô gái thanh niên xung phong.
Nghị luận về bài hát Cô gái mở đường
Xuân Giao tên thật là Trương Xuân Giao, sinh năm 1932 tại Hải Phòng, quê quán ở Hưng Yên. Ông là một nhạc sĩ thuộc dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình, ông đã để lại nhiều bản nhạc có giá trị xuyên thời gian như: “Chào sông Mã anh hùng”, “Em mơ gặp Bác Hồ”,... Trong đó, bài hát “Cô gái mở đường” có thể được xem là một bản nhạc mang phong cách Xuân Giao với lời nhạc tha thiết, sâu sắc.
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
…
Góp công cùng tiền phương chiến thắng thù.”
Bài hát “Cô gái mở đường” được viết giữa sự khốc liệt của chiến tranh năm 1966, sau khi tác giả đã trải qua quãng thời gian hành quân trên tuyến đường Trường Sơn. Ca khúc này gồm có ba đoạn, nằm trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở nhiều địa phương tại nước ta khởi xướng. Nội dung của bài hát nhằm ca ngợi những phẩm chất anh hùng nhưng cũng rất đỗi bình dị của những cô gái tại ngã ba Đồng Lộc nói riêng và những nữ thanh niên xung phong nói chung đang giúp các chiếc xe của quân đội Việt Nam vượt dãy Trường Sơn một cách an toàn.
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường,
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát.
Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường
Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường
Em đi lên rừng cây xanh mở lối,
Em đi lên núi núi ngả cúi đầu
Em đi bắc những nhịp cầu,
Nối những con đường tổ quốc yêu thương.
Cho xe thẳng tới chiến trường.”
Mở đầu bài hát, tác giả đã làm hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình yên và thơ mộng đến lạ thường. Trong màn đêm tối, dưới những ánh sao sáng soi đường “sao đêm lấp lánh”, tác giả dường như nghe được những tiếng hát trong trẻo, tươi vui vang vọng giữa những rừng cây: “Tiếng hát ai vang động cây rừng”. Tác giả đã rất tài tình khi sử dụng câu hát trong sáng, yêu đời của các nữ thanh niên xung phong để mở đầu cho ca khúc của mình. Và thông qua tiếng hát ấy, những cô gái anh hùng hiện lên một cách thật giản dị. Một tiếng “ơi” của Xuân Giao nghe tha thiết lạ thường, và cách tác giả gọi các cô là “em” thể hiện sự gần gũi, thân thương như những người trong cùng một gia đình. Các “cô con gái đang ngày đêm mở đường” hóa ra cũng chỉ là những cô thiếu nữ trẻ tuổi đang ở độ mười tám, đôi mươi, nhưng những sự phi thường và can đảm đối mặt với bom đạn kẻ thù của các cô là không thể xem nhẹ. Điệp ngữ “em đi” kết hợp cùng nhiều động từ đã cho thấy được cách mà các cô hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Đó chính là sức mạnh của một tuổi trẻ nhiệt thành tình yêu quê hương, Tổ quốc làm lay động trái tim người nghe.
“Cô gái miền quê ra đi cứu nước
Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn
Bàn tay em phá đá mở đường
Gian khó phải lùi nhường em tiến bước.
Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng
Miền Nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường.
Tiếng nói Bác Hồ trong tim ngời sáng
Như sao Mai lấp lánh rọi núi rừng
Soi cho em đắp chặng đường
Trên đất quê nhà Tổ Quốc yêu thương
Ôi con đường mới anh hùng.”
Những lời hát tiếp theo đã cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về những cô gái thanh niên xung phong. Họ chính là những “cô gái miền quê ra đi cứu nước”, ra đi vì tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng mà không ngại cống hiến tuổi xuân, sức trẻ của mình để giành lại độc lập cho non sông. Có nhiều điều thôi thúc, động viên tinh thần chiến đấu của các nữ thanh niên xung phong, được thể hiện qua phép liệt kê. Ấy là tiếng “Miền Nam tha thiết gọi”, là “tiếng nói Bác Hồ trong tim ngời sáng”,... Các cô ra đi, nguyện hy sinh tất cả để bảo vệ nước nhà. Khác hẳn với độ “tuổi trăng tròn”, các cô có một sự mạnh mà ít ai lường được, những bàn tay con gái như những búp măng thon thả đang thành thục “phá đá mở đường”. Sự kiên cường giúp các cô không sợ hãi trước họng súng quân thù, cũng như khiến “gian khó phải lùi nhường em tiến bước” và tạo ra một “con đường mới anh hùng”.
“Đêm đã về khuya sương rơi ướt áo
Tiếng hát em vẫn vọng núi rừng
Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng
Em vẫn mở đường để xe đi tới.
Yêu biết bao cô gái vui ngày đêm mở đường
Rừng trăm hoa thắm nở chẳng có hoa nào bằng.
Em đi san rừng, em đi bạt núi
Em như con suối nước chảy không ngừng
Em đang bước tiếp chặng đường
Theo những anh hùng Tổ Quốc yêu thương
Góp công cùng chiến thắng thù
Góp công cùng tiền phương chiến thắng thù.”
Đến với đoạn nhạc cuối cùng của ca khúc, chúng ta được quay trở về với cảnh trời đêm lấp lánh ánh sao, với những giọt sương khuya “rơi ướt áo”. Trong không gian núi rừng vẫn vang vọng tiếng hát trẻ trung, yêu đời của các cô. Qua những lời hát, ta càng như hiểu hơn về ý chí sục sôi của những cô gái mở đường “san rừng”, “bạt núi” để mở đường cho đoàn xe vượt dãy Trường Sơn để hướng về miền Nam thân yêu. Những hành động anh hùng và tinh thần bất khuất của các cô gái mà chúng ta không biết tên đã góp một phần đáng kể vào công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Qua nghệ thuật so sánh tinh tế, tác giả đã ví von những nữ thanh niên xung phong như bông hoa nở rực rỡ chốn núi rừng, như dòng suối mát lành “chảy mãi không ngừng”
Ca khúc “Cô gái mở đường” với ngôn từ giản đơn, dung dị nhưng lại thấm đẫm tình cảm chân thành, có sức gợi hình gợi cảm cao đã ca ngợi những công lao, phẩm chất anh hùng của các nữ thanh niên xung phong mặc cho cái chết, sự hiểm nguy như lưỡi hái tử thần luôn kề cạnh cổ. Bài hát đã trở thành một nguồn động viên tinh thần to lớn trong suốt một giai đoạn kháng chiến, một vùng đất Việt Nam. Là một người trẻ được may mắn sinh ra và lớn lên trong cảnh hòa bình, ca khúc này rất có ý nghĩa và mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, bài học đắt giá.