Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có quan niệm văn chương mới mẻ, ông đã thực sự gây được tiếng vang mạnh mẽ, đánh dấu sự tìm tòi, đổi mới không ngừng của nhà văn để tạo được chỗ đứng cho mình. Cùng tham khảo bài Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp để thấy được sự đổi mới về phản ánh hiện thực và con người của nhà văn nhé!
Mở bài: Giới Thiệu tác giả Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn “Tướng về hưu”, nêu khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Thân bài:
- Phản ánh xã hội đương thời với đúng bản chất của nó, không tô vẽ hay che lấp mặt trái.
→ Truyện thế sự: không gian gia đình và ko gian xã hội: đời sống sinh hoạt thường
nhật của con người với mọi “hỉ”, “nộ”, “ái”, “ố”:
- Con người cô đơn: Ông Thuấn từ chiến khu trở về, mặc dù được bạn bè, hàng xóm tôn trọng, kính nể và đến thăm hỏi thường xuyên nhưng ông vẫn cô đơn, lạc lõng trong gia đình mình.
- Quen với nếp sống và giá trị truyền thống, ông Thuấn không thể hòa nhập với xã hội đương thời rối ren, giá trị đồng tiền quyết định giá trị đạo đức con người.
- Những nhân vật đáng thương hơn đáng trách: Ông Bổng trong “Tướng về hưu” lỗ mãng, táo tợn là thế vậy mà lại bật khóc vì được gọi là người: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”
=> Con người hiện lên với các giá trị nhân bản, nhiều mâu thuẫn, không còn “một mặt, tuyệt đối” như giai đoạn văn học trước.
+ Điểm nhìn trần thuật: Sự đa dạng, chuyển đổi liên tục điểm nhìn nghệ thuật.
+ Ngôn ngữ đối thoại: đối thoại hết sức ngắn gọn, chỉ đủ nêu thông tin, mang đậm tính liệt kê. Tạo giọng điệu lạnh lùng, khách quan…
+ Kết cấu phân mảnh phá vỡ lối kết cấu truyền thống trước đây, không chú trọng trình tự sự kiện. Ở “Tướng về hưu” ta thấy các câu chuyện rời rạc được kể liền mạch bởi nhân vật tôi.
– Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.
Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.
Như một quy luật tất yếu, văn học luôn có xu hướng thay đổi tìm đến những cái mới, hiện đại. Văn học đòi hỏi nhà văn phải có những tìm tòi và cách tân mới để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người đọc, đáp ứng nhu cầu tồn tại của nghệ thuật. Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp đã thực sự gây được tiếng vang mạnh mẽ, đánh dấu sự tìm tòi, đổi mới không ngừng của nhà văn để tạo được chỗ đứng cho mình. Truyện ngắn “Tướng về hưu” đã cho người đọc thấy được những cách tân độc đáo của tác giả về khám phá mới mẻ về hiện thực và con người cũng như lối viết văn mang đậm màu sắc hậu hiện đại.
Truyện kể về ông tướng từ chiến khu trở về với cuộc sống đời thường trong gia đình. Sự đối lập giữa giá trị sống của xã hội hiện tại với những giá trị truyền thống xưa khiến ông trở nên lạc lõng, cô đơn ngay trong gia đình mình. Chính từ góc nhìn của ông, xã hội hiện lên với sự băng hoại của đạo đức, tồn tại những “điểm đen” khiến người đọc phải trăn trở. Trong Tướng về hưu, người ta thấy bức tranh hỗn độn của đời sống mới mà ở đó cha con sẵn sàng đâm chém nhau, bố chồng tống cổ con dâu ra khỏi nhà, vợ công khai ngoại tình trước mặt chồng, mối quan hệ họ hàng trở nên xa lạ, cả năm chẳng qua lại lấy một lần chỉ trừ những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ. Rồi ngay cả lúc đưa người chết về với cát bụi người ta vẫn đùa cợt, vẫn tính toán thật tài tình. Đáng buồn biết bao khi người ta sống với nhau không phải bằng tấm lòng chân thật, bằng tình thương yêu và gắn bó mà mọi thứ được ngụy trang rất khéo để nhìn vào đó người ta thấy được một mối quan hệ êm thấm, tốt đẹp. Tất cả được che đậy bằng thói đạo đức giả, bằng sự vụ lợi đến đáng sợ. Đứa con của ông Thuấn - nhân vật tôi - hiện lên với người tri thức trẻ nhưng nhu nhược, mọi chuyện để vợ quản lý hết. Điều này cũng gây ra đau đớn cho ông tướng khi tận mắt chứng kiến các nhau thai nhi bị đưa làm thức ăn cho đàn chó béc - giê. Ông không thể nào chấp nhận được đồng tiền kiếm ra, sự sung túc hiện tại được tạo ra bằng công việc vô đạo đức như vậy. Vậy mà đứa con ông vẫn thản nhiên và để mọi việc tùy ý vợ. Quá “sốc” và không thể hòa nhập với cuộc sống này, ông lựa chọn quay lại chiến khu và kết thúc cuộc đời của mình ở nơi đó. Ông không muốn sống trong gia đình rối loạn, bị tha hoá vì đồng tiền của mình, sự quay lại chiến khu cũng chính là con đường giải thoát cho ông.
Nguyễn Huy Thiệp còn xây dựng nhân vật đa diện, len lỏi vào những nơi sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù là nhỏ nhất nơi tâm hồn họ. Ông Bổng trong “Tướng về hưu” lỗ mãng, táo tợn là thế vậy mà lại bật khóc vì được gọi là người: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Như vậy, ông Bổng là người đáng thương hơn đáng trách. Chính xã hội đã khiến ông trở thành như vậy, ông cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Truyện ngắn đã cho người đọc thấy được “Cuộc đời đa sự, con người đa đoan”, khả năng khám phá và phát hiện mới mẻ của Nguyễn Huy Thiệp.
Lối viết hậu hiện đại cũng là một trong những giá trị quan trọng của truyện “Tướng về hưu”. Tác giả lựa chọn “sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn”, mặc dù chuyện được kể theo ngôi thứ nhất nhưng tác giả liên tục trao điểm nhìn, lời kể cho các nhân vật khác: ông Thuấn, Lài, ông Bổng, ông Cơ… tạo giọng điệu đa thanh cho tác phẩm. Kết cấu truyện phân mảnh, như được dán ghép từ các câu chuyện nhỏ cũng là nét độc đáo trong truyện ngắn. “Tướng về hưu” không theo mạch truyện thống nhất từ đầu đến cuối mà đan xen qua lại giữa những hồi tưởng của Thuần về những sự kiện lớn nhỏ trong gia đình sau khi cha anh mất. Việc lựa chọn sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn; tạo ngôn ngữ đầy cá tính, riêng biệt cho mỗi nhân vật; xây dựng cốt truyện độc đáo mới mẻ đã khiến cho những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp gần gũi hơn với độc giả, lột tả được đến cùng chân tướng của sự việc, khái quát được những chân lí giản dị của đời sống hàng ngày.
Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã chứng tỏ được tài năng, cá tính cũng như những nỗ lực của ông để đổi mới văn học, tạo ra cái nhìn có chiều sâu về cuộc sống, về con người. Mọi vấn đề của đời sống xã hội với những xung đột, những mâu thuẫn, sự tha hóa... đã được Nguyễn Huy Thiệp đào sâu, khám phá dưới góc độ thế sự - đời tư nhằm đem đến cho độc giả góc nhìn chân thực về cuộc đời.