logo

Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2 - Bài mẫu 1

Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2 | Văn mẫu 11 hay nhất

        Bàn về thơ, Hoài Thanh từng khẳng định: “Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”. Thơ ca từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ cho những tâm hồn đa cảm, ở đó, nó cất lên cây đàn muôn điệu về cuộc đời, về sự sống. Và khi bắt gặp hồn thơ Hồ Xuân Hương, ta nhận ra đó là tiếng lòng của nỗi đắng cay, tủi cực nhưng cũng tràn đầy khao khát yêu thương mãnh liệt:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non”

       Giữa đêm khuya thanh vắng nghe rõ từng hồi trống điểm nhịp, nhân vật trữ tình lại có dịp nhìn sâu vào cõi lòng, để mặc cho nỗi cô đơn gặm nhấm tâm hồn, để rồi nhận ra bản thân trong tình cảnh chua xót: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Chỉ một từ “trơ” nhưng dường như gói gọn biết bao mối ngổn ngang trong lòng người phụ nữ. Đó là sự tủi hổ, bẽ bàng khi ngẫm ngợi về thân phận nhỏ bé của bản thân. Ngược lại, “trơ” cũng mang theo sự táo bạo, thách thức vì dám thể hiện bản lĩnh của phận nữ nhi khi đặt “hồng nhan” sánh ngang với vũ trụ.

      Tưởng rượu say sẽ có thể làm dịu nỗi đau đớn, tuyệt vọng trong chốc lát nhưng một lần nữa, hiện thực phũ phàng lại đưa con người từ cõi vô thức trở về tỉnh thức:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

       Nỗi bẽ bàng, tủi hồ ấy đã từng được Thúy Kiều thốt lên qua những câu thơ thương thân trách phận:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa”

      Còn với người phụ nữ đã từng qua mấy lần đò như Hồ Xuân Hương, đó là lời thở than về một tuổi xuân đã đến hồi xế bóng, về một hạnh phúc chưa trọn vẹn. “Nước chảy chân cầu/ Đời người bóng câu”, tuổi xuân của người con gái lại càng ngắn ngủi. Có lẽ trong câu thơ ấy là bao giọt nước mắt đắng cay, cả sự uất ức bẽ bàng vì những nỗi truân chuyên của “khách má hồng”.

      Thời phong kiến, người phụ nữ thường an phận với những mặc định mà xã hội đóng khung cho phái yếu. Đó là những lễ nghi hà khắc, là tam tòng tứ đức, sự đảm đang, thùy mị, nết na. Vậy mà ở đây, Hồ Xuân Hương chẳng những dám thể hiện cá tính riêng mà còn cho thấy những mầm mống tỉnh thức của tinh thần phản khác:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

       Chẳng phải là liễu rủ thướt tha, cũng không là tùng cúc trúc mai thường thấy trong thơ trung đại, Hồ Xuân Hương đã chọn những sự vật hết sức nhỏ bé, tầm thường nhưng ẩn chứa sức mạnh to lớn. Ẩn sau câu thơ dường như là lớp sóng lòng đang dội lên từng đợt: xiên ngang mặt đất và đâm toạc chân mây. Qua đó, Hồ Xuân Hương dường như đang ngầm thách thức, chống lại cả những định kiến, hủ tục mà xã hội phong kiến áp đặt lên người phụ nữ để có thể chủ động trong tình yêu và hạnh phúc của đời mình.

      Bi kịch tình yêu muôn đời vẫn là nỗi thống khổ, bất hạnh của người phụ nữ. Để rồi giờ đây, phận hồng nhan đã từng khát khao, ước vọng lại đành trở về với nỗi tủi hổ, bẽ bàng:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

      “Xuân đi xuân lại lại” giờ đây chỉ còn là vòng lặp vô hồn, vô vị của cuộc sống. Thời gian thì cứ trôi, mùa xuân vẫn trở lại nhưng nó lại bào mòn tuổi xuân của con người, làm vơi dần hạnh phúc vốn đã ngắn ngủi. Nhưng càng đáng ngán hơn là một mảnh tình vốn đã nhỏ bé nay lại càng trở nên bé nhỏ hơn vì chia năm xẻ bảy. Nỗi niềm của phận làm lẽ ấy, Hồ Xuân Hương là người hiểu rõ hơn ai hết, vậy nên tiếng thơ của bà vừa có cái chua xót, vừa đong đầy vị mặn của tủi hổ, uất ức.

      Những cay đắng của cuộc đời đã từng có lúc khiến cho Hồ Xuân Hương phải ngao ngán, tuyệt vọng nhưng nó cũng làm trỗi dậy khao khát yêu thương, đồng thời bộc lộ những góc cạnh trong tâm hồn, bản lĩnh của một cái tôi hiếm có.


Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2 - Bài mẫu 2

      Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, "Tự Tình" là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thầm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp những cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng gặp toàn dang dở bất hạnh. Đó là sự bất hạnh của một ước mơ không thành.

      Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió (nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX), Hồ Xuân Hương là người chứng kiến và phần nào chịu ảnh hưởng của không khí sôi sục của phong trào quần chúng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Không khí ấy tác động đến tâm hồn vốn thông minh và giàu lòng trắc ẩn của bà. Bà uy nghiêm, thức tỉnh, trắc trở về đời mình, một cuộc đời đầy éo le, bạc phận, lấy chồng hai lần, hai lần làm lẻ và hai lần chồng đều chết sớm. Điều đó, với bà là những biểu hiện cụ thể, đầy nước mắt của nỗi đau "hồng nhan bạc phận".

      Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật. Với mỗi cặp câu đề – thực – luận – kết lại là một diễn biến tâm trang của nhân vật trữ tình.

      Mở đầu bài thơ với hai câu thực là tâm trang cô đơn, buồn tủi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

      “Đêm khuya” thường là lúc con người ta bắt đầu suy tư, đầy tâm trạng. Và ở đây với Hồ Xuân Hương cũng vậy. Thời điểm rất hợp với những tâm sự chất chứa trong lòng bà.Trong cái không gian tĩnh lặng, chỉ còn có thể nghe thấy âm thanh tiếng “trống canh” từ xa vọng lại, con người trở nên nhỏ bé hơn và bắt đầu nghĩ suy. Hai từ “hồng nhan” là hình ảnh hoán dụ cho nhân vật trữ tình, kết hợp với tính từ “trơ” được đảo lên đầu câu thơ như nhấn mạnh sự buồn tủi, cô đơn đến bẽ bàng của Hồ Xuân Hương. Trước không gian rộng lớn bao la cả một xã hội đầy rẫy những bất công, chỉ có nhân vật trữ tình một mình thật nhỏ bé, tủi hổ trước cuộc đời này. Đọc câu thơ, người đọc nhận thấy sự trống vắng, cô liêu trong cảnh vật và tâm trang cô đơn, buồn tủi trong tâm hồn người thi sĩ.

      Những cơn sóng cảm xúc đang cuộn xoáy trong lòng khiến nữ sĩ suy tư trăn trở, thao thức thâu đêm. Tiếng trống cầm canh lâu lâu lại điểm, báo thời gian đang trôi qua. Bước chân của đêm tối mới nặng nề càng làm in sâu nỗi đau đời âm ỉ, dai dẳng thiêu đốt tâm can nữ sĩ bấy lâu nay bật thốt thành lời chua chát, đắng cay. Hồng nhan là gương mặt đẹp, thường được dùng để chỉ phụ nữ nói chung và những người con gái đẹp nói riêng. Là một người phụ nữ có nhan sắc, nhưng lại được miêu tả “trơ với nước non”. Trước cuộc đời rộng lớn, người phụ nữ đó nhận ra thân phận của mình lẻ loi đơn chiếc, và âm thanh của trống cầm canh lại càng điểm thêm một nỗi buồn, trống vắng khó tả. Người phụ nữ ấy đã tìm đến rượu để giải sầu:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

      Tỉnh thì đau khổ nhưng mình vẫn còn được là mình không đến nỗi tuyệt vọng. Niềm tin của nữ sĩ vẫn còn, trước hết là tin ở lòng mình, sức mình. Lời dạy của trời đất sâu kín mà rành rành trước mắt, ngụ ở ngay trong rêu trong đá:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

      Rêu yếu ớt là thế mà từng đám, từng đám vẫn tung sức sống xiên ngang mặt đất đón ánh mặt trời. Đá im lìm là vậy mà như đua nhau đâm toạc chân mây để khẳng định sự hiện diện của mình. Cách đặt câu. đảo ngược đưa tính từ lên trước đã nhấn mạnh sức sống bất diệt của thiên nhiên. Mình là con người nên đâu có thể dễ dàng biến thành gỗ đá được?!

      Con người cô độc, bất hạnh trong thời điểm đó, không gian đó dường như chợt bừng tỉnh, muốn làm theo rêu theo đá, xiên ngang, đâm toạc tất cả những gì ngăn trở, ràng buộc, giam hãm, huỷ hoại thân phận mình, cuộc đời mình. Khổ nỗi, thực tế xã hội với bao dối trá, lạnh nhạt, chưa kể áp bức, bất công… vẫn nhơn nhơn còn đó. Mà trái tim luôn rạo rực cảm xúc của nữ sĩ đâu có chịu im tiếng. Nó có nhu cầu cấp thiết là được bày tỏ và chia sẻ:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

      Từ ngán có nghĩa là chán ngán, ngán ngẩm về cuộc đời éo le, bạc bẽo của Hồ Xuân Hương. Xuân ở đây có nghĩa là mùa xuân nhưng cũng ẩn dụ về tuổi xuân của người phụ nữ. Mùa xuân là mùa của tình yêu, của tuổi trẻ, ai cũng háo hức mong chờ nhưng riêng bà thì không bởi mùa xuân qua đi tuổi xuân của người phụ nữ cũng qua đi. Xuân Diệu, ông hoàng của thơ tình Việt Nam cũng đã từng tiếc rẻ thốt lên:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già...

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại...

      Thế nhưng, nếu Xuân Diệu háo hức mong chờ mùa xuân tới thì Hồ Xuân Hương lại ngán ngẩm mùa xuân về nên bà viết xuân lại lại, một chút ngán ngẩm trong câu thơ ấy vì mùa xuân trôi dần đi mà bản thân mình vẫn một thân một mình, lẻ chiếc, thiếu thốn yêu thương, giả sử có tình yêu thì mình cũng chỉ được sẻ tí con con.

      Mùa xuân của đất trời đến – đi theo quy luật tuần hoàn, xuân đi rồi xuân lại đến nhưng tuổi xuân của con người lại khác một khi trôi đi thì không bao giờ quay lại nữa. Càng cay đắng hơn, xót xa hơn khi người phụ nữ dùng cả tuổi xuân của mình để chờ mong, khát cầu một hạnh phúc dù là nhỏ bé, đơn giản nhưng chờ cả tuổi xuân hạnh phúc khát cầu ấy cũng chẳng thể trọn vẹn. “Ngán” là trạng thái của nhà thơ Hồ Xuân Hương trước sự mất mát của tuổi xuân nhưng không thể một lần chạm đến hạnh phúc, tình duyên vốn mỏng manh, nhỏ bé “mảnh tình” cũng không được trọn vẹn mà phải san sẻ càng khiến cho độc giả thêm xót xa về thân phận hẩm hiu của kiếp chồng chung, lẽ mọn.

      Có thể nói, Tự tình 2 là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho tâm hồn, tài năng và phong cách của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ thể hiện được sự ý thức sâu sắc của người phụ nữ trước hoàn cảnh éo le, bất công của số phận, tuy nặng trĩu nỗi buồn nhưng không hề bi lụy, ấn tượng đọng lại cuối cùng trong lòng người đọc lại là sự mạnh mẽ của tâm hồn người phụ nữ khi khát khao vượt thoát ra khỏi hoàn cảnh, hướng đến một cuộc sống tươi sáng hơn.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích tâm sự của người phụ nữ trong bài thơ Tự Tình 2. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 10/11/2021
/* */ /* */
/*
*/