logo

Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn? Ý nghĩa đối với người cán bộ chính trị quân đội?

icon_facebook

Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn? Ý nghĩa đối với người cán bộ chính trị quân đội?

Nguyên tắc toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn? Ý nghĩa đối với người cán bộ chính trị quân đội?

Lời giải

Cơ sở của nguyên tắc toàn diện là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến.

Nội dung quán triệt nguyên tắc toàn diện là phải xem xét và cải tạo sự vật trong một chỉnh thể của tất cả các mặt, các bộ phận, các yếu tốz, các thuộc tính, cùng các mối liên hệ của chúng trong bản thân sự vật, mối liên hệ giữa sự vật với các sự vật khác và với môi trường xung quanh, kể cả các mặt các mối liên hệ trung gian, gián tiếp. Đồng thời, phải có cách xem xét, cải tạo sự vật phù hợp với vị trí, vai trò của các mối liên hệ xác định. V.I. Lênin viết:

“Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó”[1]; phải tính đến “tổng hòa những quan hệ muôn vẻ của sự vật ấy với những sự vật khác”[2]. Nghĩa là phải xem xét khách thể trong tất cả những mối liên hệ và quan hệ của nó với khách thể khác.

Để nhận thức được sự vật, chúng ta cần xem xét nó trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn của con người. Cùng một sự vật, xuất phát từ nhu cầu khác nhau, chủ thể sẽ phản ánh những mặt khác nhau của sự vật và do vậy, nó biểu hiện ra những cái khác nhau. Xem xét toàn diện tất cả các mặt của những mối quan hệ của sự vật đòi hỏi phải chú ý đến sự phát triển cụ thể của các quan hệ đó.

Yêu cầu của nguyên tắc toàn diện đòi hỏi muốn cải tạo sự vật, hiện tượng phải áp dụng đồng bộ một hệ thống các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động làm thay đổi các mặt, các mối liên hệ tương ứng của sự vật. Song, trong từng bước, từng giai đoạn phải nắm đúng khâu trọng tâm, then chốt. Trong xem xét, cải tạo các mối quan hệ của sự vật phải chú ý tới quan điểm lịch sử – cụ thể, gắn với các điều kiện, hoàn cảnh của nó.

Thực hiện nguyên tắc này phải đồng thời với việc phê phán quan điểm phiến diện, thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung. Quan điểm phiến diện chỉ thấy một mặt mà không thấy các mặt khác, hoặc giả chú ý đến nhiều mặt nhưng lại xem xét tràn lan, dàn đều, không thấy được bản chất của sự vật. Chủ nghĩa chiết trung cũng tỏ ra chú ý đến nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật nhưng lại không biết cách rút ra mặt bản chất, mối liên hệ căn bản của sự vật, xem xét một cách bình quân, kết hợp một cách vô nguyên tắc các mối liên hệ khác nhau, tạo thành một mớ hỗn tạp các sự kiện, cuối cùng sẽ lúng túng, mất phương hướng và bất lực trước chúng. Thuật nguy biện biến cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất, cả chủ nghĩa chiết trung lẫn thuật nguy biện đều là những biểu hiện của phương pháp luận sai lầm trong xem xét các sự vật, hiện tượng. Phải chống lại bệnh rập khuôn, giáo điều, máy móc, chủ nghĩa hư vô lịch sử, bệnh “chung chung trừu tượng”, quan điểm chân lý vĩnh cửu, chân lý tuyệt đích.

Trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, người chính ủy, chính trị viên phải có quan điểm toàn diện trong nhận định, đánh giá và tìm ra các giải pháp đồng bộ thực hiện công tác tư tưởng, công tác tổ chức trong đơn vị, tránh sự phiến diện, thiên lệch hoặc dàn đều trong các hoạt động.

[1] [2]. v.l. Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978,364.

icon-date
Xuất bản : 20/05/2021 - Cập nhật : 21/05/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads