Bài thơ “Tây Tiến” được xem là kiệt tác của nhà thơ Quang Dũng. Tác phẩm là sự tổng hòa của vẻ đẹp đất trời Tây Bắc và vẻ đẹp của người lính trong chiến đấu và trong cuộc sống đời thường.
Đề bài: Phân tích khúc tình ca lãng tử qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến của Quang Dũng:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa...Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
I. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm, tác giả:
- Bài thơ “Tây Tiến” do Quang Dũng sáng tác năm 1948.
- Bài thơ miêu tả hình ảnh người lính bi tráng và lãng mạn.
II. Thân bài
1. Giới thiệu đoàn quân Tây Tiến và phần đầu bài thơ
- Đoàn quân do Quang Dũng là đại đội trưởng, địa bàn hoạt động là các tỉnh Tây Bắc.
- Đoạn đầu bài thơ là nỗi nhớ của nhà thơ về chặng đường hành quân.
2. Phân tích đoạn “Doanh trại bừng lên … xây hồn thơ”
- Từ “bừng’, “kìa em”: thể hiện sự bất ngờ.
- Tác giả không dùng tính từ miêu tả âm thanh ánh sáng nhưng vẫn truyền tải đươc không khí tưng bừng của lễ hội.
3. Phân tích đoạn “Người đi Châu Mộc…hoa đung đưa”
- Đoạn thơ có sự chuyển từ khung cảnh náo nhiệt sang trữ tình, sâu lắng.
- Thiên nhiên và con người hòa quyện, thể hiện tâm hồn sâu sắc, rung cảm.
- Trong tám câu, tác giả sử dụng thanh bằng cho 5 câu cuối tạo nên sự êm đềm nhẹ nhàng.
III. Kết luận
- Nhà thơ Quang Dũng mang khí chất hào hoa lãng mạn điển hình thanh niên trí thức Hà Nội.
- Xây dựng hình ảnh người lính mới mẻ: anh dũng, kiên cường nhưng giàu cảm xúc.
Bài thơ “Tây Tiến” là tác phẩm nổi tiếng do Quang Dũng sáng tác năm 1948 sau khi ông rời đoàn quân Tây Tiến nhận nhiệm vụ mới. Bài thơ được ông lấy chất liệu từ chính những trải nghiệm của bản thân trong quá trình tham gia đoàn quân. Tác phẩm là bản anh hùng ca về người lính nổi tiếng bởi chất bi tráng mà không kém phần lãng mạn.
Đoàn quân Tây Tiến do Quang Dũng là Đại đội trưởng, được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào; có địa bàn hoạt động gồm các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình… Ở đoạn đầu tiên, tác giả đã khắc họa nỗi nhớ những ngày hành quân gian nan trắc trở bởi địa hình tự nhiên vùng cao, nhưng câu chuyển tiếp khi kết đoạn thì lại nhẹ bẫng:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Với câu kết mang đậm hơi thở cuộc sống, Quang Dũng đã chuyển bối cảnh hết sức mượt mà từ chặng đường hành quân khắc nghiệt sang một đêm văn nghệ giao lưu giữa các chiến sĩ với đồng bào địa phương:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”
Chỉ với từ “bừng” thể hiện tính đột ngột, bất ngờ, ta tưởng như đang đứng giữa đêm tối thì đột nhiên cả vùng đất xung quanh sáng rực lên một cách kỳ diệu. Tác giả đã sử dụng cụm từ độc đáo “hội đuốc hoa” vừa gợi nên ánh sáng lung linh huyền ảo được thắp bởi vô số ngọn đuốc, vừa mở ra bầu không khí sum vầy náo nhiệt, đây không đơn thuần là một buổi giao lưu văn nghệ mà thực sự là đêm hội của những chàng trai cô gái. Từ “bừng” ở câu thơ trên phối hợp với “kìa em” ở câu dưới và lời tự vấn “xiêm áo tự bao giờ” như những reo vui bất ngờ nối tiếp. Khoác lên mình bộ váy áo rực rỡ sắc màu đặc trưng của dân tộc miền núi, cô gái bình dị ngày thường bỗng trở nên xinh đẹp lạ lùng, cùng với điệu khúc dân gian và khuôn mặt “nàng e ấp” thẹn thùng dịu dàng khiến chàng lính trẻ hào hoa phải ngỡ ngàng tưởng như trong mộng “xây hồn thơ”, gợi nên những rung cảm và ấp ủ về viễn cảnh tương lai.
Với ngòi bút tài hoa và đôi mắt thi vị hóa, tác giả không sử dụng từ ngữ miêu tả trực tiếp khung cảnh đêm nhạc nhưng vẫn truyền tải được không khí hội hè vui tươi, sôi nổi với ánh sáng mê hoặc, âm thanh rộn ràng cùng những vũ điệu uyển chuyển và ánh mắt tình tứ say đắm lòng người.
Nếu ở đoạn trước là “hội đuốc hoa” trong đêm tráng lệ lộng lẫy thì đoạn sau lại là một buổi chiều Tây Bắc nên thơ:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chỉ với bốn câu thơ, Quang Dũng đã vẽ nên bức tranh đầy mộng ảo: trong sương chiều bảng lảng của núi đồi, dòng sông lững lờ trôi, ngọn lau phơ phất, những cánh hoa rơi điểm xuyết trên mặt nước là dáng hình cô gái duyên dáng, thanh tao trên chiếc thuyền độc mộc. Con người và thiên nhiên hòa quyện tạo nên bức tranh thủy mặc động mà tĩnh, tĩnh mà động. Đó không chỉ là cảnh sắc núi rừng mà là cảnh sắc tâm hồn, khi hồn người và hồn cây ngọn cỏ đã hòa nhịp đồng điệu. Tác giả miêu tả “hồn lau nẻo bến bờ”, cũng chính là hồn người vương vấn cảnh sắc thiên nhiên an tĩnh của đất trời Tây Bắc.
Quang Dũng đã đem đến sự đối lập qua hai đoạn thơ tám câu. Nếu ba câu đầu là những thanh trắc với nhịp thơ nhanh và sôi động thì năm câu thơ sau chủ yếu là thanh bằng đem lại cảm giác nhẹ nhàng mênh mang khiến lòng người dịu lại. Tám câu thơ tựa như khúc nhạc từ rộn rã hân hoan chuyển sang giai điệu êm đềm sâu lắng; tựa như dòng thác cao mạnh mẽ cuồn cuộn đổ xuống thành dòng nước êm ả nhẹ trôi.
Hai đoạn thơ nằm giữa bài như nốt nhạc lặng làm nhẹ đi những khó khăn hiểm trở mà người lính phải đối mặt. Trong cuộc chiến khắc nghiệt của đất nước, những người lính trẻ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vẫn không mất đi bản chất yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thơ nhạc và tinh thần lạc quan hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc. Đó là vẻ đẹp rất chân thực, rất đời.
Đoàn quân Tây Tiến có rất nhiều người là thành phần trí thức Hà Nội, trong đó có cả Quang Dũng. Do đó ông đã nhìn cuộc đời người lính bằng đôi mắt hào hoa lãng tử của một thanh niên đất Hà thành, yêu đời, yêu cái đẹp, yêu con người. Qua bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã khắc họa chân dung người lính ở một khía cạnh mới: anh dũng, kiên cường, gan dạ trong cuộc chiến; nhưng đồng thời cũng rất lãng mạn, giàu cảm xúc trong cuộc đời.