Quan điểm của triết học Mác - Lênin về nguồn gốc của ý thức?
Lời giải
Ý thức là hình thức phản ánh của một dạng vật chất đặc biệt có tổ chức cao đó là óc người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, ý thức ra đời từ nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.
về nguồn gốc tự nhiên-. Ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất đặc biệt là “óc người”, ý thức là hình thức phản ánh cao nhất của thế giới vật chất. Con người là sản phẩm của quá trình tiến hóa lâu dài của thế giới vật chất, từ vô cơ đến hữu cơ, từ đơn bào đến đa bào, từ động vật bậc thấp đến động vật bậc cao. Óc người là sản phẩm phát triển cao nhất của vật chất có cấu tạo rất tinh vi, là cơ quan vật chất của ý thức. Hoạt động ý thức chỉ diễn ra trong bộ não người, trên cơ sở các quá trình sinh lý thần kinh của bộ não.
Ý thức là thuộc tính của bộ não người, là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não người. Phản ánh là năng lực giữ lại, tái hiện của hệ thông vật chất này những đặc điểm của hệ thống vật chất khác trong quá trình tác động qua lại giữa chúng. Thuộc tính phản ánh gắn với sự tiến hóa của hệ thống vật chất từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Sự phát triển của các hình thức phản ánh từ thấp đến cao tương ứng với trình độ kết cấu của thế giới vật chất, phản ánh ý thức của con người là hình thức phản ánh cao nhất của thế giới vật chất. Như vậy, não người và sự tác động của thế giới vật chất xung quanh lên bộ não là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.
Về nguồn gốc xã hội: Lao động và ngôn ngữ là nguồn gốc xã hội của ý thức. Thông qua lao động đã cải biến thế giới tự nhiên, sáng tạo ra con người và xã hội; cùng với quá trình đó, các giác quan của con người ngày càng phát triển, hoàn thiện và khả năng phản ánh của ý thức sẽ ngày càng cao. Thông qua lao động, con người chế tạo ra công cụ lao động, nối dài các giác quan. Công cụ lao động càng phát triển, càng làm tăng khả năng của con người tác động vào tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình, buộc thế giới khách quan bộc lộ các thuộc tính để con người nhận thức, cải tạo thỏa mãn nhu cầu.
Trong quá trình lao động, con người có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm với nhau, từ đó ngôn ngữ ra đời và phát triển. Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai, là “cái vỏ vật chất” của tư duy, là công cụ của tư duy để con người phản ánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Ngôn ngữ là phương tiện để lưu truyền tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp loài người và mỗi người nhanh chóng hình thành, phát triển ý thức.
Lao động cùng ngôn ngữ là nguồn gốc xã hội hình thành ý thức, có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất biện chứng với nhau, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại, phát triển, luôn giữ vai trò quyết định đối với sự ra đời phát triển của ý thức.
Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở để phê phán các quan điểm duy tâm, tôn giáo, siêu hình về nguồn gốc của ý thức. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, ý thức ra đời từ một lực lượng siêu tự nhiên, hoặc do cảm giác của con người sinh ra. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật siêu hình tuy bác bỏ tính chất thần bí của ý thức, nhưng lại đồng nhất ý thức với vật chất. Theo quan niệm của họ óc tiết ra ý thức như gan tiết ra mật.
Trong bồi dưỡng, phát triển ý thức con người phải trên quan điểm toàn diện, phải quan tâm đúng mức đến nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội, tránh tuyệt đối hóa, hoặc tách rời các nguồn gốc với nhau, coi nhẹ hoặc phủ nhận nguồn gốc nào.