logo

Mở bài Tự tình 2 (Top 10 bài mẫu)

          Hồ Xuân Hương là một cá tính thơ độc đáo, nổi loạn. Nhưng  thẳm sâu bên trong bà, cũng là một trái tim với niềm khát khao hạnh phúc, khát khao tình yêu chân chính như bao người phụ nữ khác trong xã hội cũ. Tự tình 2 là bài thơ thể hiện sự hòa hợp của hai thái cực ấy. Hãy cùng tham khảo cách mở bài của Tự Tình 2 dưới đây nhé.

Mở bài Tự tình (Top 3 bài mẫu) | Văn mẫu 11 hay nhất

Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 1

Tự Tình 2 dường như là lời tự hát của Xuân Hương về nỗi đau của thân phận mình, đồng thời cũng là những dòng thơ giãi bày chân thành, xúc động những khát khao hạnh phúc của người phụ nữ muôn thuở. Có lẽ vì thế chăng mà không chỉ Tự tình 2, cả 3 bài thơ trong chùm thơ Tự Tình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 2

Xuân Hương là một cá tính thơ độc đáo, nổi loạn, những câu thơ đã tạc nên hình tượng bà chúa thơ Nôm độc nhất vô nhị trên văn đàn văn học Việt Nam. Tự tình 2 cũng là những dòng thơ, là những lời hát về nỗi đau của kiếp hồng nhan bạc phận, nhưng cũng đồng thời ở đó ta vẫn thấy một Xuân Hương sắc sảo, bản lĩnh, muốn quẫy đạp, vượt ra khỏi ao bèo phong kiến.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 3

Văn học trung đại là thời kì mà cái tôi bị kiềm tỏa,  được gọi là văn học phi ngã. Ấy thế nhưng, ngay trong dòng chảy của văn học thời kì này, Xuân Hương vẫn lưu lại một dấu ấn thơ riêng, thể hiện rõ gương mặt nghệ thuật của một bà chúa thơ Nôm. Tự tình 2 là một trong những bài thơ thể hiện xuất sắc cá tính mạnh mẽ, nổi loạn ấy của bà.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 4

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là “bà chúa thơ nôm”. Bà là một “thiên tài kì nữ” nhưng cuộc đời đầy éo le, bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ trước duyên phận, cuộc đời mình là “Tự tình” (II). Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 5

Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Mỗi bài thơ là tiếng hát của trái tim, là những cảm xúc chân thành mà mãnh liệt của người nghệ sĩ. Bởi vậy, Diệp Tiến cho rằng, “thơ là tiếng lòng”. Trong số những “ tiếng lòng” trong thơ, ta bắt gặp nỗi lòng người phụ nữ sống trong xã hội xưa đầy xót xa, tủi hổ, nổi bật là Hồ Xuân Hương với tác phẩm “ Tự tình II”.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 6

Xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là một xã hội phong kiến đầy bất công đối với những thân phận nhỏ bé, đặc biệt là người phụ nữ. Nỗi tủi nhục, đau đớn trước số phân truân chuyên trong tình yêu cũng là một chủ đề trong thơ ca trung đại dưới ngòi bút xót thương của những người thi nhân biết đồng cảm. Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài danh thời ấy nhưng gặp nhiều trắc trở trong tình yêu, hôn nhân. Tự tình là một bài thơ đặc sắc thể hiện nỗi đau buồn tủi trước thân phận éo le của mình. Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ đi từ cô đơn, buồn tủi, đau đớn đến uất ức muốn vùng lên đấu tranh nhưng rồi lại trở lại sự buồn tủi không lối thoát.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 7

Một nhà phê bình văn chương nổi tiếng đã từng đưa ra một quy luật : “Văn chương, thơ ca là tấm gương phản chiếu của tâm hồn, là tiếng nói tình cảm của nhân loại, là những rung động của trái tim trước cuộc đời tươi đẹp. Những giá trị tinh thần mà văn chương, thơ ca đem lại, đã thoát khỏi cái quy luật băng hoại của thời gian, để trường tồn mãi mãi”. Không nằm ngoài quy luật đó, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng muốn để lại cho hậu thế những tác phẩm hoàn mỹ, đạt đến sự xuất sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất là bài thơ “Tự Tình 2” – Là tiếng nói thương cảm đối với số phận hẩm hiu của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, đồng thời để cao vẻ đẹp và khát vọng sống của họ.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 8

Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài ba ở nước ta vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Ngoài tập “Lưu Hương kí” bà còn để lại khoảng 50 bài thơ Nôm, phần lớn là thơ đa nghĩa, vừa có nghĩa thanh vừa có nghĩa tục. Một số bài thơ trữ tình đằm thắm, thiết tha, buồn tủi… thể hiện sâu sắc thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, với bao khao khát sống và hạnh phúc tình duyên. Chùm thơ “Tự tình” phản ánh tâm tư tình cảm của Hồ Xuân Hương, của một người phụ nữ lỡ thì quá lứa, duyên phận hẩm hiu,… Bài thơi này là bài thứ hai trong chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 9

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những cái tên sáng của làng thơ Việt Nam. Trong số khá nhiều tác phẩm mà bà để lại, tả cảnh ngụ tình chính là phong cách sáng tác chủ đạo. Những bài thơ của Hồ Xuân Hương hầu hết đầu nói về vẻ đẹp đức hạnh, sự hi sinh, thân phận mỏng manh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khắc nghiệt. Trong đó, “Tự tình 2” cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách chủ đạo này.


Mở bài bài thơ Tự tình - Bài mẫu 10

Từ lâu, thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa đã gắn liền với thân phận bèo bọt, trôi nổi, bất hạnh. Có lẽ, ai cũng đã từng khóc thương tha thiết cho nàng Kiều tài hoa mà bạc mệnh, từng ấm ức thay cho nỗi oan khuất thấu tận trời xanh của Vũ Nương. Và giờ đây, khi đến với tác phẩm “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương, ta lại thêm phần xót thương cho thận phận trôi nổi của người phụ nữ trong xã hội Phong kiến xưa. Bài thơ là tiếng lòng chất đầy nỗi niềm sâu kín của nữ thi sĩ.

Xem thêm: Kết bài Tự tình (Top 10 bài mẫu)

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 10/11/2021