logo

Tại sao nói "Bút sa gà chết"?

"Bút sa gà chết" là câu thành ngữ dân gian để ám chỉ về sự cẩn thận, làm một việc gì đó (ký kết, hợp tác,..) thì nên suy nghĩ cẩn trọng, và tìm hiểu kỹ càng. Vì nếu gặp sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì đã quyết. Vậy để giải thích kỹ thêm về câu nói này mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây với Toploigiai nhé!


1. "Bút sa gà chết" có nghĩa là gì?

tại sao nói bút sa gà chết

"Bút sa gà chết" là câu thành ngữ đề cao sự cẩn thận trong mọi quyết định, đặc biệt là những quyết định mang tính ràng buộc cao, có ký kết giấy tờ, để tránh những hậu quả không mong muốn.

Bút sa: có nghĩa là đặt bút, viết xuống. Theo văn hóa xưa, bút dùng mực tàu để viết. Vì thế, một khi bút sa là không thể xóa được nữa.

Gà chết: chỉ một hậu quả nghiêm trọng khôn lường khi đưa ra một quyết định sai. Vì ngày xưa ông bà lấy chăn nuôi làm trọng. Nên khi mất gà cũng đồng nghĩa với mất một tài sản trong nhà.

>>> Tham khảo: Giải thích thành ngữ bão táp mưa sa


2. Nguồn gốc thành ngữ "Bút sa gà chết"

Không phải tự nhiên mà hình tượng bút và gà xuất hiện trong câu thành ngữ như một biểu tượng. Câu thành ngữ được đúc kết từ nhiều nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Tục lệ hối lộ quan lại ngày xưa    

tại sao nói bút sa gà chết

Theo thông lệ ngày xưa, khi có một khuất mắc gì khó giải quyết hay có chuyện phiền phức với hàng xóm, người dân thường muốn giải quyết mọi chuyện một cách êm xuôi. Phần vì ngày xưa người ta rất sĩ diện sợ mọi chuyện vỡ lở. Phần vì luật pháp ngày trước còn lỏng lẻo hơn nữa người dân cũng không biết rõ nên họ sinh lòng lo sợ. Vì thế nạn hối lộ quan lại khi xưa diễn ra khá nhiều.

Người dân khi muốn cậy quan lại làm gì, thường trầu, rượu và làm gà mang đến nhờ quan viết cho lệnh phán có lợi cho mình.

Do tục cúng bái ngày xưa

Người dân ngày xưa rất tin tưởng thần linh. Đời sống của họ rất phong phú và gần như đóng vai trò chủ đạo trong nhiều quyết định. Chính vì thế, việc mời các thầy cúng diễn ra khá thường xuyên. Để mời được thầy cúng chấp bút thì cần có lễ vật, ít nhất là một mâm lễ vật có thịt gà.

Hai nguồn gốc trên đều có ý nghĩa khá tiêu cực gắn liền với sự trả giá cho một quyết định sai lầm, hay những việc làm không chân chính. Vậy nên, nhìn ở góc độ văn hóa ý nghĩa câu bút sa gà chết còn ngầm phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, đồng thời cảnh tỉnh thế hệ sau.

>>> Tham khảo: Giải nghĩa thành ngữ buôn thúng bán mẹt


3. Tại sao nói "Bút sa gà chết"

Có nhiều lời giải thích cho điều này.

Giải thích 1

Theo tục lệ ngày xưa, khi người dân đến cửa quan để trình chuyện, xin nhờ vả lúc nào cũng phải có trầu rượu và con gà thì may ra mới được việc. Người ta hài hước với nhau rằng, hễ ngòi bút của quan mà đặt xuống (Bút sa) một loại đơn từ nào đó thì y như rằng một con gà phải lên mâm (gà chết).

Giải thích 2

Tương tự như trên, thời xưa không phải người dân nào cũng biết chữ, viết thơ từ gì thì phải tìm đến thầy nho. Cứ mỗi lần đến nhờ như vậy thì trả công, biếu bằng một con gà ăn lấy thảo.

Giải thích 3

Theo hướng mê tín một chút, ngày xưa người dân hay quan niệm tin vào thần linh, có việc gì cũng mời thầy về cúng vái. Thầy bùa khi làm phép thường hay vẽ bùa lên giấy, và gia chủ cũng phải giết gà để phục vụ cho lễ cúng.

Giải thích 4

Có người cho rằng, thời xưa đầu bút được làm từ lông gà nên phải giết gà thì mới có lông để làm bút viết. Nhưng mà giải thích này mình không khả quan cho lắm vì lông gà làm bút thường rất ít. Chắc thấy trên phim cổ trang hay cầm cọng lông để viết 😃


4. Ý nghĩa câu thành ngữ "Bút sa gà chết"

Qua hình tượng mang đậm văn hóa đó, bút sa gà chết có thể truyền đạt được nhiều ý nghĩa sâu sắc:

Quyết định gắn liền với trách nhiệm: Bút sa gà chết lời nhắc về quyết định đi đôi với trách nhiệm. Một quyết định đưa ra đồng nghĩa với bạn phải chịu trách nhiệm. Sự trả giá có thể còn nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.

Không nên giải quyết hậu quả bằng một cách không đứng đắn: Nếu chọn cách đi đường vòng thì bạn không còn lựa chọn nào hơn là phải đánh đổi một thứ gì đó, thậm chí là rất nhiều thứ.

Cẩn thận với những quyết định cám dỗ: Đứng trước những lợi ích hay những lời có cánh dành cho mình, bạn phải hết sức cẩn thận. Bởi khi ấy, quyết định của bạn bị chi phối nhiều bởi cảm xúc.

Như vậy, ý nghĩa câu thành ngữ "Bút sa gà chết" chính là một lời nhắc nhở mọi người, trước khi đưa ra một quyết định hoặc làm một việc gì đó (ký kết, hợp tác,...) thì nên suy nghĩ cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ càng. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ bạn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì đã quyết. Đôi khi chính những quyết định của bạn sẽ gây ảnh hưởng đến những người khác, thậm chí là chính bản thân mình.


5. Thành ngữ gần nghĩa với "Bút sa gà chết"

Thành ngữ "Bút sa gà chết" có ý nghĩa chính thể hiện mối quan hệ giữa quyết định và trách nhiệm.

Hãy cùng tham khảo một số thành ngữ sau đây:

Bụng làm dạ chịu

Ý nghĩa: Tự làm tự chịu, khi bạn đưa ra một quyết định sai trước sau gì bản thân cũng phải tự gánh trách nhiệm.

Ai làm nấy chịu

Ý nghĩa: Ai làm thì quy trách nhiệm cho người đó, không thể trốn tránh cùng không thể cầu cứu người khác.

Có gan ăn cướp, có gan chịu đòn

Ý nghĩa: Trước khi quyết định làm gì cũng phải suy xét đúng sai, nếu không hậu quả phải tự mình gánh

Dắt voi phải tìm đường cho voi đi

Ý nghĩa: Khi đã đưa ra quyết định giúp đỡ hay thúc đẩy người khác thì phải có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ họ.

------------------------------

Bài viết này Toploigiai đã cùng các bạn trả lời câu hỏi tại sao nói "Bút sa gà chết"? và cung cấp kiến thức về thành ngữ "Bút sa gà chết". Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 23/09/2022 - Cập nhật : 23/09/2022