Phân tích tư tưởng của V.L Lênin về hai quan điểm về sự phát triển?
Lời giải
Trong tác phẩm “Bút ký triết học”, V.I. Lênin viết: “Hai quan niệm cơ bản (hay là hai quan niệm có thể có? hay là hai quan niệm đã thấy trong lịch sử?) về sự phát triển (sự tiến hóa): sự phát triển coi như là sự giảm đi và tăng lên, như là sự lặp lại, và sự phát triển coi như là sự thống nhất của các mặt đối lập (sự phân đôi của cái thống nhất thành những mặt đối lập bài trừ lẫn nhau và mối quan hệ lẫn nhau của các mặt đối lập ấy).
Với quan niệm thứ nhất về sự vận động, sự tự vận động, động lực của nó, nguồn gốc của nó nằm trong bóng tối (hay là người ta đem nguồn gốc ấy đặt ra bên ngoài – Thượng đế, ete). Với quan niệm thứ hai, sự lưu ý chủ yếu lại hướng vào sự nhận thức nguồn gốc của “tự” vận động”[1].
Tư tưởng của V.I. Lênin về sự đối lập giữa hai quan điểm biện chứng và siêu hình về sự phát triển thể hiện trên các nội dung sau:
Đối lập về cách thức của sự phát triển. Những người siêu hình hiểu sự phát triển như là sự giảm đi và tăng lên thuần túy về lượng, họ không thấy được sự khác nhau về chất giữa các sự vật hiện tượng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng là một quá trình thống nhất của “tính tiệm tiến” của sự “gián đoạn”, của những “bước nhảy vọt”.
Đối lập về nguồn gốc, động lực của sự phát triển. Những người siêu hình tìm nguồn gốc của sự phát triển ở bên ngoài sự vật, họ quy mọi nguồn gốc của sự phát triển là do sự tác động từ bên ngoài, do các sự vật khác gây ra. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng là một quá trình tự thân vận động, tự thân phát triển, do mâu thuẫn bên trong của sự vật quy định.
Đối lập về con đường của sự phát triển. Những người siêu hình hiểu sự phát triển như là sự lặp lại của các giai đoạn trước một cách nguyên xi. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng là quá trình “của sự tiêu diệt cái cũ và sự nảy sinh ra cái mới”.
Theo V.I. Lênin, quan điểm siêu hình quy nguồn gốc phát triển do sự tác động từ bên ngoài tức là rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Do vậy, chỉ có quan điểm duy vật biện chứng xem xét phát triển như là sự đấu tranh của các mặt đối lập mới cho phép hiểu nguyên nhân, nguồn gốc thực sự của mọi sự phát triển và khắc phục có hiệu quả quan điểm siêu hình, duy tâm dưới mọi màu sắc.
Tư tưởng của V.I. Lênin giúp chúng ta khẳng định được tính phổ biến và tính vô tận của sự phát triển. Hơn nữa, nó còn góp phần khẳng định vai trò định hướng thực tiễn có tính cách mạng của phép biện chứng duy vật.
[1] v.l. Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 379.