logo

Cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn)

Với bài văn mẫu cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn) được biên soạn dưới đây, các em không chỉ nắm được kiến thức, cấu trúc chi tiết về văn bản mà hơn hết còn giúp ích trong việc học hỏi, rèn luyện kỹ năng viết văn của bản thân. Mời các em học sinh cùng đón đọc bài văn trong bài viết của Toploigiai dưới đây nhé! 


Dàn ý cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn) 

I. Mở bài 

- Nêu tổng quan về tác giả, tác phẩm

- Đưa ra cảm nhận chung về văn bản Bầy chim chìa vôi

II. Thân bài 

Nêu cảm nhận của bản thân dựa trên nội dung cốt lõi của văn bản 

- Hoàn cảnh đêm mưa, hai anh em Mon và Mên lo lắng cho tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông 

- Không ngại mưa bão, Mon và Mên quyết định đi cứu bầy chim chìa vôi

- Khung cảnh hai anh em chứng kiến bầy chim chìa vôi đập cánh bay lên trời 

III. Kết bài 

- Nêu suy nghĩ của bản thân về bài văn 


Cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn) 

Cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn)

Gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều sở hữu nhiều các tác phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn. Trong đó, tác phẩm “Bầy chim chìa vôi” là một trong số bài văn tiêu biểu đón nhận sự yêu mến của độc giả. Tác phẩm gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc thông qua câu chuyện về hai anh em Mon và Mên. 

Hai nhân vật chính trong câu chuyện “Bầy chim chìa vôi” là hai anh em Mon và Mên. Trong truyện, tác giả đã xây dựng nên tình huống độc đáo. Vào một đêm trời mưa lớn, hai giờ sáng, Mon tỉnh giấc bởi tiếng mưa rơi và quay sang hỏi người anh của mình là Mên. “Anh bảo mưa có to không?”, “Nhưng anh bảo nước sông có to lên không?”,... Liên tiếp nhiều câu hỏi được Mon đặt ra đã phần nào bộc lộ được sự lo lắng của em. Sự dồn dập ấy đã khiến cho Mên phải gắt gỏng: “Bảo cái gì mà bảo lắm thế!”. Thế nhưng, ngay sau khi biết được lý do cậu em của mình như vậy, Mên cũng đã hiểu ra vấn đề. “Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất” - Mon nói. Không để em trai chờ lâu, đáp lại câu nói ấy của Mon cũng là sự lo lắng của Mên: “Tao cũng sợ”. Nỗi lo lắng ấy khiến cho cả hai anh em đều không thể ngủ tiếp được, tiếp tục chuyện trò. Mon kể cho anh nghe về chuyện mình lén đi thả con cá bống bị bố bắt được. Mên không những không trách mắng người em mà thậm chí còn bật cười khoái chí. Có thể thấy được sự hồn nhiên, ngây thơ cùng tấm lòng yêu thương động vật của hai người. 

Sau quá trình bàn bạc đắn đo, hai anh em quyết định ra đi cứu bầy chim chìa vôi bên bờ sông. Không quản ngại mưa gió nguy hiểm, hai anh em liều mình lấy đò của ông Hảo để lên đường giải cứu bầy chim. Chính chi tiết này đã giúp người đọc cảm nhận được sự dũng cảm, giàu tình yêu thương động vật của Mon và Mên. 

Đến gần tới bên bờ sông, hai người tụt xuống khỏi con đò. Mên quấn lấy cái dây buộc đò vào thân người rồi gò lưng kéo, còn Mon thì lội bì bõm đằng sau. Đến tận khi trời tang tảng sáng, hai anh em mới đưa được con đò trở về chỗ cũ. Cả hai chạy ngược lại đoạn bờ sông đối diện với bãi cát. Mon hỏi Mên về tình hình bên bờ sông. Xem rằng bờ sông đã bị ngập hết chưa, cánh chim có bay được không. Anh hùng là thế, kiên định quyết tâm đi cứu sống bầy chim chìa vôi như vậy, thế nhưng chúng vẫn là hai đứa trẻ nhỏ, vẫn lo sợ bị bố mắng. “Anh ơi, có khi bố dậy rồi đấy” câu hỏi của Mon làm cho Mên thức tỉnh. Tuy nhiên, lo sợ là thế, vậy mà chúng vẫn quyết tâm đi cứu bằng được bầy chim. Qua chi tiết này giúp người đọc thêm trân trọng về hành động dũng cảm của hai đứa trẻ. Đồng thời thêm yêu mến và xúc cảm hơn về tinh thần ấy. 

Những chú chim chìa vôi vươn cánh bay lên trời xanh

Không bỏ qua dù chỉ là một chi tiết nhỏ, nhà văn còn khắc họa nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời bên bờ sông. Bình minh lên đủ soi chiếu những hạt mưa trên mặt sông. Đây cũng là lúc dòng nước đã chiếm trọn phần còn lại của bãi cát. Tuyệt vời hơn là hình ảnh cánh chim chìa vôi bé bỏng được Mon và Mên giải cứu bay lên trên trời cao. Vượt ra khỏi mặt nước, chúng dang rộng đôi cánh bay vút lên trời cao. Khung cảnh tuyệt đẹp ấy được hai anh em chứng kiến với vẻ mặt đầy tự hào. Hình ảnh Mon và Mên đứng yên không nhúc nhích, khuôn mặt tái nhợt đi vì nước mưa hửng lên ánh rạng ngời. Chúng cảm động, vui mừng vì mình đã cứu được đàn chim. Chúng nhận ra mình đã khúc từ lúc nào, giọt nước mắt của sự vui mừng, xúc động, giọt nước mắt của tình yêu thương mãnh liệt với sinh mạng nhỏ bé. 

Thông qua văn bản “Bầy chim chìa vôi” nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc cảm nhận được một tấm lòng yêu thương loài vật cùng tinh thần quả cảm, gan dạ của hai anh em Mon và Mên. Đồng thời, ông cũng muốn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Rằng ta cần sống hòa hợp và gắn bó hơn với thiên nhiên, với muôn loài. 

-----------------------------------

Hy vọng với bài văn mẫu nêu cảm nhận của em về văn bản Bầy chim chìa vôi (ngắn gọn) trên sẽ giúp các em củng cố hơn nữa kiến thức của bản thân và đồng thời có thêm tài liệu tham khảo hỗ trợ cho bài viết của mình. Chúc các em viết bài thật tốt. 

icon-date
Xuất bản : 03/02/2023 - Cập nhật : 28/08/2023

Tham khảo các bài học khác