logo

Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

Vì bất mãn, bế tắc trước xã hội phong kiến thối nát, Hồ Xuân Hương đã không ngại ngùng dùng thơ đập thẳng vào mặt, lôi tuột lớp mặt nạ giả tạo bọn của vua quan, nho lại, quân tử dỏm xuống, làm chủ đề bàn tán giữa nơi thanh thiên bạch nhật, trước dư luận của người đời. Sau đây, hãy cùng Toploigiai lên án bọn sư sãi, khoác lên mình bộ áo chân tu nhưng lại bỏ bê việc tụng niệm qua bài Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương nhé!


Dàn ý Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả Hồ Xuân Hương

- Giới thiệu nội dung chính bài thơ Chế sư

- Vào đề: Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

- Trích thơ

2. Thân bài

a. Giới thiệu phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Chế sư.

b. Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

- 2 câu đề: Bà đã khắc họa nên bức chân dung của họ một cách châm biếm, đầy sự giễu cợt Hai câu thơ là sự sỉ nhục, châm biếm vô cùng tài tình.

- 2 câu thực + 2 câu luận: Hồ Xuân Hương đã khắc họa nên bức tranh chốn tu hành tràn đầy sự hỗn loạn, tạp âm, không có một hệ thống, là một nơi che giấu những hành vi đồi bại, đáng xấu hổ, tủi nhục, đánh mất sự tôn nghiêm ở nơi linh thiêng, tôn giáo mà mình đang phụng sự.

- 2 câu kết: Hai câu thơ đã đưa sự châm biếm, chế giễu của Hồ Xuân Hương lên cực đỉnh.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật

- Nêu cảm nghĩ của bản thân

Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận định rằng: “Hồ Xuân Hương là một nhà thơ vào hạng có tài nhất trong văn học Việt Nam ta. Thơ Hồ Xuân Hương rất hay. Thơ Hồ Xuân Hương rất sống. Chính cái “rất sống” đó làm cho thơ Hồ Xuân Hương ở mãi trong lòng Nhân dân”. Cốt cách rất thực, rất đời ấy đã tạo nên nghệ thuật trào phúng trong thơ của bà. Bài thơ “Chế sư” là một tác phẩm xuất sắc, khắc họa nên thủ pháp nghệ thuật trào phúng tài tình của bà. Khi đất nước đang lâm nguy, suy thoái lại xuất hiện các tầng lớp ông sư bà vãi, bài thơ là lời châm biếm, lên án của bà đối với bọn sư sãi, khoác áo tu tâm nhưng lại bỏ bê việc tụng niệm.

“Chẳng phải Ngô chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc áo không tà.
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ,
Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha.
Tu lâu có nhẽ lên sư cụ,
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.”

Hồ Xuân Hương được biết đến là một tài năng văn học, không chỉ thơ mà cuộc đời bà luôn là một trong những chủ đề bí ẩn, thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Thơ của Hồ Xuân Hương chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc mà phức tạp, vừa phong tình nhưng cũng mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Bà luôn lên tiếng bênh vực cho dân thường, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Bà không phân biệt vua chúa, hiền nhân quân tử, bố cu, mẹ bĩm, mà sẵn sàng đứng lên, lên tiếng cho khát vọng tự do mãnh liệt của mình.

Chính vì mang một khí chất rất riêng, rất sống đã khái quát nên phong cách nghệ thuật trào phúng luôn chực chờ tuôn trào trong từng con chữ của nữ sĩ. Chất trào phúng được thể hiện trong bài thơ “Chế sư” đã khắc họa, lên án đối tượng, chủ đề rất riêng biệt, khác hẳn với các tác giả khác thường viết những bài thơ trào phúng về cuộc đời mình, hay châm biếm những hạng người xấu, thói hư tật xấu trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến thối nát. Bài thơ “Chế sư” là đã lên án, đả kích quyết liệt sâu sắc với những bọn sư sãi – những ông sư bà vãi tự phong trong thời kì xã hội đang suy thoái trầm trọng. Họ chọn cách lẩn tránh trách nhiệm, khoác lên mình những bộ áo chân tu nhưng tâm lại không tịnh, lòng không yên, hòa lẫn vào những thói tục nhằm kiếm chác. Qua bài thơ, có thể thấy Hồ Xuân Hương có một kiến thức rất sâu rộng và uyên bác, thậm chí cả về Phật giáo. Đặc biệt bài thơ chỉ lên án những bọn sư sãi, không hề có ý niệm phỉ báng Phật giáo.

“Chẳng phải Ngô chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc áo không tà.”

Hồ Xuân Hương đã thẳng tay tát vào bộ mặt đạo đức giả của bọn sư sãi. Bà đã khắc họa nên bức chân dung của họ một cách châm biếm, đầy sự giễu cợt “Đầu thì trọc lốc áo không tà”. Đầu thì trọc giống các vị sư, nhưng lại không khoác lên mình bộ áo có tà. Bà đặt bọn sư sãi ấy giữa mối quan hệ phức tạp xưa nay của nhân dân ta: Ngô – ta (quân giặc – đất nước). Có thể hiểu bọn sư sãi ấy chẳng phãi giặc nhưng cũng chẳng phải quân mình, khoác lên bộ áo chân tu nhưng lại hòa lẫn vào những thói tục trên đời. Hai câu thơ là sự sỉ nhục, châm biếm vô cùng tài tình.

Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Chế sư của Hồ Xuân Hương

“Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà”

Hồ Xuân Hương đã khắc họa nên bức tranh chốn tu hành tràn đầy sự hỗn loạn, không có một hệ thống, là một nơi che giấu những hành vi đồi bại, đáng xấu hổ, tủi nhục. Những món đồ được dâng lên cúng kiếng thì lại được trình bày một cách lộn xộn, không có tôn nghiêm, lễ giáo. Người “tu hành” thì lại không giữ cho mình tâm không tịnh, lòng không yên, lấy cớ ẩn mình đi tu nhưng thâm tâm vẫn chứa đầy những ham muốn, đồi bại, dung tục qua câu thơ “Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà”. Hành động đó như một lời sỉ nhục, đánh mất sự tôn nghiêm ở nơi linh thiêng, tôn giáo mà mình đang phụng sự.

“Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ,
Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha”

Hai câu thơ đã khắc họa nên một không gian thanh tịnh nhưng lại vô cũng hỗn độn, tạp nham. Tiu cảnh và chũm chọe được biết đến là hai loại hình nhạc cụ dân tộc Việt Nam ta. Âm thanh được khắc họa qua cách ngắt nhịp đặc biệt 2/2/3 và điệp ngữ “khi”, “giọng”, cho thấy một không gian chùa chiềng, thờ cúng đầy tạp âm: tiếng nhạc cụ, tiếng người hì, hì, hi ha”, tiếng thờ cúng, tụng kinh,… Những âm thanh hỗn tạp, tạp nham ấy đã đưa bức tranh tràn đầy sự ô nhiễm, ồn ã, mất đi sự thanh tịnh nơi cửa Phật thiêng liêng.

“Tu lâu có nhẽ lên sư cụ,
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà.”

Hai câu thơ đã đưa sự châm biếm, chế giễu của Hồ Xuân Hương lên cực đỉnh. “Tu lâu có nhẽ lên sư cụ”, bà đã thể hiện sự trào phúng, mỉa mai bọn sư sãi về việc tuy không tu tập một cách đàng hoàng, tịnh tâm nhưng tu lâu có thể sẽ lên sư cụ, lên một chức danh cao quý nhưng bản thân lại vô cùng thối nát, rẻ rách, tạp nham. “Ngất nghểu” có nghĩa là ngồi cao nhưng không vững. Bà chúa thơ Nôm ý muốn nói đến bọn sư sãi ấy cứ ngất nghểu trên tòa sen nọ ấy, cứ mãi ngồi trên đóa hoa sen cao quý, thanh tịnh nhưng tâm vẫn hòa lẫn vào những thói tục nhằm kiếm chác sẽ phải trả một cái giá sâu cay.

Ngòi bút trào phúng của Hồ Xuân Hương luôn mang một cái tôi mạnh mẽ, khao khát cuộc sống tự do một cách mãnh liệt. Bà không ngần ngại châm biếm, chế giễu, ghét cay ghét đắng những kẻ đạo đức giả, giả nhân quân tử kìm hãm quyền tự do con người. Đặc biệt là những kẻ tự tách mình ra khỏi cuộc sống, khi đất nước đang lâm nguy, hoạn nạn, giả danh tu tập nhưng thâm tâm lại chứa đựng những ham muốn dung tục. Bọn sư sãi ấy đang dần đánh mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật thanh tinh, thiêng liêng. 

Đọc thơ của Hồ Xuân Hương, ta càng thấm thía câu nói của Xuân Diệu: “Những nhà trào phúng vĩ đại không nhe răng ra mà cười, không chửi bằng lời nói, họ ném cả trái tim của họ, ném cả cuộc đời của họ vào cuộc đời, cũng như những nhà trữ tình vĩ đại. Trong xã hội cũ, thơ của họ thực chất là máu và nước mắt mặc cái áo trào phúng đó thôi”.

icon-date
Xuất bản : 16/12/2023 - Cập nhật : 16/12/2023