Nguyên tắc lịch sử cụ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn? Ý nghĩa đối với người cán bộ chính trị quân đội?
Lời giải
Cơ sở của nguyên tắc là mỗi sự vật hiện tượng đều có quá trình nảy sinh, tồn tại và tiêu vong; sự tồn tại, vận động, phát triển đó gắn với không gian, thời gian xác định. Ngoài những thuộc tính chung, mỗi sự vật, hiện tượng, trong một thời điểm, vị trí xác định còn có những mối quan hệ, liên hệ nội dung, hình thức, mâu thuẫn đặc thù…
Yêu cầu của nguyên tắc đòi hỏi xem xét, cải tạo sự vật, hiện tượng phải gắn với không gian và thời gian, với hoàn cảnh tồn tại lịch sử – cụ thể của nó. Phải biết phân tích cụ thể một tình hình cụ thể, do đó phải sáng tạo trong nhận thức và hành động. Xem xét một luận điểm, một chân lý phải gắn với những điều kiện hoàn cảnh lịch sử – cụ thể của chân lý đó, bất cứ chân lý nào cũng ra đời trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, trong không gian, thời gian nhất định. Theo V.I. Lênin, muốn thực hiểu được sự vật phải nắm vững quan điểm “không có chân lý trừu tượng”, rằng “chân lý luôn luôn là cụ thể”[1]. Bởi vì, chân lý bao giờ cũng được hình thành dựa trên sự phân tích, khái quát những điều kiện lịch sử – cụ thể nhất định trong những điều kiện không gian, thời gian nhất định. Tách khỏi những điều kiện cụ thể, mọi chân lý sẽ trở thành trừu tượng và trống rỗng, trở thành một lời nói suông. Vận dụng lý luận vào thực tiễn không dừng ở công thức, sơ đồ chung mà phải tính đến những điều kiện lịch sử – cụ thể của sự vận dụng, cần chống bệnh rập khuôn, giáo điều, máy móc, chủ nghĩa hư vô lịch sử, bệnh “chung chung, trừu tượng”, quan điểm chân lý vĩnh cửu, chân lý tuyệt đích.
Người chính ủy, chính trị viên trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải sâu sát nắm vững tình hình, đối tượng cụ thể; các nguyên tắc, nội dung công tác đảng, công tác chính trị phải được vận dụng sáng tạo sát thực với các đối tượng và tình hình cụ thể.
[1] VI. Lenin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978,364.