Hướng dẫn tìm hiểu Nội dung quan điểm triết học duy vật của Đêmôcrit (460 - 370 TCN) đầy đủ, chi tiết nhất. Trả lời câu hỏi Nội dung quan điểm triết học duy vật của Đêmôcrit (460 - 370 TCN) ngắn gọn, nhanh nhất.
Câu hỏi: Nội dung quan điểm triết học duy vật của Đêmôcrit (460 - 370 TCN)
Trả lời:
Đêmôcrit là một trong những nhà triết học duy vật vĩ đại trong thế giới cổ đại. Ông sinh ra ở Apđe, một thành phố thương mại lớn nhất vùng Tơ – ra – xơ trong một gia đình giàu có, có điều kiện để học tập và đi du lịch nhiều nơi, do vậy ông có tầm hiểu biết rộng, nắm được hầu hết những kiến thức đương thời như: Triết học, Logic học, Toán học, Vũ trụ học, Vật lý học, Sinh vật học, Tâm lý học, Đạo đức học, Mỹ học, Ngôn ngữ học, … Vì vậy, ông được coi là người có bộ óc bách khoa đầu tiên của Hy Lạp. Quan điểm duy vật của ông được thể hiện ở những nội dung sau:
Quan điểm về thế giới
Đêmôcrit cho rằng, cơ sở đầu tiên cấu tạo nên mọi vật là nguyên tử. Nguyên tử là phần tử nhỏ nhất không thể phân chia được nữa, không nhìn thấy được, không âm thanh, không màu sắc, không mùi vị và tồn tại vĩnh viễn.
Theo quan điểm của Đêmôcrit, sự vật là do các nguyên tử liên kết lại với nhau tạo nên. Tính đa dạng của các nguyên tử làm nên tính đa dạng của thế giới các sự vật. Nguyên tử tự vận động nhưng khi kết hợp với nhau thành vật thể thì làm cho vật thể và thế giới chuyển động không ngừng. Lần đầu tiên trong lịch sử Đêmôcrit nêu lên khái niệm không gian là khoảng trống mà ở đó các nguyên tử vận động liên kết lại với nhau. Ông là người đã thấy mối liên hệ giữa vật chất, vận động và không gian. Ở đây, Đêmôcrit đã thể hiện lập trường duy vật về tự nhiên.
Nét đặc sắc trong triết học duy vật của ông là tư tưởng quyết định luận, nghĩa là ông giải thích mọi hiện tượng biến đổi theo quy luật nhân quả. Theo ông vũ trụ do vô số thế giới tạo nên. Do những sự vật kết hợp khác nhau (tập trung và phân tán) của những nguyên tử luôn vận động trong không gian và tuân theo quy luật của tự nhiên đã tạo nên sự xuất hiện và diệt vong của vô số thế giới, hợp thành vũ trụ. Ông cho rằng sự sống là kết quả của quá trình biến đổi dần dần từ thấp đến cao của tự nhiên. Sinh vật đầu tiên xuất hiện ở môi trường nước là bùn, dưới tác động của nhiệt độ. Sinh vật đó sống dưới nước, sau đó dần dần xuất hiện sinh vật có vú sống trên cạn, cuối cùng là con người trên quả đất.
Sự thừa nhận tính quy luật, tính nhân quả trong triết học của Đêmôcrit là thành quả có giá trị của triết học duy vật cổ đại Hy Lạp. Song, ông lại phủ nhận tính ngẫu nhiên và cho rằng trong cuộc sống nếu chỉ dựa vào ngẫu nhiên thì chỉ làm cho con người thêm lười biếng mà thôi. Ông bác bỏ quan điểm duy tâm, xem linh hồn là bản nguyên của thế giới. Ông cho rằng linh hồn cũng được cấu tạo từ các nguyên tử hình cầu nó cũng chết cùng với cái chết của cơ thể.
Về lý luận nhận thức
Đêmôcrit là người có công đặt nền móng cho sự hình thành lý luận nhận thức chủ nghĩa duy vật. Ông thừa nhận khả năng nhận thức của con người về thế giới. Ông chia nhận thức ra làm hai dạng: Nhân thức cảm tính do các giác quan đem lại gọi là nhận thức mờ tối, thực chất là trực quan sinh động và dạng nhận thức chân lý thông qua phán đoán logic, thực chất là giai đoạn tư duy trừu tượng. Ông cho rằng dạng nhận thức chân lý phản ánh được bản chất của sự vật và hai dạng nhận thức này có liên hệ chặt chẽ với nhau và đều có vai trò quan trọng nhưng dạng nhận thức chân lý đáng tin cậy hơn vì có khả năng phản ánh được bản chất của sự vật.
Đêmôcrit còn là người đặt nền móng cho sự ra đời của logic học với tư cách là khoa học của tư duy. Ông là người đầu tiên trong lịch sử viết tác phẩm “Bàn về logic học”. Ông coi logic học là một công cụ để nhận thức các hiện tượng của tự nhiên.
Ví dụ:
Từ những đặc điểm riêng – đến đặc điểm chung – đến khái niệm
+ Cây lúa có đặc điểm: Lá hình mác, thân thảo, rễ chùm. Cây xoài có đặc điểm: Lá hình bầu dục, thân gỗ, rễ cọc. Cây mít có đặc điểm: Lá hình bầu dục, thân gỗ, rễ cọc. Các cây này đều có đặc điểm chung là đều có lá, thân, rễ - Khái niệm “Cái cây”.
+ Từ các đặc điểm: Động vật biết chế tạo công cụ lao động và có ý thức – Khái niệm “Con người” vừa là thực thể sinh vật vừa là thực thể xã hội.
+ Từ các đặc điểm chung và các dạng vật chất vô cơ, vật chất hữu cơ, vật chất xã hội là đều tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người – Khái niệm “Vật chất”.
Trong lĩnh vực chính trị - xã hội
Đêmôcrit phê phán mạnh mẽ tôn giáo. Ông cho rằng những thần thánh của tôn giáo Hy Lạp chỉ là sự nhân cách hóa những hiện tượng của tự nhiên hay thuộc tính của con người. Đêmôcrit là người đứng trên lập trường của tầng lớp chủ nô dân chủ chống lại bọn chủ nô quý tộc.
Đêmôcrit có những quan điểm tiến bộ về mặt đạo đức. Theo ông, phẩm chất con người không phải ở lời nói mà ở việc làm. Con người cần hành động có đạo đức, còn hạnh phúc của con người là ở khả năng trí tuệ, ở khả năng tinh thần nói chung và đỉnh cao hạnh phúc là trở thành nhà thông thái, trở thành công dân của thế giới. Tóm lại, những quan điểm, tư tưởng triết học của Đêmôcrit còn mang tính chất phát, mộc mạc, trực quan, song nó đã đưa triết học duy vật Hy Lạp cổ đại lên bước tiến mới, đóng góp cho kho tàng triết học của nhân loại những thành quả vô giá.