Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu đoạn trích Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi
Mưa rơi thưa lại rồi tạnh hẳn đi, nhưng bầu trời vẫn chỉ là một màu xám xịt, cuối con đường đất đỏ trước nhà tôi bỗng có một thân ảnh thê lương mà cô độc bước đi. Là thằng Cỏ, cả người nó ướt sủng, mái tóc hơi dài ướt nhẹp phủ xuống che đi một con mắt trái âm u. Nhìn nó trong khung cảnh này thật là lãng tử.
Một ngày không mưa hiếm thấy, tôi và nó liền dạo lên quả đồi lau, nó mang theo cây đàn guitar, ngồi trên đám cỏ, trên miệng còn ngậm một cọng cỏ lau non. Nó nói cỏ lau non thơm mùi sữa lắm. Thằng Cỏ là một nghệ sĩ, ít nhất trong mắt tôi nó là như vậy, nhưng nó chỉ đánh những bản nhạc hàn lâm buồn mà nghe ngai ngái sao đấy, nhiều khi nghe tôi còn muốn đấm vỡ mặt của nó. Ngứa tai nhưng không hiểu sao tôi lại thích nhìn nó đánh đàn, khi tiếng đàn cất lên có vẻ như lòng nó cũng nhẹ nhàng hơn, chơi xong một hai bài gì đấy thằng Cỏ nằm lăn ra, miệng ngậm cọng cỏ non, hai chân bắt chéo vào nhau, nó hít hà vài hơi nói:
- Sau này tao muốn làm giáo viên, về quê dạy học, tao thấy muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức, phải có hiểu biết mày ạ, làng mình còn thiếu tri thức nhiều quá, đa số tụi nhỏ đều nghỉ học đi làm ở cấp hai cả rồi. Sau này tao sẽ về đây, ngửi hương thơm đất trời, gây sự nghiệp trồng người. Ha ha
Cả hai chúng tôi đều có ước mơ làm giáo viên, nhưng tôi khác nó, tôi muốn sau này được vào thành phố dạy học, ở đó có đầy đủ tiện nghi, có thể kiếm nhiều tiền qua dạy thêm dạy kèm, chứ ở cái vùng đất khỉ ho cò gáy này biết bao giờ mới đổi đời được. Chắc chỉ có tâm hồn nghệ sĩ như nó mới nói đất thơm thôi.
(Trích Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 2. Xác định thể loại của tác phẩm qua đoạn trích.
A. Tiểu thuyết
B. Hồi ký
C. Truyện ngắn
D. Truyện ngụ ngôn
Câu 3. Đoạn trích xuất hiện bao nhiêu nhân vật?
A. 1
B. 2
C. 3
D. 4
Câu 4. Hai nhân vật đều muốn sau này làm việc gì?
A. Giám đốc
B. Luật sư
C. Bộ đội
D. Giáo viên
Trả lời Đọc hiểu đoạn trích Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu (Trắc nghiệm)
Câu 1. Đáp án A => Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là tự sự.
Câu 2. Đáp án C => Thể loại của tác phẩm qua đoạn trích là truyện ngắn.
Câu 3. Đáp án B => Đoạn trích xuất hiện hai nhân vật là thằng Cỏ và Tôi.
Câu 4. Đáp án D => Hai nhân vật đều muốn sau này trở thành giáo viên.
Câu 1. Người kể chuyện trong đoạn trích thuộc ngôi thứ mấy?
Câu 2. Nhân vật Cỏ cảm nhận cỏ lau thơm mùi gì?
Câu 3. Trong đoạn trích nhân vật Cỏ là người như thế nào?
Câu 4. Nhân vật tôi và người bạn (thằng Cỏ) có điều gì giống và khác nhau?
Câu 5. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói “Muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức”.
>>> Bài viết hay: Phân tích nghị luận truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu
Trả lời Đọc hiểu đoạn trích Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu (Tự luận)
Câu 1.
- Người kể chuyện trong đoạn trích thuộc ngôi thứ nhất xưng "Tôi".
Câu 2.
- Nhân vật Cỏ cảm nhận cỏ lau thơm mùi sữa.
Câu 3.
- Trong đoạn trích nhân vật Cỏ là người có tâm hồn nghệ sĩ, có tình yêu thương và muốn gắn bó với quê hương của mình -> Cỏ là người con có hiếu tuy có chút mơ mộng, bay bổng của người nghệ sĩ nhưng lại có trí lớn vô cùng.
Câu 4.
- Điểm giống nhau: Đều mong muốn tương lai trở thành giáo viên.
- Điểm khác nhau:
+ Nhân vật Tôi: Sau khi trở thành giáo viên thì vào thành phố dạy học, ở đó cuộc sống đầy đủ tiện nghi, có thể kiếm thêm tiền qua việc dạy thêm.
+ Thằng Cỏ: Muốn trở về quê dạy học cho tụi nhỏ, ngửi hương thơm đất trời và góp sức mình để phát triển quê hương.
Câu 5.
Câu nói “Muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức”, tri thức chính là sức mạnh, có tri thức rồi thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, ta biết mình phải sống theo chuẩn mực đạo đức, biết cách vận dụng tri thức để kiếm thêm thu nhập cho bản thân, biết dùng tri thức để cống hiến cho xã hội qua nhiều hình thư như dạy học nghệ thuật: vẽ, múa, hát,... Có tri thức chúng ta sẽ có khả năng tự làm chủ bản thân mình, biết mình sẽ đi con đường nào để thành công mà không phải lo ngu ngơ, mơ hồ trước tương lai. Vậy nên muốn thay đổi được cuộc đời mình thì chúng ta phải có tri thức, tri thức chính là bàn đàn, là công cụ để ta ngày càng phát triển hơn, nếu không có tri thức, con người sẽ phải đối mặt với tình trạng tệ nạn xã hội gia tăng bởi họ không thể nhận biết được nó có tốt với mình hay không, kinh tế, giáo dục, văn hóa suy giảm nghiêm trọng, một thảm họa về "não rỗng" sẽ là báo động đỏ cho toàn nhân loại.