Hệ tọa độ Oxy gồm 2 trục, trục tung là trục dọc thẳng đứng, trục hoành là trục nằm ngang.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản ý nghĩa của hai từ tung và hoành: Tung là dọc, hoành là ngang. Và vì lẽ đó mà người ta mới gọi trục dọc là trục tung, trục ngang là trục hoành.
- Toạ độ của một điểm trong mặt phẳng toạ độ:
+ Trên mặt phẳng toạ độ, mỗi điểm M xác định một cặp số (x0; y0). Ngược lại mỗi cặp số (x0; y0) xác định vị trí của một điểm M. Kí hiệu M(x; y)
+ Cặp số (x0; y0) gọi là toạ độ của điểm M; x0 là hoành độ và y0 là tung độ của điểm M.
+ Chú ý:
Bao giờ cũng viết hoành độ trước, tung độ sau.
Toạ độ điểm gốc O là (0; 0); O(0;0).
Để tìm toạ độ của một điểm M, từ M ta kẻ các đường vuông góc MH⊥Ox, MK⊥Oy và đọc kết quả:
Toạ độ của điểm H trên Ox là hoành độ điểm M
Toạ độ của điểm K trên Oy là tung độ của điểm M.
Ví dụ:
Tìm trên mặt phẳng toạ độ Oxy tất cả các điểm có:
a. Hoành độ bằng 0.
b. Tung độ bằng 0.
c. Hoành độ bằng 1.
d. Tung độ bằng -2.
e. Hoành độ bằng số đối của tung độ.
g. Hoành độ bằng tung độ.
Lời giải
a. Tất cả các điểm nằm trên trục tung Oy.
b. Tất cả các điểm trên trục hoành Ox.
c. Tất cả các điểm nằm trên đường thẳng song song với trục tung và cắt trục hoành tại điểm 1.
d. Tất cả các điểm nằm trên đường thẳng song song với trục hoành và cắt trục tung tại điểm -2.
e. Tất cả các điểm nằm trên đường thẳng chứa các tia phân giác của góc phần tư II và IV.
g. Tất cả các điểm nằm trên đường thẳng chứa các tia phân giác của góc phần tư I và III.
Ghi nhớ:
+ Trục tung Oy là tập hợp các điểm có hoành độ bằng 0: M(0;b)
+ Trục hoành Ox là tập hợp các điểm có tung độ bẳng 0: M(a;0)
>>> Tham khảo: Hướng dẫn cách vẽ đồ thị tọa độ thời gian
-------------------------------
Trên đây là bài tìm hiểu của Toploigiai về câu hỏi Trục tung, trục hoành là gì? Hi vọng thông qua bài mở rộng về trục tung, trục hoành và một số kiến thức liên quan, chúng tôi có thể giúp các bạn mở rộng kiến thức về câu hỏi hơn.