logo

Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Tự tình 2


Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Tự tình 2

Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Tự tình 2 | Văn mẫu 11 hay nhất

        Hồ Xuân Hương, một cá tính thơ nổi loạn, bà dùng chính sự nổi loạn thiên tài của mình để quẫy đạp khỏi ao bèo phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp và giá trị chân chính đáng được trân trọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ không chỉ là phận nữ nhi thường tình, mà cũng là những trái tim tràn đầy khát khao mãnh liệt về hạnh phúc, họ không hề chân yếu tay mềm, mà còn mang những nét mạnh mẽ gân guốc. Tự Tình 2 có thể xem là một lời tự hát đầy chua xót của Xuân Hương về cuộc đời mình, nhưng ở đó, người ta cũng thấy một Xuân Hương nổi loạn, bản lĩnh, táo bạo để quẫy đạp và cũng là để lên tiếng cho biết bao kiếp hồng nhan bạc phận khác trong đêm trường phong kiến.

       Mở đầu bài thơ, gợi lên một không gian rộng lớn, nhưng trống rỗng miên man, dồn dập bởi những hồi trống canh dồn, như đang thúc vào lòng người những nỗi buồn miên man vô tận, nỗi cô đơn vò võ da diết khắc khoải đến xé lòng:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non”

       Đêm khuya, không gian tự nó mở ra những khoảng trống vô ngôn vô tận, khoảng trống khoảng lặng mang tên sầu buồn. Tiếng trống canh dồn như dồn dập, như đang thôi thúc, mà cũng như đang đánh vào lòng người một nỗi hờn tủi miên man rằng cái hồng nhan ấy vẫn lẻ bóng một mình, vẫn cô quạnh, cô đơn. Nhưng cô đơn mà không mộng rớt, ủy mị. Đồng từ “trơ” như thể hiện sự dày dạn, thách thức của Xuân Hương với đất trời, với nước non. Đó chính là cái tôi nổi loạn, cá tính, táo bạo mạnh mẽ của Xuân Hương, một cái tôi độc nhất vô nhị trong xã hội tù túng ngột ngạt lúc bấy giờ. So sánh “Với nước non” đã thấy được dụng ý của Xuân Hương, trước Xuân Hương, ta thấy hình ảnh người phụ nữ thường xuyên bị so sánh với những vật thấp kém, tầm thường, nhỏ bé như cái chổi “quét nhà”, như “trái bần trôi”, như “hạt mưa sa”...Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương tuy đang cô đơn vò võ trong canh trường, những vẫn bản lĩnh, mạnh mẽ khi được đặt trong vế đối với nước non.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

       Ở những dòng thơ tiếp theo, tiếp tục là lời tự hát, là tiếng lòng chảy tràn trên trang giấy của Xuân Hương về cái tôi mệnh bạc của mình trong đường tình duyên. “Vầng trăng bóng xế”, là hình ảnh ví von đặc sắc, để qua đó kín đáo nói với ta hình ảnh người phụ nữ tuy đã ở tuổi xế chiều nhưng chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Guồng quay đay nghiệt của xã hội phong kiến đã cướp đi hạnh phúc của biết bao nhiêu những kiếp hồng nhan, Xuân Hương cũng đau đớn khóc than cho thân phận mình. Nhưng chính ở lời tự tình chua xót ấy, ta thấy hiện lên hình ảnh một người phụ nữ giàu khát khao được yêu thương trân trọng và khẳng định vẻ đẹp cũng như giá trị cốt lõi của mình. Đó là lời thơ của Xuân Hương, hay cũng như một lời cật vấn với xã hội cũ thối nát, để lên tiếng đòi quyền hạnh phúc cho biết bao nhiêu người phụ nữ bạc mệnh. Xuân Hương khao khát hạnh phúc, nhưng không yếu mềm, nữ nhi thường tình, mà thật bản lĩnh, thật táo bạo. Các động từ mạnh “ xiên ngang, đâm toạc” đã cho thấy cái cựa mình cá tính, mạnh mẽ của Xuân Hương, như muốn đứng lên quật thẳng những đòn trả gay gắt vào bộ mắt giả dối, thối nát của xã hội cũ. Đây mới thực là gương mặt nghệ thuật của Xuân Hương, một cá tính thơ không thể trộn lẫn, một phong cách thơ mà như ai đó từng nhận xét “ Thơ Xuân Hương, trong thơ có quỷ”.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”.

       “Mảnh tình” đã mỏng manh, bất chắc, lại phải san sẻ, chia cắt “tí con con”, lời thơ như phác ra cảnh tượng trong xã hội cũ khi mà “trai năm thê bảy thiếp...”. Cảnh tượng đã từng được Xuân Hương đề cập nhiều lần trong thế giới nghệ thuật của bà:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”.

        Như vậy, thông qua Tự Tình 2 ta thấy hiện lên hình ảnh người phụ nữ vừa khát khao hạnh phúc, tình yêu chân chính trọn vẹn, lại đồng thời thấy hiện lên hình ảnh người phụ nữ táo bạo, mạnh mẽ, đầy cá tính, nổi loạn. Đó chính là vẻ đẹp vừa truyền thống duyên dáng, mà cũng đầy hiện đại táo bạo của hình ảnh người phụ nữ trong thơ Xuân Hương.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021