logo

Viết bài phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn

Nghệ thuật và chủ đề là một trong những yếu tố làm nên thành công của một bài thơ trữ tình. Bài thơ Nhớ mạ là một bài thơ đặc sắc nhờ nghệ thuật và khai thác chủ đề quen thuộc, gần gũi. Qua việc viết bài phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn các em sẽ làm rõ được những thành công của bài thơ nhờ hai yếu tố này.


Dàn ý phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn

1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ tác giả và chủ đề tác phẩm: Nỗi nhớ mẹ và khát khao được sum vầy bên gia đình, bên mẹ.

2. Thân bài

- Đặc sắc chủ đề: Nhớ mạ - nhớ mẹ: từ nỗi nhớ dâng trào thành những kỷ niệm một thời đầm ấm đoàn viên. Từ đó là lời hứa, tâm niệm được về thăm mẹ, thăm cha trong ngày sum họp gia đình. Lời hứa cũng là lời nhắc nhở, dặn lòng mình.

- Nghệ thuật: sử dụng từ ngữ, chọn lọc hình ảnh giàu giá trị, thể thơ 6/8 mang âm hưởng ca dao, dân ca, đề tài quen thuộc nhưng vẫn có sự sáng tạo.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị chủ đề và nghệ thuật bài thơ

- Liên hệ bản thân


Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn

      Mẹ hai tiếng thiêng liêng ấy đã đi vào trong thơ ca và là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhà văn nhà thơ. Cũng viết về đề tài mẹ Lê Văn Nhơn đã có những vần thơ thiết tha, ngọt ngào và sâu lắng mang đậm dấu ấn cá nhân, phong cách của ông qua bài thơ “Nhớ mạ”

      “Nhớ mạ” mạ là tiếng địa phương tức là mẹ, nhớ mạ là nhớ mẹ, như vậy chủ đề bài thơ chính là nỗi nhớ mẹ. Từ nhan đề  và chủ đề ấy xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ da diết của con khi lâu rồi chưa về thăm mẹ. Người con khao khát được gặp mẹ, được ăn những bữa cơm bình dị mà thơm ngon do tay mẹ nấu. Từ phương xa con kính chúc cha mẹ luôn hạnh phúc bạc đầu, con tự hứa với lòng sẽ sớm sắp xếp công việc để về thăm mẹ, ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ ngày ấu thơ cùng mẹ. 

phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn

      Như vậy chủ đề bài thơ xoay quanh nỗi nhớ mẹ và những khát khao được sum vầy bên gia đình. Chủ đề này không mới, trong ca dao cũng có nói đến, trong thơ trữ tình trung đại, cận hiện đại cũng có. Điểm mới của nhà thơ chính là trong cách thể hiện, cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, thể thơ dân tộc, âm hưởng ca dao… đó cũng chính là điềm làm nên đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm này.

      Câu thơ đầu tiên tác giả sử dụng tính từ lâu kết hợp với hai phó từ đã và rồi gợi khoảng thời gian không xác định chỉ biết là rất lâu và dài. Đó là thời điểm con chưa về thăm mẹ, con nhớ mãi cái cảnh sum họp bên mâm cơm gia đình để được

Ăn bữa cơm giòn giã thơm ngon

Canh cà rau muống bàn tròn

Gia đình sum họp còn hơn thiên đường

      Tính từ giòn giã vừa gợi lên bữa cơm ngon lành, vừa gợi tiếng cười giòn giã bên gia đình. Còn gì ấm áp và hạnh phúc hơn khi được quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình, được thưởng thức những món ngon giản dị của bàn tay mẹ nấu. Bữa cơm ấy còn ngon hơn vì được ăn với những người mà mình yêu thương nhất, thế nên dù có giản dị, đạm bạc nhưng nó còn hơn gấp vạn lần những thứ cao lương, mỹ vị. Câu thơ gợi đến hình ảnh quen thuộc trong ca dao

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

      Nhưng nỗi nhớ trong bài ca dao còn là nỗi nhớ chung chung, phiếm chỉ, không gợi đối tượng cụ thể. Còn nỗi nhớ trong bài thơ “nhớ mạ” là nỗi nhớ cụ thể, hẹp hơn, chính là nhớ gia đình, nhớ cha mẹ. Phép so sánh ở câu thơ “Gia đình sum họp còn hơn thiên đường” gợi đến niềm kiêu hãnh của nhà thơ về giá trị của gia đình. Thiên đường là nơi lý tưởng ai cũng khao khát được đến nhưng thiên đường vẫn không bằng được gia đình, một gia đình thuận hoà, ấm êm còn đáng sống hơn gấp vạn lần thiên đường vì nó là hạnh phúc đời thường, hạnh phúc giản dị của con người.

      Đến khổ thơ thứ hai là lời chúc tự đáy lòng của đứa con ở phương xa gửi cho cha mẹ. Điệp từ  “để cho” lặp lại hai lần thể hiện khát khao và mong muốn của con. Con mong mẹ luôn có cuộc sống thật vui vẻ, mạnh khoẻ, mãi sống cuộc đời không lo âu. Con cũng tự hứa và dặn lòng mình sẽ sớm về thăm cha mẹ để thoả nỗi nhớ mong kéo dài:

Vòng tay nống ấm lâu bền

Của cha lẫn mẹ cộng thêm nụ cười.​

      Ngày tết âm lịch là ngày lễ lớn của dân tộc, mang tính chất sum họp, đoàn viên. Những đứa con xa quê luôn mong ngày tết âm lịch, được nghỉ nhiều để về thăm gia đình. Tác giả Lê Văn Nhơn cũng vậy ông cũng mong ngày tết âm sẽ được về bên gia đình, trong vòng tay cha mẹ để được ôm ấp, nâng niu giống như ngày thơ bé, để nụ cười mãi giòn tan trên môi.

      Bài thơ thành công trong việc sử dụng hình ảnh thơ trong sáng, bình dị, gần gũi, thể thơ 6/8 có xen một vài câu 7 chữ. Một số lời thơ giống như lời ăn tiếng nói hàng ngày “con xin hứa sẽ về…”; trên một đề tài khá quen thuộc nhưng nhờ những cảm xúc chân thành riêng tác giả Nhớ mạ vẫn là một bài thơ hay, góp thêm một tiếng nói chung vào chùm thơ viết về mẹ.

---------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ Mạ của Lê Văn Nhơn. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 27/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023