Câu 1 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
- Phần tập làm văn trong chương trình Ngữ văn 9, tập 1 gồm những nội dung lớn sau:
+ Văn bản thuyết minh: bao gồm sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong văn thuyết mình; Sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả vào văn bản thuyết minh
+ Văn tự sự: bao gồm cách tóm tắt một văn bản tự sự; sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, miêu tả nội tâm, nghị luận và đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự; người kể chuyện trong văn bản tự sự.
- Nội dung trọng tâm cần chú ý đó là: văn bản tự sự
Câu 2 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
- Vị trí: thứ yếu
- Vai trò, tác dụng: trong văn bản thuyết minh khi sử dụng phối kết hợp các biện pháp nghệ thuật và yếu tố nó có tác dụng giúp đối tượng thuyết minh trở nên sinh động, có hồn, ấn tượng và nổi bật hơn, bài văn sẽ hấp dẫn và thu hút người đọc (người nghe) hơn.
- Ví dụ thuyết minh về cầu ngói Thanh Toàn ở Huế: Khi trình bày về kết cấu và kiến trúc của cầu, người viết có thể miêu tả về hình dáng, màu sắc, sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, để giúp người thưởng thức cảm nhận được vẻ đẹp của cầu ngói.
Câu 3 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
So sánh giữa văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự và văn bản miêu tả, tự sự:
- Giống nhau : Giúp bài văn sinh động hơn, đối tượng được rõ hơn, có thể hai dạng văn bản sẽ cùng nói, cùng viết về một đề tài.
- Khác nhau :
+ Văn bản thuyết minh: đưa ra những tri thức khách quan, chính xác về đối tượng, yếu tố miêu tả được thể hiện dựa trên đặc điểm của đối tượng. Yếu tố miêu tả ít sử dụng các yếu tố tưởng tượng, yếu tố miêu tả sử dụng với mục đích làm rõ đối tượng cần thuyết minh.
+ Văn bản miêu tả, tự sự: yếu tố miêu khi sử dụng trong văn bản có thể phát huy tính tưởng tượng, liên tưởng hay hư cấu. Các yếu tố miêu tả nhằm mục đích khắc họa tâm trạng của nhân vật (trong văn tự sự), hoặc làm rõ đối tượng miêu tả (trong văn miêu tả).
Câu 4 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
- Trong sách Ngữ văn 9 có những nội lớn về văn bản tự sự:
+ Phối kết hợp giữa tự sự với các yếu tố biểu cảm và miêu tả nội tâm, nghị luận trong văn bản
+ Sử dụng yếu tố đối thoại, độc thoại, và độc thoại nội tâm trong văn tự sự, người kể chuyện trong văn tự sự.
- Vai trò, tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm trong văn tự sự:
Khắc họa những tâm tư sâu kín nhất, những diễn biến tâm trạng của nhân vật để qua đó bộc lộ được tính cách nhân vật.
- Vai trò, tác dụng của các yếu tố nghị luận trong văn tự sự:
Góp phần giúp câu chuyện trở nên sinh động hơn, văn bản thêm phần triết lý, sâu sắc hơn
- Ví dụ đoạn văn tự sự có yếu tố miêu tả nội tâm:
“Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà. Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:
-Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này! Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm”
Làng - Kim Lân
+ Đoạn văn tự sự có yếu tố nghị luận :
“... Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...”
Trăng sáng - Nam Cao
+ Có yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận:
“ Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết ...Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”
Thanh Tịnh - Tôi đi học
Câu 5 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
+ Đối thoại : Hình thức đối đáp trò truyện giữa hai hoặc nhiều người.
+ Độc thoại : Lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc nói với một ai đó trong tưởng tượng.
+ Độc thoại nội tâm là độc thoại trong suy nghĩ, không nói ra lời.
→ Tạo không khí thực, đi vào nội tâm nhân vật, bộc lộ được tính cách và sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật.
- Hình thức thể hiện :
+ Đối thoại : các gạch đầu dòng ở đầu lời trao và lời đáp.
+ Độc thoại : Phía trước có gạch đầu dòng.
+ Độc thoại nội tâm : Phía trước không có gạch đầu dòng.
- Ví dụ :
“Có người hỏi:
- Sao bảo làng chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà? ...Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống, một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!”
(Kim Lân – trích Làng)
Câu 6 (trang 206 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
- Đoạn văn kể theo ngôi thứ nhất:
“ Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:
Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?
Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến... Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà. Tôi cũng đã cười đáp lại cô tôi:
- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.”
Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng
- Đoạn văn kể theo ngôi thứ ba :
“Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại lăm lăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó chửi thì tai liền miệng đấy, chửi thì lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!...”
Chí Phèo - Nam Cao
Tham khảo toàn bộ: Soạn văn 9 siêu ngắn tập 1