logo

Soạn Sinh học 11 Cánh diều Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi

Hướng dẫn Soạn Sinh học 11 Cánh diều Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi ngắn gọn, hay nhất theo chương trình Sách mới.

Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi

Lý thuyết Sinh học 11 Cánh Diều Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi

Câu hỏi mở đầu trang 68 Sinh học 11

Câu hỏi: Bảng 10.1 thể hiện kết quả xét nghiệm máu lúc đói của một người phụ nữ 30 tuổi. Dựa vào kết quả xét nghiệm, dự đoán người này bị bệnh gì?

Trả lời:

Quan sát kết quả xét nghiệm máu lúc đói của người phụ nữ trên cho thấy, chỉ số glucose của người này (7,4 mmol/L) cao hơn mức bình thường (4,1 – 5,6 mmol/L). Do đó, người này có thể mắc bệnh tiểu đường.

Câu hỏi trang 68 Sinh học 11

Câu hỏi: Nêu các cơ quan tham gia bài tiết và sản phẩm bài tiết ở động vật.

Trả lời:

- Các cơ quan tham gia bài tiết gồm: thận, gan, da và phổi.

- Sản phẩm bài tiết của cơ thể là: mồ hôi, khí carbon dioxide, nước tiểu, phân …

Câu hỏi trang 69 Sinh học 11

Câu hỏi:  Quan sát hình 10.2, nêu vai trò của thận trong điều hòa thể tích máu, huyết áp máu.

Trả lời:

Vai trò của thận trong điều hòa thể tích máu, huyết áp máu: Khi huyết áp giảm hoặc thể tích máu giảm (ví dụ như khi cơ thể bị mất máu, mất nước) sẽ kích thích thận tăng tiết renin. Renin kích thích tạo angiotensin II. Angiotensin II kích thích co động mạch tới thận, giảm lượng nước tiểu tạo thành. Ngoài ra, angiotensin II còn kích thích tuyến thượng thận tiết hormone aldosterone, aldosterone kích thích tăng tái hấp thụ Na+ và nước ở ống lượn xa, làm giảm lượng nước tiểu. Kết quả là thể tích máu, huyết áp tăng về mức bình thường.

Câu hỏi trang 70 Sinh học 11

Câu hỏi 1: Quan sát hình 10.3, nêu vai trò của thận trong điều hòa áp suất thẩm thấu máu.

Trả lời:

Vai trò của thận trong điều hòa áp suất thẩm thấu máu: Áp suất thẩm thấu máu tăng (ví dụ như khi ăn mặn, tăng glucose máu, cơ thể mất nước) sẽ kích thích tiết hormone ADH. ADH kích thích tăng tái hấp thụ nước ở ống lượn xa và ống góp, làm giảm lượng nước tiểu và tăng lượng nước trong máu, từ đó, làm giảm áp suất thẩm thấu của máu.

Câu hỏi 2: Nêu những biện pháp giúp phòng tránh bệnh sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trả lời:

- Một số biện pháp giúp phòng tránh bệnh sỏi thận: uống đủ nước; không ăn quá nhiều protein, quá chua, quá nhiều đường hoặc quá nhiều thực phẩm chứa chất tạo sỏi (rau chân vịt, khoai lang, hạt điều, hạnh nhân,… chứa nhiều oxalat); tránh bổ sung vitamin C liều cao; không nhịn tiểu lâu; đối với những người có nguy cơ mắc sỏi thận, có thể uống bổ sung một số loại thuốc phòng ngừa theo chỉ dẫn của bác sĩ;…

- Một số biện pháp giúp phòng tránh bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: uống đủ nước; vệ sinh sạch sẽ và đúng cách bộ phận bên ngoài của đường tiết niệu hằng ngày; tình dục an toàn; tránh mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu khó thoát mồ hôi; tránh tiếp xúc với các chất gây kích thích niệu đạo như nằm trong bồn tắm hòa xà phòng, chất khử mùi tại chỗ,…; không nhịn tiểu;…

Câu hỏi trang 71 Sinh học 11

Câu hỏi: Quan sát hình 10.4 và cho biết những cơ quan nào có ảnh hưởng đến thành phần nội môi.

Trả lời:

Những cơ quan có ảnh hưởng đến thành phần nội môi: Hầu hết các mô, cơ quan trong cơ thể đều có ảnh hưởng đến thành phần nội môi, tuy nhiên, thận, gan, phổi là những cơ quan có ảnh hưởng hàng đầu.

Luyện tập và vận dụng

Câu hỏi 1. Nêu các cơ quan tham gia bài tiết và sản phẩm bài tiết ở động vật? 

Trả lời:

Cơ quan bài tiết

Sản phẩm bài tiết

Da Mồ hôi
Gan Sản phẩm khử các chất độc và sản phẩm phân giải của hồng cầu (bilirubin)
Phổi Khí CO2, hơi nước.
Thận Nước tiểu

Câu hỏi 2. Quan sát hình 10.6, trình bày cơ chế điều hòa nồng độ glucose máu.

Sinh học 11 Cánh diều Bài 10 trang 68, 72

Trả lời:

Cơ chế điều hòa nồng độ glucose máu:

- Khi nồng độ glucose trong máu tăng quá mức sẽ dẫn đến tăng tiết hormone insulin ở tế bào β của tuyến tụy. Hormone insulin sẽ kích thích đưa lượng glucose vào các tế bào cơ thể kích thích gan và chuyển glucose thành dạng glycogen dự trữ. Từ đó, nồng độ glucose trong máu sẽ bị giảm về mức bình thường.

- Khi nồng độ glucose trong máu giảm quá mức sẽ dẫn đến tăng tiết hormone glucagon ở tế bào α tuyến tụy. Hormone glucagon sẽ kích thích gan thực hiện quá trình chuyển hóa glycogen thành glucose đưa vào máu. Từ đó, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng lên về mức bình thường.

Câu hỏi 3. Giải thích tại sao ăn mặn (nhiều muối) thường xuyên sẽ tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp.

Trả lời:

Khi ăn mặn (nhiều muối) thường xuyên sẽ tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp bởi vì áp suất thẩm thấu trong máu tăng kích thích khả năng giải phóng hormone ADH dẫn tới tăng khả năng tái hấp thụ nước ở ống lượn xa và ống góp. Hay nói cách khác, làm giảm lượng nước tiểu và tăng lượng nước trong máu. Đồng thời, thể tích tuần hoàn tăng lên khiến áp lực lên mạch máu tăng. Lâu dần, áp lực này sẽ dẫn đến tình trạng bệnh cao huyết áp.

Câu hỏi 4. Việc thường xuyên nhịn tiểu có thể dẫn đến tác hại gì?

Trả lời:

Việc thường xuyên nhịn tiểu có thể dẫn đến tác hại như sau:

- Làm bàng quang bị giãn ra khiến các cơ vòng bên ngoài bị kéo căng dẫn đến khả năng làm việc của bàng quang bị hạn chế, khả năng kiểm soát các cơ vòng ngoài bàng quang mất khiến nước tiểu rò rỉ.

- Gây ra tình trạng bí tiểu, nghiêm trọng có thể dẫn tới bị suy chức năng làm việc của thận do bị ứ động nước tiểu ở bàng quang.

- Gây ra các bệnh lí tại thận và ngoài thận như viêm bàng quang kẽ, sỏi thận, suy thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,…

>>> Xem toàn bộ: Soạn Sinh 11 Cánh diều

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Sinh học 11 Cánh diều Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 25/02/2023 - Cập nhật : 12/03/2024