Khái quát Tác giả - tác phẩm: Ông đồ bao gồm Giới thiệu tác giả Vũ Đình Liên và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật và sơ đồ tư duy tác phẩm Ông đồ - SGK Cánh Diều Văn 7
Ông đồ
Vũ Đình Liên (12 tháng 11 năm 1913- 18 tháng 1 năm 1996), là một nhà thơ, nhà giáo nhân dân Việt Nam. Bài thơ Ông Đồ của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới
Vũ Đình Liên sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằngcử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.
Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh Hoa
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam
* Tác phẩm tiêu biểu:
Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu xá…
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn-1957)
Nguyễn Đình Chiểu(1957)
Thơ Baudelaire(dịch-1995)
Từ đầu thế kỉ XX, nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vi trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên đã viết bài thơ Ông đồ thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa.
Thơ năm chữ là thể thơ mỗi dòng gồm năm tiếng. Trong văn học dân gian thì gọi là thể vãn năm (mỗi câu năm âm tiết). Còn trong văn học bác học thì gọi đây là thơ ngũ ngôn. Như vậy có thể khẳng định thể thơ năm chữ cũng xuất hiện từ xa xưa và được lưu hành nhiều trong văn học ‘dân gian cũng như trong văn học bác học. ở văn học dân gian, nhiều nhất là thể hát dặm Nghệ – Tĩnh
Bài thơ được chia thành 3 phần:
- Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Hình ảnh ông đồ thời kì đắc ý
- Phần 2 (hai khổ tiếp theo): Hình ảnh ông đồ thời suy tàn
- Phần 3 ( còn lại) : Tình cảm của nhà thơ
Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi được niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả.
- Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn gồm nhiều khổ.
- Kết cấu đối lập đầu cuối tương ứng, chặt chẽ.
- Ngôn từ trong sáng bình dị, truyền cảm
Mẫu số 1
Mẫu số 2
Câu hỏi 1: Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở khổ 3, 4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?
Lời giải:
- Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống.
+ Gắn với Tết và mùa xuân (hoa đào nở).
+ Hình ảnh song hành mực tàu, giấy đỏ, phố đông người .
+ Tài hoa và tấm lòng của người thảo chữ.
+ Nhiều người thuê viết, ngợi khen tài.
→ Hình ảnh ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình.
- Hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4.
+ Mỗi năm mỗi vắng: ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.
+ Giấy đỏ buồn, mực sầu – chính là tâm trạng của ông đồ.
+ Hình ảnh ông đồ bị mọi người lãng quên (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay).
+ Hình ảnh lá vàng, mưa bụi: cảnh lạnh lẽo buồn thảm tô đậm tâm trạng buồn xót xa của ông đồ.
- Hình ảnh đối lập của khổ 1,2 với khổ 3,4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ.Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra.
→ Ông đồ ban đầu là trung tâm của sự chú ý dần dần bị quên lãng. Tâm trạng xót xa, buồn đau của ông đồ trước sự vô tình, ơ hờ của mọi người.
Câu hỏi 2: Bài thơ hay ở những điểm nào?
Lời giải:
Bài thơ hay và hấp dẫn ở việc tạo ra những đối lập về hình ảnh, tâm trạng, cảm xúc đối xứng trong bố cục của bài thơ.
- Tác giả dựng cảnh tương phản:
+ Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.
+ Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.
+ Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.
+ Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.
- Cái kết đầu cuối tương ứng:
+ Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.
+ Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.
+ "ông đồ xưa" không còn tồn tại nữa.
- Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời "vàng son xưa cũ" của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.
- Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.
→ Tác giả tái hiện được vẻ đẹp của cảnh cho chữ, hình tượng ông đồ xưa với bàn tay tài hoa- giá trị tinh thần truyền thống đẹp- đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.
Câu hỏi 3: Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài giời mưa bụi bay.
Theo em, những câu thơ đó là tả cảnh hay tả tình?
Lời giải:
Các cặp câu thơ đều không chỉ tả cảnh mà còn tả tình:
- Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa làm cho giấy, mực, những vật vô tri, vô giác cũng đã trở nên có tình cảm như con người, biết sầu, biết buồn. Như vậy nỗi buồn của ông đồ đã lan sang những vật xung quanh.
- Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Những tờ giấy không được viết cứ nằm một chỗ đã gợi sự tẻ nhạt, buồn bã. Nhưng càng buồn hơn khi ông đồ vắng khách và không ai để ý đến ông, ông cũng để mặc những chiếc lá vàng rơi trên giấy. Ngoài trời những cơn mưa bụi càng làm cho mọi vật nhòe mờ. Ông đồ đã thực sự bị lãng quên.
⇒ Những câu thơ trên không chỉ là nỗi buồn của cảnh vật mà còn gợi được nỗi buồn trong lòng người.
>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 7 Cánh diều
-----------------------------
Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - tác phẩm: Ông đồ trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!