Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức? Ý nghĩa phương pháp luận đối với người cán bộ chính trị quân đội?
Lời giải
Vật chất và ý thức đối lập nhau về bản chất, nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau; trong đó, vật chất quyết định ý thức, ý thức có tác động trở lại đối với vật chất.
Vật chất quyết định ý thức về nguồn gốc, nội dung, bản chất và sự vận động, phát triển. Vật chất tồn tại khách quan, có trước ý thức, sinh ra ý thức. Bộ não người và thế giới vật chất là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Não người là dạng vật chất có kết cấu đặc biệt, là cơ quan phản ánh để hình thành nên ý thức. Ý thức tồn tại phụ thuộc vào hoạt động thần kinh của bộ não trong quá trình phản ánh thế giới khách quan.
Ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào não người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới khách quan là bản gốc của ý thức, quyết định nội dung của ý thức. Bản chất năng động, sáng tạo của ý thức có cơ sở từ hoạt động vật chất – hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới của con người. Quá trình vận động, phát triển của thế giới vật chất qua từng nấc thang phát triển khác nhau quyết định những trình độ phản ánh khác nhau của ý thức, tức là quyết định sự phát triển của ý thức.
Sự tác động trở lại vật chất của ý thức là do ý thức có tính độc lập tương đối so với vật chất. Ý thức có tính năng động, sáng tạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con ngưòi. Thông qua hoạt động thực tiễn, ý thức có thể tác động thúc đẩy hay kìm hãm ở một mức độ nhất định các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan. Ý thức phản ánh đúng hiện thực khách quan thì thúc đẩy con người trong cải tạo thế giới, ngược lại, ý thức sẽ kìm hãm hoạt động cải tạo thế giới của con người.
Ý thức tác động trở lại vật chất trên cơ sở của sự phản ánh thế giới vật chất và các điều kiện khách quan – chủ quan. Đó là quá trình đồng thời phản ánh – sáng tạo.
Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng quy luật khách quan, hành động theo quy luật khách quan; đồng thời phát huy cao nhất vai trò của nhân tố chủ quan trong nhận thức và cải tạo thế giới khách quan. Chống chủ nghĩa khách quan, định mệnh, trông chờ, ỷ lại điều kiện khách quan; đồng thời, chống bệnh chủ quan, duy ý chí, tuyệt đối hóa vai trò của ý thức, tinh thần.
Trên cơ sở phương pháp luận về mối quan hệ vật chất, ý thức, người cán bộ chính trị phải biết xem xét, đánh giá tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị một cách khách quan, từ đó có phương hướng, giải pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị một cách khoa học. Đồng thời, người cán bộ chính trị phải biết phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị.