Đáp án cho câu hỏi Phân tích tư tưởng triết học Mạnh tử trong lịch sử triết học Trung Hoa cổ chính xác, dễ hiểu nhất. Trả lời câu hỏi Phân tích tư tưởng triết học Mạnh tử trong lịch sử triết học Trung Hoa cổ ngắn gọn, nhanh nhất.
Câu hỏi: Phân tích tư tưởng triết học Mạnh tử trong lịch sử triết học Trung Hoa cổ
Trả lời:
Mạnh Tử (327-289 trước Công Nguyên) tên thật là Mạnh Kha, tự là Dư, sinh ra tại nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là người kế thừa xuất sắc tư tưởng trường phái Nho gia, thực chất là kế thừa quan điểm và tư tưởng của nhà triết gia Khổng Tử. Ông đã hệ thống hóa triết học duy tâm của Nho gia trên phương diện thế giới quan và nhận thức luận.
Quan điểm triết học của Mạnh Tử thể hiện ở ba nội dung:
a. Quan điểm về thế giới quan
Mạnh Tử phát triển tư tưởng “thiên mệnh” của Khổng tử và đẩy thế giới quan ấy đến đỉnh cao của chủ nghĩa duy tâm. Ông cho rằng không có việc gì xảy ra mà không có mệnh trời, mình nên tùy phận mà nhận lấy cái mệnh chính đáng ấy. Từ đó Mạnh Tử đưa ra học thuyết “vạn vật đều có đủ trong ta nên chỉ cần tự tĩnh nội tâm là biết được tất cả” nghĩa là không phải tìm cái gì ở thế giới khách quan mà chỉ cần tu dưỡng nội tâm là biết được tất cả.
b. Quan điểm về bản chất con người
Ông là người đi sâu vào việc lý giải bản chất con người, ông cho rằng con người khi sinh ra vốn là thiện “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tính thiện đó là do thiên phú mà có chứ không phải là do con người chọn, nếu như con người biết nuôi dưỡng, giữ gìn thì làm cho tính thiện ngày càng hoàn thiện hơn. Nếu như không biết nuôi dưỡng, giữ gìn thì làm cho tính thiện ngày càng mai một đi, con người trở nên xấu xa, nhỏ nhen, ti tiện không khác gì loài cầm thú.
Từ đó Mạnh Tử kết luận rằng bản chất con người là thiện nhưng trong hiện thực thì con người có thể là ác. Đó là do xã hội rối loạn, luân thường đạo lý bị đảo lộn. Cho nên để thiết lập quốc gia thái bình, thịnh trị thì phải lại con người tính thiện bằng đường lối chính trị lấy con người làm gốc.
c. Quan điểm về chính trị xã hội
Trong học thuyết, quan điểm về chính trị - xã hội Mạnh Tử có nhiều tiến bộ, đặc biệt là tư tưởng của ông về dân quyền, tức là quan điểm về quần chúng nhân dân. Ông là người đầu tiên đề cao vai trò của người dân, ông cho rằng: “Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi”. Với tinh thần ấy, Mạnh Tử chủ trương xây dựng một chế độ “bảo dân, dưỡng dân” – bảo vệ cho dân, nuôi dưỡng, chăm lo cho dân, phải tạo cho dân có nhà cửa ruộng vườn. Vì vậy, ông chủ trương khôi phục lại chế độ “đinh điền” để chia ruộng đất cho dân, để cho dân có tài sản, ông cho rằng dân có hằng sản thì mới hằng tâm. Đồng thời ông khuyên các bậc vua chúa phải tiết kiệm chi tiêu, thu thuế của dân có chừng mực. Đó là những quan điểm hết sức mới mẻ và tiến bộ của ông, khiến ông mạnh dạn đưa vào đường lối chính trị của Nho gia hàng loạt vấn đề mới mẻ, toát lên tinh thần nhân bản theo đường lối lấy dân làm gốc.