logo

Nhân cách là gì? Phân tích đặc điểm của nhân cách. Từ đó anh (chị) hãy rút ra những kết luận cần thiết

Câu hỏi: Nhân cách là gì? Phân tích đặc điểm của nhân cách. Từ đó anh (chị) hãy rút ra những kết luận cần thiết.

Trả lời:

* Định nghĩa nhân cách:

- Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những phẩm chất tâm lý của cá nhân, quy định giá trị xã hội và hành vi xã hội của họ (biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người)

* Các đặc điểm của nhân cách:

- Tính ổn định của nhân cách:

+ Nhân cách là tổ hợp các thuộc tính tâm lý tương đối ổn định tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Những đặc điểm tâm lý nói lên bộ mặt tâm lý - xã hội của cá nhân quy định giá trị xã hội và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Vì thế, các đặc điểm nhân cách, các phẩm chất nhân cách tương đối khó hình thành và cũng khó mất đi. Trong thực tế, từng nét nhân cách (cá tính, phẩm chất) có thể bị thay đổi do cuộc sống, nhưng nhìn một cách tổng thể thì chúng vẫn tạo thành một cấu trúc trọn vẹn tương đối ổn định.

+ Nhờ tính ổn định của nhân cách mà ta dự kiến trước được hành vi của một nhân cách nào đó, xác lập được nguyên nhân đích thực của những đặc điểm đó, cái gì có thể chờ đợi người đó trong tương lai, dự kiến được việc giáo dục, hình thành nhân cách theo hướng nào, những nét nhân cách nào cần củng cố, phát triển, thay đổi.

+ Nhân cách có tính ổn định nhưng không phải là bất biến, không thể thay đổi. Đây là cơ sở của quá trình giáo dục lại để điều chỉnh những nét nhân cách không phù hợp.

Nhân cách là gì? Phân tích đặc điểm của nhân cách. Từ đó anh (chị) hãy rút ra những kết luận cần thiết

- Tính thống nhất của nhân cách:

+ Nhân cách có tính thống nhất vì nhân sách bao gồm nhiều đặc điểm ,nhiều phẩm chất (những đặc điểm, phẩm chất quy định con người như một thành viên xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý xã hội, giá trị và cốt cách làm người), chúng có sự tương tác lẫn nhau làm thành một cấu trúc nhất định

+ Tính thống nhất của nhân cách được thể hiện ở chỗ nhân cách là một chỉnh thể thống nhất giữa phẩm chất và năng lực, giữa đức và tài của con người. Trong nhân cách có sự thống nhất hài hòa giữa ba cấp độ: cá nhân, liên cá nhân, và siêu cá nhân.

⇒ Vì vậy, chúng ta cần giáo dục con người một cách có hệ thống, liên tục, đồng bộ. Trong hoạt động giáo dục, khi thấy một học sinh có nét nhân cách nào tiêu cực thì cần phải tác động không chỉ trực tiếp vào nét nhân cách đó mà là vào toàn bộ nhân cách nói chung của con người ấy. Khi đánh giá một nét nhân cách nào đó, ta cần phải xem xét nó trong sự kết hợp, trong mối liên hệ với những nét nhân cách khác của con người đó.

- Tính tích cực của nhân cách:

+ Nhân cách là chủ thể của hoạt động và giao tiếp, là sản phẩm của xã hội vì thế nhân cách mang tính tích cực.

+ Tính tích cực của nhân cách được biểu hiện trong quá trình thỏa mãn các nhu cầu của cá nhân; hay nói cách khác một cá nhân được thừa nhận là một nhân cách cách khi nào anh ta tích cực hoạt động với những hình thức đa dạng của nó, nhờ vào việc nhận thức, cải tạo, sáng tạo ra thế giới và đồng thời cải tạo cả chính bản thân mình.

+ Giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét ở tính tích cực của nhân cách.

+ Nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là cần khơi dậy tính tích cực hoạt động của cá nhân trên cơ sở nắm bắt được nguồn gốc của tính tích cực là nhu cầu, từ đó cần giáo dục cá nhân có những nhu cầu cao cả và chính đáng.

- Tính giao lưu của nhân cách:

+ Nhân cách chỉ có thể hình thành phát triển, tồn tại và thể hiện trong hoạt động và trong mối quan hệ giao tiếp với những nhân cách khác. Nhu cầu giao tiếp là một nhu cầu bẩm sinh của con người, con người sinh ra và lớn lên luôn có nhu cầu quan hệ và giao tiếp với người khác, với xã hội. Thông qua giao tiếp, con người ra nhập vào các quan hệ xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội. Đồng thời cũng qua giao tiếp mà con người được đánh giá, được nhìn nhận theo quan hệ xã hội. Qua giao tiếp, con người đóng góp các giá trị phẩm chất nhân cách của mình cho người khác, cho xã hội.

+ Đặc điểm này là cơ sở của nguyên tắc giáo dục trong tập thể và bằng tập thể. trong hoạt động giáo dục, cần tổ chức các loại hình hoạt động và giao lưu cho cá nhân tham gia, tạo điều kiện để có sự tác động qua lại trong mối quan hệ liên nhân cách của các em.

* Kết luận:

- Là một người giáo viên , khi gặp trường hợp học sinh có tính cách cá biệt , nhân cách chưa được hoàn chỉnh , thì đừng nên cố gắp thay đổi nó , mà thay vào đó là tìm những ưu điểm trong con người đó để thúc đẩy nó ngày càng phát huy , lấn át cái nhược điểm bên trong.

icon-date
Xuất bản : 30/06/2022 - Cập nhật : 30/06/2022