logo

Soạn bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (chi tiết)

Hướng dẫn Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ chi tiết nhất. Với bản soạn văn 10 này các bạn sẽ được trả lời toàn bộ các câu hỏi trong phần Đọc- hiểu và Luyện tập chi tiết nhất, qua đó nắm vững nội dung bài học.


Soạn bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (chi tiết)


Hướng dẫn học bài

Câu 1 (trang 88 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Các chi tiết ngoại cảnh thể hiện tâm trạng cô đơn đau xót của người chinh phụ.

+ Hình ảnh ngọn đèn leo lét trong đêm càng làm nổi bật nỗi cô đơn, cô quạnh. Tả tiếng gà gáy tăng thêm sự vắng vẻ khuya khoắt. Cây hòe trang điểm gợi cho ta cảm giác hoang vắng.

+ Nàng nhờ gió xuân mang nỗi lòng mong nhớ tới chồng. Tứ thơ như bay ra khỏi căn phòng để hòa điệu với bát ngát của không gian, cũng như nỗi nhớ nhung đầy vơi bị kìm nén giờ được lan tỏa trong đêm khuya tĩnh lặng.

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Gió đông là gió xuân. Nghìn vàng chính là tấm lòng của người chinh phụ. Núi Yên ở phương Bắc xa xôi. Tác giả dùng thủ pháp ước lệ để khắc họa một không gian mênh mông, bất tận  cũng như nỗi nhớ thương trở nên vô cùng, vô cực.

Nỗi nhớ nhung trải dài theo không gian xa xôi, người chinh phụ tưởng tượng có người chồng của mình ở đó. Nhưng dù có suy tưởng bao nhiêu thì nàng cũng phải trở về với thực tại: Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun. Giọng thơ như trùng xuống, càng đọc ta càng thấy xót xa. Các yếu tố của tự nhiên như gió đông, núi Yên Nhiên và cả không gian đều có tác dụng thể hiện tâm trạng. Mượn cảnh ngụ tình để thể hiện tâm trạng nhớ nhung, buồn đau của người chinh phụ và cũng là tâm trạng cảm thông chia sẻ của tác giả và dịch giả. Đấy còn là không gian nghệ thuật, không gian thể hiện tâm trạng con người.

Câu 2 (trang 88 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Những dấu hiệu cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ:

+ Tâm trạng ấy thể hiện qua cử chỉ của nàng. Nàng bước đi từng bước nặng nề mỏi mệt giữa hiên nhà thanh vắng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước”

Mỗi bước đi nặng nề ấy diễn tả bao suy nghĩ trong lòng vẫn không ngoài nỗi nhớ, nỗi đau và thân phận buồn lẻ loi. Cử chỉ cũng dường như lặp lại: “Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”

“Rủ” là buông xuống, “thác” là kéo lên. Chiếc rèm buông xuống rồi lại kéo lên nhiều lần cứ thế, cứ thế vì đâu, con chim thước (chim báo tin vui khi cất tiếng lên tiếng kêu gần nhà), vẫn vô tình im bặt càng diễn tả nỗi buồn lẻ loi đến cô đơn. Những công việc thường làm đều là gượng ép:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”

Gượng → miễn cưỡng soi chứ tâm trạng của nàng nào có thiết tha chăm chú gì đâu. Nàng chìm đắm mê man trong suy nghĩ, chợt thấy mình trong gương mà nước mắt lại chứa chan. Các từ “Sắt cầm” → diễn tả cây đàn hòa điệu ví với cảnh vợ chồng hòa hợp “dây uyên”, “phím loan” diễn tả những loài chim uyên ương, loan phượng thường sống thành đôi không rời nhau càng gợi ra nỗi cô đơn lẻ loi của nàng trong đêm thanh vắng.Nàng cố vượt ra cảm giác cô đơn nhưng không thoát nổi.

+ Tâm trạng cô đơn ấy còn thể hiện qua cảm nhận về thời gian chờ đợi.

Trong đêm khuya một mình một bóng, biết ngỏ cùng ai?

“Buồn rầu nói chẳng nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Nàng thức trọn cả năm canh vì nhớ thương chờ đợi:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Cảm nhận về thời gian trong lo âu, chờ đợi sao dài thế. Những hình ảnh so sánh càng tăng thêm mối sầu trong tâm trạng. Hai tiếng “dằng dặc” và “đằng đẵng” diễn tả nỗi buồn đau nặng trĩu, kéo dài theo thời gian và trùm lên cả không gian mênh mông như biển cả.

Cả tác giả và dịch giả đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc với tâm trạng của người chinh phụ. Trên đời này không có nỗi buồn nào bằng tâm trạng của người phụ nữ phải sống xa chồng khi người chồng ra trận. Bởi lẽ người ra đi có bao giờ trở lại đâu? Có hiểu như thế, ta mới thấy hết nỗi buồn lẻ loi của người chinh phụ.

Câu 3 (trang 88 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Người chinh phụ đau khổ vì:

- Chồng nàng phải ra chiến trận không hẹn ngày trở về.

- Nàng lo lắng cho sự bình an của chồng.

- Nàng mong có chim khách báo tin lành về người chồng nơi biên ải  nhưng chẳng thấy.

- Nàng cô đơn, lẻ loi đơn chiếc, mong ngóng  mỏi mòn về tin tức của người chồng nơi chiến trận, chờ đợi trong tuyệt vọng.

- Nàng nhớ thương da diết khôn nguôi và mong muốn khát khao được hưởng cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.

- Viễn cảnh tương lai trở nên xa mờ và vô vọng.

Câu 4 (trang 88 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Cả khúc ngâm không có lời nói của người chinh phụ mà chỉ là lời của tiếng lòng nhân vật(ngôn ngữ nội tâm), được thốt lên một cách rất tự nhiên, miêu tả chân thực nhất nỗi lòng và tâm trạng của người chinh phụ. Đó là sự cô đơn, lẻ loi, sầu đau đến xót xa, cay đắng và niềm mong ngóng tin tức về người chồng đến khắc khoải của người chinh phụ => Oán ghét cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đặc biệt thể hiện tâm trạng khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.

Câu 5 (trang 88 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Nhạc điệu của đoạn trích là nhạc điệu của thể ngâm khúc. Nó ai oán, xót xa phù hợp với tâm trạng con người.

+ Hai câu bảy tiếng buộc phải gieo vần trắc

Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Và hai câu lục bát vần bằng

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Có tác dụng diễn tả tâm trạng ở nhiều cung bậc, trạng thái của người chinh phụ.


Luyện tập

Đoạn trích đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật:

- Miêu tả ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm của người chinh phụ.

 - Miêu tả nội tâm qua ngoại hình, hành động, cử chỉ, điệu bộ và từ ngữ mang sắc thái chỉ tâm trạng.

 Đoạn văn tham khảo:

Nhận được giấy báo, tôi vui mừng nhảy cẫng lên, nụ cười rạng rỡ. Thế là sau 12 năm miệt mài, công sức của tôi cũng được đền đáp. Miệng huýt sáo líu lo, tôi đi sang nhà ông bà. Trời hôm nay trong xanh đến lạ, hoa ven đường rực rỡ đua nhau nở khoe sắc, đung đưa theo làn gió. Tôi đã đỗ đại học.


Tổng kết tác phẩm

Soạn bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác