logo

Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay, nâng cao Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn tại các lớp chuyên và thi học sinh giỏi. Cùng tham khảo nhé! 

Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi - Bài văn mẫu

    Việt Bắc” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Tố Hữu, cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được xem là bản tổng kết bằng thơ về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhưng đầy anh hùng của dân tộc, đồng thời cũng là lời tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng. Bài thơ dài, có nhiều khổ thơ hay, đặc sắc, trong đó không thể không nhắc đến đoạn 3, là tiếng lòng, nỗi nhớ đầy bịn rịn, vấn cương của người cách mạng trước khi chia tay đồng bào Việt Bắc về với thủ đô.

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

……………………………….

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

    Sau 9 năm gian khổ, dân tộc ta đã làm nên một lịch sử vẻ vang bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại, một trang lịch sử mới của dân tộc đã mở ra. Để đáp ứng tình hình mới, tháng 10/1954 các cơ quan trung ương Đảng quyết định rời căn cứ địa Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội. 9 năm là quãng thời gian rất dài với cuộc đời của một con người. 9 năm gian khổ ấy người miền xuôi, kẻ miền ngược đã có với nhau biết bao kỷ niệm đẹp. Làm sao mà quên được, ấy vậy nên trong giờ phút chia xa trong lòng ai cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm, nỗi lòng, bịn rịn không muốn rời.

Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    Cặp xưng hô mình - ta vốn rất quen thuộc trong ca dao, dân ca, nay đi vào thơ của Tố Hữu lại chan chứa một tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ. Nếu trong ca dao mình - ta thường đại diện cho nam nữ thì trong thơ của Tố Hữu mình - ta chính là kẻ ở - người đi. Sáng tạo hơn nữa là trong bài thơ mình - ta có sự chuyển hóa, hòa quyện thành sự đồng vọng để thể hiện nỗi niềm cùng tâm tư chung của người đi kẻ ở. Mình với ta đã có biết bao những kỷ niệm đẹp, những năm tháng bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng, chung một nỗi niềm tâm trạng, nay phải chia tay biết bao lưu luyến, bịn rịn. Dẫu ban đầu chỉ là cảm xúc riêng tư nhưng bài thơ đã làm được hơn cả điều đó, từ cảm xúc riêng đã hướng tới chuyển tải một vấn đề rất lớn của đời sống cách mạng, đó là vấn đề ân nghĩa thủy chung, sự gắn bó máu thịt của cách mạng với nhân dân.

    Nếu như đoạn thơ trước nói về nỗi lòng kẻ ở người đi, tái hiện cảnh chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn, người ở lại đã hỏi và gợi nhắc người ra đi hãy nhớ về 15 năm gắn bó, nhớ đến những ngày tháng gian khổ mà nghĩa tình thì đoạn thơ này đến lượt người ra đi (chiến sĩ cách mạng)  thổ lộ, giãi bày tình cảm của mình. Lời người ra đi gợi lại những kỷ niệm đẹp với cảnh và người Việt Bắc, nhớ bản làng những chiều sương, nhớ bếp lửa khoai sắn ngọt bùi, nhớ từng rừng nứa, bờ tre, tất cả đều in dấu biết bao nhiêu kỷ niệm:

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

    Giọng thơ có cái gì đó rưng rưng, xúc động, thể hiện tâm trạng bịn rịn, lưu luyến của người ra đi. Tất cả những hình ảnh thân thuộc của quê hương Việt Bắc đã in dấu trong tâm trí khó có thể phai nhoà.

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

    “Ta đi ta nhớ những ngày/ mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi” mình và ta tuy hai là một, tình cảm gói trọn lại trong một chữ nhớ. “Đắng cay ngọt bùi” là ẩn dụ của những gian khó, vất vả và của hạnh phúc, của niềm vui chiến thắng. “Thương nhau chia củ sắn lùi…. chăn sui đắp cùng” đã cụ thể hoá những khó khăn, thiếu thốn trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Chúng ta chiến đấu với vũ khí thô sơ, thiếu thốn mọi thứ, thế nhưng vẫn chia sẻ cho nhau , vẫn đùm bọc nhau để vượt qua tất cả khó khăn. Tình cảm tốt đẹp ấy đã được bồi đắp và gắn bó từ chính những thiếu thốn ấy nên nó càng sâu đậm, bền chặt. Ta nhớ tất cả rừng, đèo, núi đồi của Việt Bắc mà nhớ nhất là hình ảnh “Người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp về người mẹ Việt Bắc nhỏ bé nhưng có ý chí nghị lực kiên cường, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho bộ đội trong chiến đấu. 

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

    Trong nỗi nhớ của người đi quê hương Việt Bắc còn hiện lên qua những đêm vừa đánh giặc ngoại xâm, vừa diệt giặc dốt. Đẹp làm sao hình ảnh “đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan” tuy thiếu thốn khó khăn nhưng đồng bào ta vẫn nêu cao tinh thần học tập để tiếp cận ánh sáng của văn hoá tri thức. Trong khó khăn tiếng hát của người làm cách mạng vẫn cất vang núi đèo “gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”. Điều đó cho thấy  tinh thần lạc quan cách mạng, sức mạnh của niềm tin chiến thắng thấm nhuần trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam.

Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi

    Trong nỗi nhớ của người ra đi cũng không thể thiếu được những âm thanh bình dị, quen thuộc của núi rừng Việt Bắc đó là tiếng mõ rừng chiều, tiếng chày giã gạo. Những âm thanh ấy tuy bình dị nhưng lại thể hiện cuộc sống đầy ấm áp của con người nơi đây. Tất cả sẽ là những kỷ niệm theo dấu người đi.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

    Với thể thơ lục bát quen thuộc, với âm hưởng ca dao dân ca, hình ảnh giản dị, gần gũi, kết hợp với kết cấu đối đáp ta - mình ngọt ngào, đoạn thơ đã gợi ra cuộc chia tay đầy lưu luyến nghĩa tình của kẻ ở người đi.

    Có thể nói đoạn thơ thứ ba là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ “Việt Bắc”. Nó đã thể hiện đặc trưng của thơ Tố Hữu đó là sự kết hợp hài hoà giữa chất trữ tình cách mạng và biểu hiện đậm đà tính dân tộc. Qua bài thơ chúng ta cũng thấy rõ cái tôi cách mạng của Tố Hữu là một cái tôi đầy nhạy cảm, yêu thương và khát khao gắn bó với đồng bào, dân tộc. 

---/---

Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích Việt Bắc đoạn 3 học sinh giỏi. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 11/08/2022