logo

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật "Con chim quên tiếng hót" của Nguyễn Quang Sáng

      Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Nguyễn Quang Sáng là một ngòi bút sung sức với nhiều tác phẩm để đời như Chiếc lược ngà, Bạn hàng xóm, Chị xã đội trưởng, trong đó ông đi sâu khai thác những tình cảm đẹp đẽ của con người trong chiến tranh như tình cảm cha con, tình vợ chồng, tình làng nghĩa xóm. Sau chiến tranh ngòi bút của ông lại nặng tính thế sự khi truyền tải những thông điệp rất đời thường, chẳng hạn thông qua tác phẩm Con chim quên tiếng hót hay ông Năm Hạng. Đặc biệt thông qua tác phẩm đậm tính chất ngụ ngôn như Con chim quên tiếng hót nhà văn đã gửi gắm thông điệp ý nghĩa về cuộc đời. Một tác phẩm công trên cả hai phương diện về nội dung và nghệ thuật.

      Con chim quên tiếng hót xây dựng cốt truyện ngắn gọn, hàm súc, giàu sức biểu hiện. Tác phẩm chỉ vẻn vẹn trên hai trang giấy kể lại việc ông nội của nhân vật tôi có nuôi một con nhồng. Con nhồng biết nói những câu “chào khách”, “em ơi em”. Nhưng rồi những đứa trẻ nhỏ trong nhà dạy thêm nó những câu tục tĩu như “đồ đểu, cút đi”, nó nói miết thành quen và quên dần tiếng hót. Một hôm, quan huyện đến nhà, nó cất tiếng nói: “đồ đểu, cút đi”, vì sợ quan, ông nội đã đập chết ngay con nhồng. Sau cái chết của con nhồng bà rút ra lời răn dạy: “Cho nên, biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác, chết oan đó các con”.

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật "Con chim quên tiếng hót" của Nguyễn Quang Sáng

      Bằng một cốt truyện rất đơn giản, khai thác về một đề tài đời thường và có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, thông qua đó tác giả đã gửi gắm rất nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Bản thân mỗi người đừng bao giờ đánh mất tiếng nói của mình, giá trị của mình, nếu cứ mải chạy theo người khác, bắt chước người khác thì sẽ đánh mất đi chính bản thân mình và có thể chịu những hậu quả khó lường giống như chú nhồng trong câu chuyện. Câu chuyện ra đời cách đây ngót nghét vài chục năm nhưng những thông điệp giá trị của nó vẫn còn rất thời sự. Kết cục của con nhồng là hậu quả tất yếu của việc nói những lời không nên nói, nói mà không hiểu nội dung, con nhồng đáng thương ấy rất có thể là mỗi người chúng ta. Hãy biết soi mình vào con nhồng trong câu chuyện để học ăn, học nói cho phù hợp.

      Làm nên thành công về nội dung của tác phẩm không thể thiếu yếu tố nghệ thuật. Đặc sắc của chuyện con chim quên tiếng hót được tạo nên bởi nhiều yếu tố nghệ thuật: cốt truyện đơn giản nhưng có nhiều tình tiết lặp lại và có giá trị. Tiêu biểu là chi tiết con nhộng bắt chước tiếng người dạy nó, từ những câu nói văn hoá như chào khách, khoẻ không rồi đến những câu nói tục tĩu như đồ đểu, cút đi… và chính chi tiết này có tính chất thắt nút để thúc đẩy toàn bộ diễn biến truyện. Chi tiết này được sử dụng nhiều lần vừa có tác dụng gây ấn tượng, vừa thúc đẩy truyện, vừa tạo nên chủ âm của tác phẩm, đặc biệt là kết cấu. Kết thúc tác phẩm nhà văn buông một lời giáo huấn nhẹ nhàng nhưng thâm thuý và sâu sắc. Đó là một kiểu kết thúc bất ngờ, mang tính triết lý và là kiểu kết thúc kết tinh của một ngòi bút giàu chất trí tuệ, nó mở rộng ý nghĩa của câu chuyện, của tác phẩm, gợi ra những phương diện nào đó của cuộc đời, chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc của nhà văn về cuộc sống và con người.

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật "Con chim quên tiếng hót" của Nguyễn Quang Sáng (ảnh 2)

      Một điểm đặc sắc nữa trong tác phẩm chính là ngôn ngữ trần thuật và sử dụng những câu văn trần thuật. Ngôn ngữ trong chuyện là sự kết hợp linh hoạt giữa ngôn ngữ tả và kể. Nhân vật con nhộng không được dày công miêu tả như những tuyến nhân vật trên trang văn của nhà văn trước cách mạng nhưng vẫn có những điểm độc đáo riêng. Đó là con nhồng đẹp lạ lắm, giống như một cô công chúa khoác chiếc áo choàng đen, bộ lông mượt mà, viền quanh cổ là một đường màu trắng, như công chúa quấn qua cổ chiếc khăn bằng lông cừu, mỏ vàng và đôi chân cũng vàng. Những chi tiết miêu tả ngoại hình ấy đã gây ấn tượng trong lòng độc giả về một con nhồng đẹp. Rồi nhà văn tiếp tục kể về con nhồng với cái tài bắt chước, để rồi nó phải chuốc họa vào thân. Các câu văn trần thuật dài ngắn, có những câu cực ít từ nhưng lại có nhiều nội dung thông báo… đó là những điểm đặc sắc về nghệ thuật đã làm nên thành công của tác phẩm.

      Tóm lại “Con chim quên tiếng hót” là một truyện ngắn đậm chất thế sự độc đáo và đặc sắc của Nguyễn Quang Sáng. Thông qua tác phẩm chúng ta hiểu thêm về một ngòi bút trí tuệ, nội lực của một cây bút sung sức trong nền văn học Việt Nam.

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật "Con chim quên tiếng hót" của Nguyễn Quang Sáng. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 23/04/2023 - Cập nhật : 03/07/2023