Đoạn trích “Hai gia đình và xã hội” được trích trong tiểu thuyết “số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm đã cho ta thấy những vấn đề như: dùng trang phục đánh giá con người và cũng như những con người hai mặt của xã hội. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm nhé!
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Thân bài
- Vấn đề 1: Một xã hội mà con người đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài, quần áo: “mỗi một người bằng lòng may một bộ y phục tân thời, thế là nước nhà có thêm một người tiến bộ”. - lời nói của nhà Thẩm mỹ.
- Vấn đề 2: Phản ánh một xã hội giả dối, hai mặt: Nhà thẩm mỹ và nhà báo một mặt thì nói cải cách tân thời, nhưng lại cấm vợ tân thời vì cho rằng: “ta nên chia gia đình và xã hội ra làm hai”
3. Kết bài
- Khẳng định vấn đề nghị luận
- Nêu vai trò của tác giả, tác phẩm.
Vũ Trọng Phụng là một trong những đại diện xuất sắc nhất của trào lưu hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, các tác phẩm của ông bao gồm truyện ngắn, phóng sự, kịch, tiểu thuyết, luôn đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của xã hội đương thời với cái nhìn bao quát, sâu rộng và giọng văn sắc sảo có phần đắng cay, chua chát. Tiểu thuyết “số đỏ” kể về hành trình Xuân tóc đỏ từ đứa trẻ mồ côi, thất học, lang thang đầu đường xó chợ với mái tóc đỏ hoe, trải qua nhiều nghề kiếm sống đến lúc bước chân thành công vào giới thượng lưu ở Hà Nội bằng sự tinh ranh, lọc lõi và một chút “thời”. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đả kích những phong trào được thực dân khuyến khích như: phong trào Âu hoá, thể dục thể thao, chấn hưng Phật giáo... Sự thành công của tác giả còn ở việc đã xây dựng được những nhân vật trở thành điển hình về mặt tâm lý xã hội mà cho đến tận hôm nay bóng dáng những nhân vật ấy vẫn còn đâu đó quanh ta. Đoạn trích “Hai gia đình và xã hội” được trích trong tiểu thuyết “số đỏ” cũng đã cho ta thấy những vấn đề như: dùng trang phục đánh giá con người và cũng như những con người hai mặt của xã hội.
Một xã hội tưởng chừng rất văn minh nhưng lại dùng quần áo để đánh giá con người, khiến những bộ y phục mang những ý nghĩa hết sức dị hợm: “hở cách tay và hở cổ là dậy thì”, “hở nách và hở nửa vú là ngây thơ”. Đó là một sự cách tân vớ vẩn, mù quáng chạy theo Âu hóa mà không có chọn lọc. Cách tác giả khiến Xuân “Vì trong óc nó có sẵn thành kiến, cái gì nhố nhăng thì mới là tân thời”, như đại diện cho toàn bộ con người xã hội thời bấy giờ, mất đi cái vẻ đẹp truyền thống, cho rằng phong cách bên ngoài mới thể hiện được cái hiện đại, hợp thời, không lỗi mốt và đáng phải học hỏi, giống như nhà thẩm mỹ nhận xét mỗi một người bằng lòng may một bộ y phục tân thời, thế là nước nhà có thêm một người tiến bộ” . Một xã hội chạy theo sự hào nhoáng, phô trương, phóng đãng nhưng tự cho mình không cổ hủ, luôn bắt kịp xu hướng không chỉ xảy ra trong thời bấy giờ mà còn tận ngày nay. Vũ Trọng Phụng từng khẳng định: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời". Kỳ thực, văn chương chính là đời sống, chính là góc nhìn chân thật nhất của tác giả đối với sự đời. Bằng tài năng của mình ông đã phê phán thành công một xã hội chạy theo tiền bạc và tham vọng.
Đây còn là một xã hội đầy sự hai mặt trong như một con cáo già tham lam. Những người trong xã hội này có tính cách cổ hủ nhưng lại cho mình làm ra cái vẻ hiện đại, cách tân thứ thiệt. Nhà thẩm mỹ đã được nhà văn xây dựng một cách vô cùng độc đáo của một kẻ sống giả dối. Ban đầu, nhà thẩm mỹ nói với Xuân: “Anh phải nhớ kỹ rằng hôm nay trở đi, anh đã dự một phần vào công cuộc cải cách xã hội rồi. Từ đây mà đi, xã hội văn minh hay dã man là trách nhiệm ở anh!” rồi chỉ cho anh ta những kiểu “gu” nhằm mục đích bán hàng. Tuy nhiên khi vợ mình cũng hỏi mua thì nhà thẩm mỹ lại bảo: “ người khác thì được, mà mợ, mợ là vợ tôi, thì mợ không thể tân thời như người khác được!” Ông Typn, một người tự cho là “yêu phụ nữ”, tự cho mình cái quyền cách tân hiện đại giúp cho xã hội văn minh hơn nhưng lại sẵn sàng quát tháo, cấm đoán vợ mình không được bắt chước theo. Phải chăng chính ông ta cũng không cảm nổi cái mà ông cho là tân thời? Để rồi nhà báo củng cố quan điểm của ông thẩm mỹ: “ta nên chia gia đình và xã hội ra làm hai”. Vậy nên, những gì ông Typn làm cũng chỉ là theo lối Tây hóa mù quáng, không có chọn lọc. Bản thân ông ta cũng không thích nhưng vì lợi nhuận, vì tiền bạc, danh vọng mà ông thẩm mỹ không tiếc làm màu mè, chỉ để hợp với cái gọi là “đuổi theo xu hướng thời đại” một cách giả dối. Ông Typn và ông nhà báo cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho lớp người tham lam, sẵn sàng làm trái lương tâm vì lợi nhuận, danh lợi. Tác giả đã thành công khi sử dụng nghệ thuật trào phúng để dựng nên một cốt truyện đầy tính châm biếm này.
Sử dụng lối tương phản giữa cái đồi bại, thối nát vô luân với cái hài, cái trào phúng đã giúp cuốn tiểu thuyết thành công trong việc lột trần những màn kịch thời đại trong buổi giao thời. Từ đó, tác phẩm cũng đã đả kích cay độc cái xã hội tư sản bịp bợm, đang chạy theo lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng thối nát. Vũ Trọng Phụng sáng tạo ra hàng loạt tình tiết, tình huống hài hước và các bức ký họa, biếm họa rất độc đáo và sinh động. Tác giả đã phát hiện ra một cách nhìn chính xác, sâu sắc bản chất và quy luật khách quan của xã hội đương thời.
Vũ Trọng Phụng quả là nhà văn thiên tài đối với nước ta. Dù ông đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng con mắt tinh tường, sự thấu hiểu và giọng văn đấy trào phúng, ông đã thành công khắc họa một xã hội như một màn kịch hài châm biếm với những diễn viên hết sự nực cười. Điều đó đã góp phần thành công của tiểu thuyết “Số đỏ” cũng như đoạn trích “Hai gia đình và xã hội”.