Đề bài: Nhân vật Mị được xây dựng có hợp lý không qua câu: "Mị cam chịu, nhẫn nhục đến bạc nhược; mặt khác Mị lại kiên gan quyết liệt đến bướng bỉnh"
Bài làm
“Vợ chồng A Phủ” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Tô Hoài viết về những con người nơi vùng cao Tây Bắc. Các nhân vật trong truyện đã trở thành hình mẫu tiêu biểu của giai cấp thống trị và bị trị ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Nhân vật chính trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài là Mị, một cô gái nhà nghèo bị ép lấy con thống lí để gánh nợ thay cha. Xuyên suốt tác phẩm, ngòi bút của tác giả đã khai thác sâu sắc thế giới nội tâm của Mị. Có nhận xét rằng: “Mị cam chịu, nhẫn nhục đến bạc nhược; mặt khác Mị lại kiên gan quyết liệt đến bướng bỉnh”. Trong con người Mị tồn tại song song hai tính cách cam chịu và kiên cường, nhưng không hề mâu thuẫn.
Ngay từ đầu truyện, Tô Hoài đã để cho Mị xuất hiện với dáng vẻ lặng lẽ “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Không bi lụy, không sầu đau, chỉ là “buồn”, nhưng nỗi buồn ấy đã thấm vào cả người Mị, trở thành một phần của Mị, khiến Mị trở nên lầm lũi, cô độc, không thiết nói năng chuyện trò. Suốt nửa đầu truyện, tác giả luôn miêu tả hình ảnh Mị gắn liền với sự lặng lẽ, nhu nhược, khi thì “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, khi thì “tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm”.
Tưởng rằng một người “sống mòn” cho qua ngày như Mị sẽ mãi như thế “đến bao giờ chết thì thôi”, nhưng sau đó Mị lại có can đảm bỏ trốn khỏi nhà Thống lí Pá Tra. Tuy nhiên hành động táo bạo này lại không gây bất ngờ, bởi ngay từ đầu, Mị chưa bao giờ thỏa hiệp chấp nhận để bi kịch cuộc đời vùi dập mình. Trước khi xảy ra cao trào ở đoạn Mị cắt dây trói A Phủ và cùng A Phủ trốn đi, Mị đã có những lúc bộc lộ ý chí đấu tranh chống lại số phận, thể hiện qua ba lần: lần quyết định làm nương trả nợ thay bố, lần muốn tự tử và lần muốn đi chơi Tết.
Việc Mị làm nương ngô trả nợ thay cho bố không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà còn là phản ứng chống lại tư tưởng gả con để gán nợ vốn rất phổ biến thời phong kiến. Lúc này Mị mang hình ảnh thiếu nữ hiện đại, trẻ trung, chăm chỉ, đầy sức sống, giàu tự trọng, quyết không nhân nhượng trước hủ tục lạc hậu và chế độ thống trị bóc lột người dân nghèo.
Tuy vậy Mị vẫn không thể chống lại sức mạnh của cường quyền. Mị bị bắt cóc đem về làm vợ A Sử. Tác giả đã miêu tả sinh động diễn biến tâm lý và chuỗi hành động của cô gái trẻ khi rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã đó: bị bắt - cảm thấy bế tắc - khóc - muốn tự tử - cam chịu. Ngay ở giai đoạn này, hai con người đối lập tồn tại bên trong Mị đã bộc lộ: một mặt Mị muốn giải thoát khỏi số phận tủi nhục, nhưng một mặt Mị lại rất kiên cường tiếp tục sống. Tự tử là sự vùng vẫy muốn giải phóng bản thân một cách tiêu cực, do đó vừa là đấu tranh nhưng vừa là đầu hàng. Nhưng khi thấy bố khóc, Mị lại có hành động quyết đoán “ném lá ngón xuống đất”, đó lại là biểu hiện của sự mạnh mẽ được hun đúc bằng lòng hiếu thảo.
Lần thứ ba Mị thể hiện sự phản kháng là vào một ngày xuân, nghe tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Tiếng sáo đã đánh thức con người đang say ngủ trong Mị, Mị nhớ nhiều chuyện ngày xưa, nhớ mình thổi sáo hay như thế nào, nhớ những ngày Tết mình đã vui vẻ như thế nào. Ý thức dần trở về, Mị cay đắng nhận ra hoàn cảnh mình lúc này bi thảm biết mấy, ý nghĩ “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này sẽ ăn cho chết ngay” vụt qua đầu Mị. Nhưng lần này Mị không chỉ muốn chết. Mị tự nhủ “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”, Mị đã sửa soạn quấn tóc, lấy váy hoa để chuẩn bị ra ngoài chơi hội như ngày xưa.
Như vậy, chúng ta thấy ngay từ đầu mặc dù Mị sống cam chịu nhưng chưa bao giờ buông xuôi. Sâu thẳm bên trong Mị vẫn là cô gái nhiệt huyết, mạnh mẽ đối mặt với bi kịch cuộc đời mình.
Để lý giải được suy nghĩ nội tâm phức tạp của Mị, chúng ta phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của nhân vật. Mị vốn là cô gái thuần khiết như những cô gái khác cùng độ tuổi. Mị xinh đẹp, có tài thổi sáo thổi lá, tuy có người yêu rồi nhưng vẫn được nhiều chàng trai trong làng ngấp nghé. Ngày Tết, Mị vẫn hẹn hò, đi chơi như bao thiếu nữ khác. Một cô gái vô tư, yêu đời khi chẳng may rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã thì lại càng khó để vực dậy, dẫu ban đầu có ý định chống cự nhưng cuộc sống bế tắc khắc nghiệt dần dần khiến người ta chỉ có thể chịu đựng trong lặng lẽ.
Không phải do nhà Thống lí Pá Tra trói buộc Mị, mà chính Mị đã tự trói bản thân mình. Sau những lần phản kháng không thành, Mị từ bỏ ý định chống trả và thản nhiên chấp nhận sợi dây số phận đã tròng vào và buộc chặt mình với nhà Thống lí Pá Tra. Mị quen bị đánh, quen khổ, quen chịu đau đến mức thấy cái khổ, cái đau của người khác là điều rất đỗi bình thường. Mị vẫn có thể dửng dưng khi thấy A Phủ bị trói, “mà nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết đấy, cũng thế thôi”. Không phải Mị lạnh lùng vô cảm, mà vì Mị thấy sự đời không còn gì đáng để mình quan tâm. Nỗi bất hạnh lớn nhất của con người là không cảm xúc, không mục đích, không tương lai, khi đó họ chỉ “tồn tại” chứ không hề “sống”.
Tuy nhiên, những gì thuộc về bản chất thì không thể thay đổi. Trong lòng Mị vẫn tiềm tàng ngọn lửa khao khát tự do và được tự chủ sống cuộc đời mình muốn. Ngọn lửa ấy chỉ cần có chất xúc tác khơi vào thì nó sẽ bùng cháy ngày càng mãnh liệt, như đạo hiếu với cha, tiếng sáo gọi bạn ngày xuân, hay giọt nước mắt của A Phủ. Chính giọt nước mắt của A Phủ đã khiến Mị bừng tỉnh. Lòng thương hại, sự đồng cảm trỗi dậy lấn át nỗi sợ hãi đã đưa Mị đến hành động táo bạo là cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn đi. Chúng ta thấy Mị đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của chính mình. Ngày xưa Mị phản kháng bằng biện pháp tiêu cực là tự tử, nay Mị phản kháng bằng cách rời bỏ ngôi nhà địa ngục đó để tìm con đường hồi sinh chính mình.
Nhà văn Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Mị rất chân thực với mạch cảm xúc và hành động nhất quán, qua đó ta thấy dù trong hoàn cảnh tuyệt vọng, Mị vẫn nuôi trong mình sức sống bền bỉ, niềm tin, khao khát hạnh phúc và nghị lực mạnh mẽ, như nhận xét “một mặt Mị cam chịu, nhẫn nhục đến bạc nhược; mặt khác Mị lại kiên gan quyết liệt đến bướng bỉnh”.