logo

Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc

Hướng dẫn lập dàn ý Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc: “Mình đi, có nhớ những ngày…”

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, có nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa…”

(Trích “Việt Bắc” – Tố Hữu)

 

Dàn ý Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc: “Mình đi, có nhớ những ngày…”

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu đoạn thơ

b) Thân bài

* Hoàn cảnh sáng tác:

- Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7 - 1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ về Đông Dương được kí kết. Hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử  mới của dân tộc được mở ra.

- Tháng 10 - 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc.

* Phân tích:

- Bốn câu thơ đầu là những câu thơ gợi nhắc đến những kỷ niệm kháng chiến gian khổ:

“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”.

Bốn câu thơ gợi nhắc đến những kỷ niệm kháng chiến gian khổ. Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần cùng với hai câu hỏi tu từ “có nhớ những ngày”, “có nhớ chiến khu” đã khơi gợi những kỷ niệm gian khổ nhưng nghĩa tình: Mình còn nhớ hay không những ngày sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt?

Liệt kê các hình ảnh: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù” – chỉ thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt dữ dội. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cảnh “ăn tuyết nằm sương”, “nếm mật nằm gai” mà cán bộ và nhân dân phải chịu đựng. Qua đó khẳng định quyết tâm cao độ của cán bộ và nhân dân.

Mình còn nhớ hay không những cảnh sinh hoạt thiếu thốn nhưng tinh thần luôn lạc quan? Gian khổ vì thiếu thốn vật chất, ăn uống kham khổ: “miếng cơm chấm muối” – ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Chính sự gian khổ đã gắn kết ta và mình để chung vai đấu cật, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Gạt đi những khó khăn “ta” và “mình” cùng gánh lên vai nhiệm vụ chung – nhiệm vụ giải phóng dân tộc mà nhân dân giao phó, đó là “mối thù nặng vai” – mối thù giặc Pháp đang đè nặng lên đôi vai. Ở đây, cái chung luôn đặt trên cái riêng, nghĩa vụ lớn hơn khó khăn gian khổ – đây chính là  tinh thần lớn của thời đại

* Bốn câu thơ tiếp theo, người ở lại khơi gợi những kỷ niệm gắn bó với thiên nhiên và con người nặng nghĩa nặng tình:

Nhớ thiên nhiên:

Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

+ “Rừng núi nhớ ai” vừa là nghệ thuật hoán dụ, vừa là câu hỏi tu từ – gợi lên nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ.

+ Cách nói “Trám bùi để rụng măng mai để già” toát lên nỗi bùi ngùi thương nhớ. Cấu trúc câu “để rụng…để già” gợi lên hình ảnh thiên nhiên núi rừng buồn bã, hiu quạnh, trống vắng đến mênh mông vì thiếu vắng bóng dáng người cán bộ.  

Nhớ con người Việt Bắc:

Mình đi có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son

+ Nỗi nhớ hướng  về “những nhà”, những con người Việt Bắc: “Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”. Câu thơ sử dụng phép đảo ngữ, đưa “hắt hiu” lên đầu câu tạo thành hai vế tương phản.

+ “Hắt hiu lau xám” là để chỉ nỗi buồn trống vắng, hiu hắt của núi rừng; vừa có ý chỉ những ngôi nhà của những con người áo chàm dân dã, bình dị; cũng là ẩn dụ cho sự nghèo khổ của đồng bào Việt Bắc.

+ Vế sau nhấn mạnh phẩm chất người Việt Bắc: “đậm đà lòng son”. Đó là tấm lòng nhân dân thủy chung, đậm đà luôn hướng về Cách mạng; luôn hi sinh, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội. Chính những công sức của Việt Bắc và tấm lòng son đậm đà ấy đã góp phần không nhỏ để làm nên chiến thắng Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

* Bốn câu thơ cuối, Việt Bắc gợi nhắc những sự kiện lịch sử gắn liền với những địa danh, những tên gọi đã trở thành điểm mốc của chiến khu:

“Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa? ”

Câu thơ có sự liệt kê hình ảnh “núi non”, liệt kê sự kiện “khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh” để nhắc nhở người về xuôi rằng: Việt Bắc là nơi có mặt trận Việt Minh lãnh đạo cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật, Việt Bắc là căn cứ quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc thời kì trước 1945.

Kết thúc đoạn thơ là một câu hỏi lạ: “Mình đi mình có nhớ mình”. Đây là một cách nói sâu sắc. Từ “mình” thứ nhất và thứ hai chỉ người cán bộ về xuôi, từ “mình” thứ ba chỉ người Việt Bắc. Giữa người Việt Bắc và cán bộ như đã có sự gắn bó mật thiết, hòa nhập, tuy hai mà một.

Hình ảnh liệt kê mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào chỉ hai địa danh gắn với hai sự kiện quan trọng trước cách mạng tháng Tám, nhằm khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi cách mạng, là cội nguồn cách mạng.

Cả đoạn thơ có 7 chữ “mình” được lặp lại. Khi thì “mình đi”, “mình về” rồi lại “mình về”, “mình đi” rồi “mình đi mình lại nhớ”… tạo nên một giai điệu trữ tình luyến láy như khắc như chạm vào trong sâu thẳm tâm hồn người đi. Tác giả dùng từ “mình” kết hợp hai từ “đi – về” biến hóa, linh hoạt gợi ra một cuộc chia tay đầy lưu luyến. Điệp từ “có nhớ” là tâm tình người về với Việt Bắc.

Thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa giàu chất tự sự, vừa giàu nhạc điệu ngọt ngào đằm thắm của ca dao góp phần diễn tả tình cảm tha thiết của Việt Bắc với cách mạng, của con người Việt Nam trong kháng chiến. Lối ngắt nhịp đều đặn 2/4; 4/4, trầm bổng ngân nga của thơ ca dao lục bát như nhịp ru em êm ái. Nghệ thuật đối, phát huy tác dụng rất lớn trong việc tô đậm cảnh và người. Nghệ thuật ẩn dụ làm tăng thêm khả năng liên tưởng của hình ảnh. Phép trùng điệp vừa tạo vẻ đẹp nhịp nhàng về âm thanh, vừa gợi những cảm xúc sâu xa

* Nghệ thuật: 

Cả đoạn thơ có 7 chữ “mình” được lặp lại. Khi thì “mình đi”, “mình về” rồi lại “mình về”, “mình đi” rồi “mình đi mình lại nhớ”… tạo nên một giai điệu trữ tình luyến láy như khắc như chạm vào trong sâu thẳm tâm hồn người đi. Tác giả dùng từ “mình” kết hợp hai từ “đi – về” biến hóa, linh hoạt gợi ra một cuộc chia tay đầy lưu luyến. Điệp từ “có nhớ” là tâm tình người về với Việt Bắc. Thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng góp phần diễn tả tình cảm tha thiết của Việt Bắc với cách mạng, của con người Việt Nam trong kháng chiến.

c) Kết bài

- Khái quát lại vấn đề.


Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc: “Mình đi, có nhớ những ngày…” - Mẫu 1

Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc: “Mình đi, có nhớ những ngày…” - Mẫu 1

Bài “Việt Bắc” là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác thơ của Tố Hữu nói riêng, của thơ kháng chiến chống Pháp nói chung. Có thế nói, “Việt Bắc” là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca, thể hiện ân tình sâu nặng, thủy chung của nhà thơ đối với căn cứ địa Cách mạng cả nước. Điều này càng được khắc họa rõ nét hơn trong khổ thơ: 

“Mình đi,có nhớ những ngày

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

“Việt Bắc” là tác phẩm trường thiên, dài 150 dòng, được Tố Hữu viết vào tháng 10/1954 khi Trung ương Đảng và chính phủ, Bác Hồ và cán bộ từ giã “Thủ đô gió ngàn” để về với “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”. Bao trùm đoạn thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, là nỗi nhớ da diết, tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến của kẻ ở người đi – người miền ngược và người đi kháng chiến.

Mở đầu đoạn thơ là hàng loạt câu hỏi rất ngọt ngào:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”  

Ở khổ thơ, xuất hiện một loạt cụm từ “có nhớ”, điều này gợi cho ta cảm nhận được tâm trạng của người ở lại – một tâm trạng quan tâm, lo lắng không biết: “Cán Bộ về xuôi, Cán Bộ có còn nhớ chiến khu Việt Bắc nữa không ?”. Để cho Việt Bắc hỏi là vì nhà thơ muốn khơi gợi lại những ngày kháng chiến gian khổ. Nhớ thiên nhiên Việt Bắc “mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù”, câu thơ đã đặc tả được cảnh thiên nhiên hoang sơ, thời tiết khắc nghiệt nơi núi rừng Việt Bắc, tuy khung cảnh có chút ảm đạm nhưng vẫn mang đậm chất trữ tình, thơ mộng, phóng khoáng và hùng vĩ. Ngoài việc phải đối mặt với sự khắc nghiệt, khó khăn của thiên nhiên, “mình và ta” còn phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn, đầy gian khổ “miếng cơm chấm muối”. Hình ảnh hoán dụ “mối thù nặng vai”, gợi liên tưởng đến “mối thù” sâu nặng của nhân dân đối với những kẻ cướp nước, những kẻ đan tâm bán nước ta cho giặc. Đồng thời còn là lời nhắc nhở kín đáo của người ở lại về một thời rất đỗi tự hào, “mình và ta” đã cùng sát cánh bên nhau, cùng nhau tiêu điệt kẻ thù chung, giành lại độc lập tự do và đem đến cho nhân dân cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Nghệ thuật tiểu đối kết hợp với cách ngắt nhịp 2/2/2 – 4/4 đều đặn khiến cho câu thơ trở nên nhịp nhàng, cân đối, lời thơ càng thêm tha thiết.

Tiếp mạch cảm xúc, vẫn là những lời hỏi của Việt Bắc nhưng ẩn chứa trong vần thơ lại là lời bộc bạch tâm sự của người ở lại, bày tỏ tình cảm lưu luyến với cán bộ về xuôi:

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”  

Tố Hữu đã sử dụng biện pháp hoán dụ “rừng núi nhớ ai” – “rừng núi” chính là hình ảnh người ở lại, còn đại từ “ai” là chỉ người cán bộ về xuôi – nhằm nhấm mạnh tình cảm thắm thiết và nỗi nhớ da diết của nhân dân Việt Bắc đối với những người kháng chiến, với Đảng và chính phủ…Thiên nhiên và con người Việt Bắc nhớ cán bộ về xuôi nhiều đến mức “trám bùi để rụng, măng mai để già” – “trám bùi và măng mai” là hai món ăn thường nhật của bộ đội, của cán bộ kháng chiến; đồng thời cũng là “đặc sản” của thiên nhiên Việt Bắc. “Mình về” khiến núi rừng Việt Bắc bỗng trở nên trống vắng, buồn bã đến lạ thường, ngay cả khi “trám bùi – măng mai” mà cũng không ai thu hái. Người ở lại đã bộc lộ tình cảm của mình thật chân thành và tha thiết.

Nhân dân Việt Bắc vẫn tiếp tục hỏi, nhưng ở đoạn thơ này lời hỏi được nhấn mạnh hơn, thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn: “Cán Bộ về xuôi có nhớ cảnh vật Việt Bắc, con người Việt Bắc, nhớ những năm tháng cùng nhau kháng chiến hay không?”

“Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, có nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh.”  

Cụm từ “nhớ những nhà” – biện pháp hoán dụ – gợi cho ta cảm nhận được tâm trạng lo lắng không biết rằng: Cán bộ có nhớ những người dân Việt Bắc hay không? Chứ nhân dân Việt Bắc nhớ cán bộ nhiều lắm, nhớ đến nỗi ”hắt hiu lau xám”. Từ láy “hắt hiu” kết hợp với hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc “lau xám” càng làm nổi bật hơn khung cảnh hoang vắng, đơn sơ, im lặng nơi núi rừng. Nhưng đối lập với khung cảnh ấy là “tấm lòng son”, tấm lòng ấm áp và chân thành của con người Việt Bắc. Ngoài ra, nhân dân Việt Bắc còn muốn biết thêm rằng: Cán bộ về xuôi có nhớ “núi non”, nhớ thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ hay không? Có nhớ khoảng thời gian cùng nhau “kháng Nhật”, “thuở còn làm Việt Minh” hay không ? Chính nghĩa tình của đồng bào Việt Bắc đối với bộ đội, với Cách Mạng; sự đồng cảm cùng san sẻ mọi gian khổ, niềm vui, cùng gánh vác nhiệm vụ nặng nề, khó khăn làm cho Việt Bắc – quê hương của Cách Mạng, cội nguồn nuôi dưỡng cho Cách Mạng – càng thêm ngời sáng trong tâm trí nhà thơ nói riêng và trong lòng người đọc nói chung.

Kết lại đoạn thơ là nỗi nhớ về những địa danh lịch sử:

“Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.”  

Chỉ với hai câu thơ, nhưng tác giả đã gửi gắm rất nhiều tình cảm, ẩn chứa rất nhiều điều; đặc biệt là ở câu thơ sáu chữ có đến ba từ “mình” quyện vào nhau nghe thật tha thiết và chân thành. Từ “mình” thứ nhất và thứ hai được dùng để chỉ người cán bộ về xuôi, còn từ “mình” thứ ba ta có thể hiểu theo nhiều cách. Mếu hiểu theo nghĩa rộng, “mình” là Việt Bắc – đại từ nhân xưng ngôi thứ hai – thì câu thơ mang hàm ý: Cán bộ về xuôi, về Hà Nội không biết cán bộ có còn nhớ đến nhân dân Việt Bắc, nhớ đến người ở lại không ?”. Ở nghĩa hẹp hơn, “mình” chính là cán bộ về xuôi – đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – khiến cho câu thơ được hiểu theo một nghĩa khác: Cán bộ về xuôi, cán bộ có nhớ chính mình hay không? Có còn nhớ đến quá khứ của bản thân, nhớ những năm tháng chiến đấu gian khổ vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập tự do của dân tộc hay không?”. Với cách hiểu thứ hai này, người ở lại đã đặt ra một vấn đề có tính thời sự, sợ rằng mọi người sẽ ngủ quên trên chiến thắng, quên đi quá khứ hào hùng của mình, thậm chí sẽ phản bội lại lí tưởng cao đẹp của bản thân. Nhà thơ Tố Hữu đã hình dung trước được diễn biến tâm lý của con người sau chiến thắng, đây quả là câu thơ mang tính trừu tượng và triết lý sâu sắc.

“Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.”  

Ở câu thơ cuối trong khổ ba, người ở lại nhắc đến hai địa danh nổi tiếng gắn liền với hai sự kiện quan trọng đã từng diễn ra ở Việt Bắc. Địa điểm thứ nhất: sự kiện “cây đa Tân Trào” (12/1944), đây là nơi đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất phát, lúc đầu chỉ với mấy chục thành viên nhưng sau đó trở thành đội quân Việt Nam - lực lượng chủ chốt đã làm nên chiến thắng ngày hôm nay. Còn địa điểm thứ hai là tại đình “Hồng Thái” nơi Bác đã chủ trì cuộc họp (8/1945) quyết định làm cuộc Cách mạng tháng 8; chính nhờ quyết định sáng suốt này mà cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công vang dội, có thể giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Tố Hữu lồng hai địa danh lịch sử vào trong câu thơ nhằm nhấn mạnh câu hỏi của người ở lại, đồng thời còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng: Không biết rằng cán bộ về xuôi có còn nhớ rằng Việt Bắc chính là cái nôi của Cách mạng, là nguồn nuôi dưỡng Cách mạng hay không ? Và liệu rằng cán bộ về xuôi có còn thủy chung, gắn bó với Việt Bắc như xưa không hay là đã thay lòng đổi dạ ?”

Chỉ với 12 câu thơ trong khổ 3 của bài Việt Bắc, Tố Hữu đã đưa ta vào thế giới của hoài niệm và kỉ niệm, vào một thế giới êm ái, ngọt ngào, du dương của tình nghĩa Cách mạng. Cái hay nhất trong khổ thơ chính là Tố Hữu đã sử dụng rất khéo léo và đặc sắc hai cụm từ đối lập “mình đi – mình về”. Thông thường, đi và về là chỉ hai hướng trái ngược nhau, nhưng ở trong khổ thơ này thì “mình đi – mình về” đều chỉ một hướng là về xuôi, về Hà Nội. Với lối điệp cấu trúc kết hợp nhịp thơ 2/2/2 – 4/4 đều đặn, khiến cho âm điệu thơ trở nên nhịp nhàng, cân xứng giống như nhịp chao của võng đong đưa, rất phù hợp vối phong cách thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu.


Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc: “Mình đi, có nhớ những ngày…" - Mẫu 2

Nhà thơ Tố Hữu đã từng bộc bạch : “ Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta đời sống đã thật đầy ”, chính những niềm thương vô bờ bến, là những nỗi nhớ trào dâng không ngừng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm hứng để rồi thơ ca đã trào ra bao niềm thương nỗi nhớ vô bờ bến. Việt Bắc đúng chuẩn là những rung động mạnh liệt ấy của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ cũng là kết tinh, là di sản của “ mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng ” giữa biết những cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm đích đáng là một khúc tình hào hùng về cuộc kháng chiến và con người trong kháng chiến. Bài thơ Việt Bắc được viết ra như thể những lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa những con người kháng chiến so với đồng bào Việt Bắc được bộc lộ qua lăng kính trữ tình phối hợp chính trị, mang đậm tính tình dân tộc bản địa và ngòi bút phiêu xúc cảm của thi nhân .

Bốn câu đầu là lời là lời tâm tình của Việt Bắc:

"Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, có nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa"

Điệp từ "nhớ" lặp đi lặp lại nhiều sắc thái ý nghĩa: nhớ là nỗi nhớ, ghi nhớ, nhắc nhở. Hàng loạt những câu hỏi tu từ bày tỏ tình cảm tha thiết đậm đà của Việt Bắc. Tình cảm lưu luyến của người đưa tiễn, gửi đi nỗi nhớ mong, gài lại niềm thương theo cách:

"Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền"

Việt Bắc nhắc người cán bộ chiến sĩ đừng quên những năm tháng gian lao vất vả, hoạt động chiến đấu trong điều kiện trang bị tiếp tế còn thô sơ, thiếu thốn.

"Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?"

"Miếng cơm chấm muối" là chi tiết thực, phản ánh cuộc sống kháng chiến gian khổ. Và cách nói "mối thù nặng vai" nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chống thực dân cướp nước, đè nặng vai dân tộc ta. Cảm xúc thương nhớ xa vắng thả vào không gian rừng núi, gợi nỗi niềm dào dạt:

"Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già"

Hình ảnh "Trám bùi để rụng, măng mai để già" gợi nỗi buồn thiếu vắng - "Trám rụng - măng già" không ai thu hái. Nỗi bùi ngùi nhớ bức bối như thúc vào lòng kẻ ở lại. Tiễn người về sau chiến thắng và chính trên cái nền của sự chiến thắng đó, đã làm cho nỗi buồn nhớ trở nên trong sáng. Việt Bắc vẫn "một dạ khăng khăng đợi thuyền", đồng thời nhắc nhở khéo léo tấm "lòng son" của người cán bộ chiến sĩ. Xin đừng quên thời kỳ "kháng Nhật thuở còn Việt Minh", đừng quên cội nguồn cách mạng, đừng quên để chăm lo giữ gìn sự nghiệp cách mạng.

"Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa"

Tóm lại, đoạn thơ trên là nỗi lòng thương nhớ, là lời tâm tình của Việt Bắc. Đoạn thơ trên tiêu biểu sắc thái phong cách Tố Hữu, giọng điệu thơ ngọt ngào truyền cảm, mang đậm phong vị ca dao dân gian, đề cập đến con người và cuộc sống kháng chiến. Thông qua hình tượng Việt Bắc, tác giả ca ngợi phẩm chất cách mạng cao đẹp của quân dân ta, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung son sắt của người cán bộ, chiến sĩ đối với Việt Bắc.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Phân tích đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 17/05/2022 - Cập nhật : 12/08/2023