Năm 1952, nhà văn Tô Hoài có chuyến đi Tây Bắc tám tháng. Mảnh đất và con người Tây Bắc để thương để nhớ và là nguồn cảm hứng khiến ông sáng tác tập truyện “Truyện Tây Bắc” một năm sau đó. “Vợ chồng A Phủ” là một trong những tác phẩm thuộc tập truyện này.
Bàn luận về kẻ cầm quyền qua hai nhân vật Thống lí Pá Tra và A Sử
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Các nhân vật trong truyện đều được ông lấy cảm hứng từ nguyên mẫu cộng đồng dân tộc Mèo mà ông có dịp tiếp xúc hoặc biết đến. Trong đó, đại diện cho thế lực cầm quyền là cha con Thống lí Pá Tra và A Sử.
Thống lí là chức vụ có quyền lực cao nhất do Đế quốc Pháp đặt ra để cai trị người dân vùng núi Tây Bắc, được kế tục theo hình thức cha truyền con nối, thường dành cho một dòng họ có thế lực nhất vùng. Do vậy, bản chất Pá Tra và A Sử là tay sai cho Pháp, là bọn bán nước, phản bội đồng bào để đổi lấy tiền và quyền. Chúng làm giàu bằng mọi cách: bóc lột của dân làng, bán muối của Pháp cho, thậm chí cho dân vay nặng lãi đến nỗi phải trả từ đời cha sang đời con vẫn chưa hết nợ như trường hợp gia đình Mị. Chúng đã xây dựng cuộc sống giàu sang trên chính mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của đồng bào.
Bên cạnh đó, Pá Tra và A Sử có đời sống rất trụy lạc. Qua chi tiết nhà chúng có “nhiều thuốc phiện nhất làng” và những lần chúng hút thuốc phiện “rào rào”, thậm chí vừa hút vừa hành hạ người khác, hành động của chúng tỉnh táo đến mức khiến người đọc phải rùng mình căm sợ.
Tuy nhiên, sự tham lam và đam mê quyền lực của Pá Tra và A Sử không thể khiến người đọc rùng mình bằng sự tàn ác, thâm độc và xảo trá của chúng. Nhằm củng cố quyền cai trị, chúng không từ thủ đoạn để áp bức người dân, trong đó chủ yếu sử dụng hai yếu tố là tín ngưỡng và vũ lực.
Văn hóa tâm linh có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc miền núi. Họ tôn thờ tín ngưỡng của mình và quan niệm rằng không được chống lại thần linh. Do đó, khi A Sử nói với bố Mị rằng hắn đã đem Mị về cúng trình ma thì bố con Mị đành phải buông xuôi chấp nhận. Với câu kể “tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa”, Tô Hoài đã truyền tải không khí nghi thức cúng trình ma đầy u ám và có phần rùng rợn. Tương tự như Mị, A Phủ cũng bị bắt ép làm con nợ mà không thể chống đối bởi Pá Tra đã cúng khấn ma “về nhận mặt người vay nợ”. Cha con Pá Tra đã rất xảo quyệt khi sử dụng đức tin là công cụ để giam cầm người dân, khiến họ không còn ý chí phản kháng. Những con người thấp cổ bé họng không thể tìm tự do cho chính mình bởi họ đã bị trói buộc tâm trí bởi tín ngưỡng truyền thống.
Cha con Thống lí Pá Tra và A Sử có cùng chung dòng máu bạo tàn, vô nhân tính. Tên A Sử thấy Mị xinh đẹp nên bắt về làm vợ một cách ngang ngược, nhưng sau đó coi vợ không khác gì người ở, sau này lại còn “bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ”. Tuy nhiên, đáng sợ hơn hết là đoạn hắn trói Mị khi Mị muốn đi chơi ngày Tết. Tô Hoài đã miêu tả tỉ mỉ từng động tác của A Sử khi ấy – nắm, trói tay, trói đứng thân Mị, quấn tóc Mị lên cột khiến Mị không cúi, không nghiêng được đầu. Sự bình tĩnh, thản nhiên, chậm rãi và cẩn thận khi trói người vợ của chính mình khiến người đọc không khỏi ghê sợ.
Có thể nói A Sử đã kế thừa sự tàn nhẫn độc ác của cha mình là Thống lí Pá Tra. Pá Tra hành hạ A Phủ theo cái cách coi việc hành hạ người khác là thú tiêu khiển. Tô Hoài kể về diễn biến buổi xử lý A Phủ “cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút” cho thấy một “phiên tòa” vô nhân đạo ngập trong khói thuốc chẳng khác gì địa ngục trần gian. Ở vùng núi cao heo hút nơi mà pháp luật khó có thể chạm tới, Pá Tra tự cho mình cái quyền chà đạp chính đồng bào mình và phán xét người dân một cách vô lối.
Khi bị trói, Mị nhớ người ta kể rằng “đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến, vợ chết rồi”. Chi tiết này chứng tỏ “nhà dột từ nóc”, từ những đời trước gia đình Pá Tra đã sản sinh những tên hung hăng tàn ác, coi rẻ sinh mạng con người. Chúng chà đạp người dân không thương tiếc và xem họ như công cụ để vơ vét, hành hạ hay ở đợ không công cho gia đình chúng. Chúng bắt con gái nhà lành về làm vợ. Chúng bạo hành những ai trái ý chúng. Chúng gán cho người dân nghèo những món nợ cha truyền con nối “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Chúng khiến người ta phải trở thành nô lệ bởi những món nợ phi lý.
Thống lí Pá Tra và A Sử đã sử dụng vũ lực và tín ngưỡng để đàn áp người dân cả về thể xác lẫn tinh thần. Bối cảnh xã hội, tập tục địa phương và vị trí địa lý vùng cao xa xôi là tiền đề để cha con Pá Tra ngày càng lộng hành. Bọn chúng thủ đoạn, giảo hoạt, chuyên quyền, độc đoán, coi trời bằng vung, chà đạp nhân phẩm của chính đồng bào mình. Có thể nói Tô Hoài đã miêu tả chúng với sự căm ghét và khinh thường tột bậc. Đối lập với nhân vật Mị có nhiều phân đoạn nội tâm, Tô Hoài khắc họa cha con nhà thống lí chỉ toàn bằng hành động, một phần vì chúng chẳng khác gì quỷ dữ không có tâm hồn cảm xúc, một phần vì qua đó mới thấy được sự lạnh lùng tàn nhẫn của chúng.
Cha con Pá Tra là nhân vật điển hình của giai cấp thống trị miền núi Tây Bắc thời bấy giờ. Thông qua hai nhân vật này, tác giả đã phê phán gay gắt sự tàn bạo, vô nhân tính, vượt xa giá trị đạo đức làm người; đồng thời thể hiện nỗi bất bình với những tập tục cổ hủ, lạc hậu trói buộc tư tưởng con người.