logo

Soạn bài: Các thao tác nghị luận (chi tiết)


Soạn bài: Các thao tác nghị luận (chi tiết)


I. Khái niệm.

- Ví dụ trong thực tế người ta hay dùng từ “thao tác”: Thao tác tắt-mở điện thoại, thao tác đi xe đạp, thao tác giặt quần áo,…

- Từ những ví dụ trên, từ “thao tác” được dùng với ý nghĩa: chỉ việc thực hiện những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định.

- Thao tác nghị luận cũng chính là một loại thao tác thực hiện những động tác theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật nhất định. Nhưng thao tác nghị luận khác với các loại thao tác khác ở chỗ nó là hoạt động của tư duy nhằm thuyết phục người đọc, người nghe hướng theo vấn đề mình đang bàn luận đến.


II. Một số thao tác nghị luận cụ thể.

1. Ôn lại các thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

a. Điền từ vào vị trí thích hợp:

- Tổng hợp là kết hợp các phần… để xem xét.

- Phân tích là chia vấn đề cần bàn…và kĩ càng.

- Quy nạp là từ cái riêng…nguyên lí phổ biến.

- Diễn dịch là từ tiền đề chung…hiện tượng riêng.

b.

- Trong lời tựa “Trích diễm thi tập” Hoàng Đức Lương đã sử dụng thao tác phân tích: chia luận điểm chính thành 4 luận cứ nhỏ nhằm chỉ rõ những lí do cụ thể làm cho “thơ văn không lưu truyền hết ở đời”, sử dụng thao tác phân tích này sẽ làm cho người tiếp nhận hiểu sâu hơn và chi tiết hơn nội dung mà tác giả đề cập.

- Trong lập luận “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”: Câu 1 dùng thao tác phân tích: Nguyên khí của quốc gia chính là sự hưng thịnh của đất nước -> hiền tài là nguyên khí của quốc gia -> vận mệnh của đất nước hưng hay thịnh đều phụ thuộc vào nhân tố “hiền tài” -> Khẳng định vai trò cực kì quan trọng của hiền tài đối với đất nước. Câu 1 làm tiền đề để phát triển câu 2 (sử dụng phương pháp diễn dịch): từ luận điểm hiền tài có vai trò quan trọng suy ra  thời đại nào cũng phải đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nhân tài.

c.

- Trong lời tựa “Trích diễm thi tập”, sau khi nêu 4 lí do hạn chế, tác giả rút ra kết luận: “Vậy thì các bản thảo thơ văn cũ mỏng manh kia còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?” => tác giả dùng phương pháp tổng hợp giúp cho quá trình lập luận càng trở nên thuyết phục hơn: phân tích luận điểm thành 4 ý nhỏ, từ đó đưa ra kết luận chung để tăng sự khẳng định lí do thơ văn không được lưu truyền hết ở đời.

- Trong đoạn trích “Hịch tướng sĩ”, tác giả không sử dụng thao tác tổng hợp mà sử dụng thao tác quy nạp: đưa ra từng dẫn chứng cụ thể gương các bậc trung thần, cuối cùng nêu kết luận đời nào cũng có các bậc trung thần nghĩa sỹ bỏ mình vì nước.

d.

- Nhận định “Thao tác diễn dịch có khả năng giúp ta rút ra chân lí mới  từ các chân lí đã biết” => nhận định đúng. Vì thao tác diễn dịch có xuất phát điểm là luận điểm chân lí, từ đó diễn giải và đi sâu làm rõ bổ sung thêm nội dung chính của luận điểm. Mọi ý đều tập trung và bổ sung cho luận điểm chân lí nên nó mang tính chân lí và k thể phủ nhận được.

- Nhận định “Thao tác quy nạp luôn luôn đưa lại cho ta những kết luận chắc chắn và xác thực” => nhận định không đúng. Vì thao tác quy nạp là từ rất nhiều các dẫn chứng riêng biệt đưa ra kết luận chung. Chúng ta không thể kiểm chứng độ chính xác của những dẫn chứng riêng biệt đó nên kết luận đưa ra chưa chắc đã chắc chắn và xác thực.

- Nhận định “Tổng hợp không chỉ là thao tác đối lập với thao tác phân tích mà còn là sự tiếp tục và hoàn thành của quá trình phân tích” => nhận định đúng. Vì, thao tác phân tích là quá trình mổ xẻ và phân tích nội dung từ chính luận điểm chung thành nhiều dẫn chứng nhỏ. Còn thao tác tổng hợp là từ những dẫn chứng nhỏ đó rút ra 1 kết luận chung. Tổng hợp và phân tích đối lập nhau. Tổng hợp không những đối lập với phân tích mà nó còn tiếp tục phát triển quá trình phân tích và rút ra kết luận chung để kết thúc quá trình phân tích trước đó.

2. Thao tác so sánh

a. Trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, để nhận thức rõ sự “giống nhau” và “khác nhau”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng thao tác so sánh nhằm nhấn mạnh và khẳng định sự giống nhau: dân ta đều có một lòng nồng nàn yêu nước.

b. Trong đoạn “Bàn về việc so sánh đức nhà Lí và nhà Lê” (Đại Việt sử kí) dùng thao tác so sánh nhằm nhấn mạnh sự khác nhau giữa Lí Thái Tổ và Lê Đại Hành.

Từ a), b) => Thao tác so sánh bao gồm hai loại chính: so sánh giống nhau và so sánh khác nhau.

c. Có người hoài nghi tác dụng của so sánh, vì “mọi so sánh đều khập khiễng”. Điều này không hoàn toàn đúng. Bởi đó chỉ là 1 phần ý kiến mang tính tiêu cực, không thể hiện hết được bản chất của so sánh.

- Để so sánh đúng cách, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

   + Những đối tượng (sự vật, hiện tượng) được so sánh phải có mối liên quan với nhau về một mặt (một phương diện) nào đó.

   + Sự so sánh phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nhận thức bản chất của vấn đề (sự vật, hiện tượng).

   + Những kết luận rút ra từ sự so sánh phải chân thực, mới mẻ, bổ ích, giúp cho việc nhận thức sự vật (hiện tượng, vấn đề) được sáng tỏ và sâu sắc hơn.


III. Luyện tập

Câu 1 (trang 134 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Tác giả muốn chứng minh: "Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân gian"

- Để làm rõ điều phải chứng minh, tác giả sử dụng chủ yếu thao tác phân tích.Từ luận điểm chính (Thơ Nôm Nguyễn Trãi tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa, văn học dân gian) tác giả đưa ra những luận cứ nhỏ (sự vật, hiện tượng gần gũi với đời sống nhân dân: củ khoai, quả ổi... đến tục ngữ, thành ngữ, ca dao; làn dân ca, nét dân nhạc) dần dần đi sâu phân tích luận điểm ngày một cụ thể, rõ ràng.

Câu 2 (trang 134 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Viết một đoạn văn nghị luận đề cập đến vấn đề phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay.

Ma túy là một trong những vấn đề nhức nhối và bức bối nhất hiện nay. Nó xuất hiện dưới nhiều hình thức tinh vi và ngày càng len lỏi vào đời sống. Tất cả mọi người già- trẻ, gái - trai, giàu – nghèo,… đều có thể trở thành đối tượng tấn công của ma túy. Nó không chỉ gây ra sự kiệt quệ về mặt sức khỏe mà còn làm con người trở nên suy đồi về mặt nhân cách, làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống. Ma túy không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với từng cá nhân mà còn làm suy sụp cả một hệ thống xã hội. Chính vì thế để ngăn chặn được tệ nạn này cần rất nhiều sự nỗ lực chung tay góp sức của cả cộng đồng. Bao gồm từ các cấp lãnh đạo chính quyền đến từng người dân địa phương đều phải ý thức được tác hại của ma túy và những hậu quả do nó gây ra. Từ đó đưa ra những chính sách, định hướng trong việc phòng trừ và đẩy lùi tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh hơn.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác