logo

Có ý kiến cho rằng dù đã lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm

Vì quá chán ghét chốn quan trường lừa lọc, dối trá, không thể sống chung với bè lũ nịnh thần nên Nguyễn Trãi đã quyết định cáo quan về ở ẩn. Tìm về với thú điền viên, làm bạn với núi rừng những tưởng tâm nhàn nhưng không hề nhàn. Bàn về điều này có ý kiến cho rằng dù đã lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm. Qua việc phân tích một số bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi cáo quan về quê sẽ giúp các em làm sáng tỏ nhận định trên!

Phân tích một số bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi cáo quan về quê sẽ giúp các em làm sáng tỏ nhận định “Dù đã lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm”

      Nguyễn Trãi là một ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam với hàng loạt những tác phẩm văn học để đời. Ngoài những tác phẩm nghị luận đanh thép có sức mạnh ngang với hàng vạn quân, Nguyễn Trãi còn để lại hai tập thơ nôm và chữ Hán nổi tiếng là “Ức trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”. Đặc biệt trong đó là tập thơ nôm “Quốc âm thi tập” tập thơ chủ yếu được sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi cáo quan về quê ở ẩn. Bàn về tập thơ này có ý kiến cho rằng dù đã lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm, điều này hoàn toàn đúng.

Có ý kiến cho rằng dù đã lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm

      Trước khi gác lại sự nghiệp để về quê ở ẩn Nguyễn Trãi đã có một thời gian dài cống hiến cho nhà Lê, dưới triều vua Lê Lợi. Chính ông là người đã bày mưu tính kế để Lê Lợi đánh tan giặc Minh, rồi lại giúp vua soạn thảo bản “Bình Ngô đại cáo” để thống nhất thiên hạ, khẳng định chủ quyền và ngôi vua của Lê Lợi. Sau này còn giúp Lê Lợi dẹp thù trong, giặc ngoài, củng cố ngai vàng. Nhưng về sau do không thể chấp nhận cùng phường quan nịnh nọt, lại chán ghét chốn quan trường lừa lọc, dối trá nên Nguyễn Trãi đã quyết định cáo quan về ở ẩn, tìm niềm vui ở quê nhà.

      Thời gian ở ẩn ở quê nhà Côn Sơn Nguyễn Trãi đã viết rất nhiều bài thơ hay bằng chữ Nôm và tất cả được in trong tập “Quốc âm thi tập”. Đây là tập thơ đỉnh cao bằng chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam. Một số bài thơ trong tập thơ này đã thể hiện cốt cách, tâm hồn của con người Nguyễn Trãi: đó là vẻ đẹp của nhân cách cao thượng, sống thanh bạch, giản dị, tốt đời, đẹp đạo.

      Trước hết những bài thơ của Nguyễn Trãi được sáng tác trong thời gian này cho thấy một tâm hồn luôn khao khát cuộc sống tự do, tự tại, hoà mình với thiên nhiên, non sông, đất nước, thể hiện cái vẻ bề ngoài nhàn nhã:

Công danh đã được hợp về nhàn

Lành dữ âu chi thế nghị khen

Ao cạn vớt bèo cấy muống

Đìa thanh phát cỏ ương sen

(Thuật hứng 24)

      Câu thơ đầu tiên cho thấy hoàn cảnh sống của nhà thơ: khi con đường công danh đã tạm đủ thì tìm về nhàn, với thú điền viên để nghỉ ngơi. Chọn cho mình lối sống thanh bạch, hòa mình với thú vui vườn tược, vớt bèo cấy muống, phát cỏ ương sen… đó là cuộc sống nhàn hạ, thoải mái, không cần bon chen với đời. Đó cũng là cuộc sống lý tưởng của rất nhiều nhà Nho đương thời như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… khác thời đại với ông nhưng cũng chung một lý tưởng đó là chọn cuộc sống thanh bạch, tìm niềm vui với núi rừng.

      Trong một bài thơ khác, Nguyễn Trãi cũng thể hiện lối sống nhàn nhã ấy:

Lánh trần náu thú sơn lâm,

Lá thông còn tiếng trúc cầm.

Sách cũ ngày tìm người hữu đạo

Trì thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.

(Thuật hứng 25)

      Ở đây vẫn là hình ảnh của cụ Nguyễn Trãi với cuộc sống thanh bạch nơi núi rừng ở quê nhà. Câu thơ đầu tiên cho thấy hình ảnh của người ẩn náu chốn trần gian “náu trần” để tìm vui thú sơn lâm. Sống giữa thiên nhiên, Nguyễn Trãi tìm niềm vui với trúc, thông, lắng tai nghe thanh âm của núi rừng, làm bạn với sách vở giống như với tri kỉ, say sưa tận hưởng đêm trăng đẹp.

      Trong bài thơ “Ngôn chí”11 tư tưởng sống nhàn thân cũng được Nguyễn Trãi đề cập đến:

“Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân

Trúc rợp hiên mai quét tục trần”

      Chúng ta thấy rõ hình ảnh của một con người chọn cho mình lối sống đạm bạc, hòa mình với thiên nhiên, để cỏ xanh mọc đầy cửa, trúc rủ kín mái hiên. Con người và thiên nhiên như hoà làm một, sống quấn quýt, nương tựa nhau chẳng khác nào người bạn tri kỉ.

      Như vậy thông qua một số bài thơ chúng ta thấy rõ Nguyễn Trãi đã chọn cho mình một lối sống thanh bạch, đạm bạc nhưng vui vẻ, an nhàn vì được hoà mình với thiên nhiên, lánh xa chốn quan trường tệ bạc, đớn hèn. Người đọc cảm nhận rõ một thi sĩ với cốt cách trong sạch chọn cho mình một lối sống nhàn thân, tận hưởng trọn vẹn thú vui với tùng, cúc, trúc, mai.

      Thế nhưng lối sống ấy chỉ là nhàn thân chứ tâm không nhàn, đúng là như vậy bởi lẽ:

Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược,

Có nhân có trí có anh hùng.

Nhìn cho biết nơi dường ấy,

Chẳng thấp thì cao ắt được dùng.

      Con người Nguyễn Trãi vẫn canh cánh nỗi lo về vận mệnh nước nhà, vẫn văng vẳng bên tai trọng trách, nghĩa vụ của một vị quan “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”, vẫn nặng lòng với cuộc đời, thời cuộc, và tin chắc một điều rằng “chẳng thấp, chẳng cao ắt được dùng”. Tư tưởng của Nguyễn Trãi vẫn một lòng hướng về vua, nhân dân, khát khao được đem tài năng, nhiệt huyết của mình để cống hiến cho cuộc đời. 

Phúc gặp ngần nào ấy mệnh,

Làm chi đua nhọc tốn công nhiều.

      Trong quan niệm của Nguyễn Trãi hoạ và phúc đều song song với nhau, không ai phúc mãi và cũng không ai hoạ mãi, số con người vốn đã được định sẵn nên đua nhọc, bon chen, ganh ghét với đời chỉ thêm tốn công, tốn sức. Dường như ông đang nhắc nhở chung đến tất cả con người trên cõi đời này: hãy biết sống làm sao cho đúng với lòng mình, đừng đua chen với đời để rồi nhận lại kết cục không tốt đẹp.

      Về quê ở ẩn, tìm niềm vui với thú điền viên nhưng cái tâm của Nguyễn Trãi chưa bao giờ chọn an nhàn, ông vẫn nặng lòng với cuộc đời, đất nước, với vua, hổ thẹn vì chưa báo đáp được ơn vua:

Nợ quân thân chưa báo được,

Hài hoa còn bợn dặm thanh vân.

      Và lúc nào cũng vậy cái tâm của Nguyễn Trãi luôn sáng trong như gương, không bao giờ bị vẩn đục bởi bất kỳ cường quyền hay vật chất nào. Chỉ hai từ “trung hiếu” cũng nói lên tất cả vẻ đẹp của con người ông, chứng minh cho tâm hồn thanh bạch, sáng trong của ông:

Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen.

      Ông còn ước ao trong tay có một tiếng đàn như của vua Ngu Thuấn (Trung Quốc) để cất lên tiếng đàn mang đến cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho muôn dân trăm họ:

Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

      Cuộc đời của Nguyễn Trãi thuỷ chung, đẹp đẽ, sáng ngời trung hiếu. Trong thơ ca của Nguyễn Trãi, hai tiếng “trung hiếu” và “yêu nước, yêu dân” như một lời nguyền vang vọng cùng sông núi, trường tồn cùng năm tháng. Rất nhiều các bài thơ của ông đều có nhắc tới hai tiếng này:

Bui có một niềm trung hiếu cũ,

Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh”.

(Bảo kính cảnh giới – 1)

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng – 5)

      Như vậy rõ ràng có thể thấy khi tìm về chốn điền viên để chọn cho mình một lối sống nhàn thân nhưng cái tâm của Nguyễn Trãi không hề nhàn. Cái nhàn chỉ là vẻ bề ngoài, từ sâu bên trong vẫn là tâm sự, nặng lòng với thời cuộc. Chưa lúc nào ông thôi nghĩ đến vận mệnh của quê hương, đất nước. Đó chính là nhân cách đẹp đẽ của ông.

      Những bài thơ của Nguyễn Trãi chẳng những thể hiện sự tài hoa trong cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh mà còn là tấm gương soi chiếu chính cuộc đời và tấm lòng của ông. Đó là một cuộc đời sống trọn vẹn, thuỷ chung, nghĩa tình với vua, với dân, với nước. Chọn cho mình lối sống nhàn thân nhưng tâm không hề nhàn, đó là cốt cách của một vị quan suốt đời gắn bó với vận mệnh của con dân. 

------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích một số bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi cáo quan về quê. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 28/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023