“Chiều xuân ở thôn Trừng Mại” là bài thoe xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Bảo. Dưới đây là bài văn phân tích bài thơ Chiều xuân ở thôn Trừng Mại.
Chiều xuân ở thôn Trừng Mại
Phân phất mưa phùn xâm xẩm bay
Mặc manh áo ngắn giục trâu cày
Nàng dâu sớm đã gieo dưa đó
Bà lão chiều còn xới đậu đây
Mía cạnh giậu tre đang nảy ngọn
Khoai trong đám cỏ đã xanh cây
Điền viên nghĩ thật nguồn vui thú
Dẫu chẳng “hành môn” đói cũng khuây.
(Nguyễn Bảo)
Vài nét về nhà thơ Nguyễn Bảo
Nguyễn Bảo 阮保 (1452 - 1502) hiệu Châu Khê, người làng Phương Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là làng Tri Lai, Thành phố Thái Bình). Lúc mới 20 tuổi, ông đậu Tiến sĩ khoa Nhâm thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) triều Lê Thánh Tông, được đặc cách cử làm Học sĩ tòa Đông các chuyên dạy các hoàng tử. Năm 1490, ông được cử làm Tả Tư giảng, giảng dạy cho Thái tử ở Tả Xuân đường. Ít lâu sau, ông ra làm Tham nghị ở Hải Dương. Năm 1495, Nguyễn Bảo lại về triều làm Tả thuyết thư, tiếp tục giảng dạy cho Thái tử. Có thể nói, ông đã dành hết tâm sức để dạy dỗ Thái tử Tranh (vua Lê Hiến Tông sau này), cũng vì thế, ông được Lê Thánh Tông rất sủng ái. Hiến Tông lên ngôi, ông được cử làm Lễ bộ Thượng thư (năm 1501), kiêm chức Thị độc Hàn lâm viện. Vào thời gian này, ông vâng sắc soạn bài minh để khắc vào bia ở am Hiển Thụy núi Phật Tích. Ông được trí sĩ sau đó và sống cuộc sống giản dị ở quê nhà, sau vài năm thì mất. Khi mất được truy tặng tước Thiếu Bảo.
Nguyễn Bảo viết về những miền quê với một tấm lòng yêu quê tha thiết. Người ta thấy những bức tranh với đường nét, màu sắc, âm thanh, có lúc giống như tranh thủy mặc, có lúc lại rất sống động như chính cuộc sống đang hiện ra trước mắt. Tâm hồn nhà thơ lắng nghe những biến động tinh vi nhất của cuộc sống và tự nhiên. Chỉ một tiếng gà, một làn khói lúc tinh sương, một chút mưa, một chút sấm cũng đủ để nhà thơ rung động. Nhưng để biến những chất liệu cuộc sống ấy thành thơ thì người ta cần đến một cái tài. Từ niềm yêu mến quê hương một cách giản dị, thơ Nguyễn Bảo đã phản ánh được phần nào những nét đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam, của những vùng quê nghèo nhưng chứa chan tình người. Con người thực sự đẹp trong lao động. Đó là vẻ đẹp của sự khỏe khoắn, dẻo dai. Nhà nghiên cứu Mai Cao Chương đã khái quát: “Thơ Nguyễn Bảo thể hiện một phong cách bình dị. các chi tiết miêu tả đều cụ thể, sinh dộng, giữ nguyên vẻ chất phác hồn nhiên của đời sống. Cảnh vật và con người trong thơ ông mang đậm nét của hình ảnh nông thôn quen thuộc, tình cảm của thơ ông cũng là tình cảm của con người gắn bó với làng mạc, ruộng đồng” [6]. Còn GS.Nguyễn Huệ Chi nhìn phong cách thơ Nguyễn Bảo trong diễn trình vận động hướng vào đời sống của văn chương cổ Việt Nam với những đánh giá xác đáng: “Nguyễn Bảo là một trong những nhà thơ viết về sinh hoạt nông thôn sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam” [7]. Đọc thêm
1. Mở bài: Khái quát về tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Bảo.
+ Là một nhà thơ xuất sắc ở thế kỉ XV
+ Thơ ca của ông có nội dung phong phú, bao gồm nhiều mảng đề tài lớn, như: đề tài viết về cảnh sắc những miền quê, đề tài viết về lịch sử - phong vật đất nước, đề tài viết về đời sống nông thôn…
- Giới thiệu bài thơ “ Chiều xuân ở thôn Trừng Mại”.
+ Bài thơ "Chiều xuân ở thôn Trừng Mại” là một tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Bảo.
+ Bài thơ đã vẽ lên bức tranh làng quê vào một buổi chiều xuân với những hình ảnh quen thuộc, mộc mạc: mưa phùn, trâu cày, gieo dưa, xới đậu, mía nảy ngọn, khoai xanh cây. + Thể hiện tấm lòng yêu quê hương, gắn bó sâu đậm của thi nhân.
- Phân tích bài thơ
+ Câu thơ mở đầu: Khái quát khung cảnh bức tranh thiên nhiên- mùa xuân, với nét đặc trưng của mùa xuân là mưa xuân phân phất, kết hợp nghệ thuật đảo ngữ.
+ Hình ảnh con người lao động hiện lên giaen dì gần gũi
- Áo manh mỏng-> cuộc sống vất vả
- Công việc: giục trâu cày, gieo dưa, xới đất
- Hình ảnh: nàng dâu, mẹ già
- Thời gian: sớm, chiều
-> sự gắn bó, tần tảo chịu thương chịu khó của người lao động
+ Hình ảnh cảnh vật: mía và khoai
"Đang nảy ngọn” , “đã xanh cây”-> sự tươi tốt, trù phú của cảnh vật.
+ Hai cau thơ cuối: tình cảm của nhà thơ
=> Thú điền viên là thú vui nơi thôn dã, ruộng vườn, thường để chỉ những vị quan lui về ở ẩn.
=> Nhà thơ đã gửi gắm tấm lòng yêu quê tha thiết. Bức tranh quê hương với đường nét, màu sắc, âm thanh, có lúc giống như tranh thủy mặc, có lúc lại rất sống động như chính cuộc sống đang hiện ra trước mắt người đọc.
- Đánh giá lại giá trị nội dung, nghệ thuật
+Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật
+ phép đối, phép đảo ngữ, nhân hóa
+ Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị
+ Ngôn ngữ mộc mạc, dể hiểu…
3. Kết bài: Cảm nhận chung về bài thơ.
Không phải ngẫu nhiên mà Rasul Gamzatov đã từng tâm niệm rằng: "Thơ ca bắt nguồn từ những âm vang của tâm hồn”. Thật vậy, thơ ca muôn đời là nơi bộc lộ những trở trăn, những thổn thức của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời. Và thơ của Nguyễn Bảo cũng chính là nỗi niềm chân thành của thi nhân. Đến với thế giới nghệ thuật của nhà thơ, người đọc sẽ bắt gặp những cảm xúc đầy dư âm qua thi phẩm “Chiều xuân ở thôn Trừng Mại”.
“Phân phất mưa phùn xâm xẩm bay
Mặc manh áo ngắn giục trâu cày
Nàng dâu sớm đã gieo dưa đó
Bà lão chiều còn xới đậu đây
Mía cạnh giậu tre đang nảy ngọn
Khoai trong đám cỏ đã xanh cây
Điền viên nghĩ thật nguồn vui thú
Dẫu chẳng “hành môn” đói cũng khuây”.
Nguyễn Bảo, nhà thơ - danh nhân văn hóa Việt Nam, là một trong những nhân vật trọng yếu trên nhiều lĩnh vực hoạt động ở thế kỉ XV. Trong sự nghiệp trước của Nguyễn Bảo, thơ ca là bộ phận đặc sắc, thể hiện cống hiến quan trọng nhất của ông. Thơ ca của ông có nội dung phong phú, bao gồm nhiều mảng đề tài lớn, như: đề tài viết về cảnh sắc những miền quê, đề tài viết về lịch sử - phong vật đất nước, đề tài viết về đời sống nông thôn... Điểm chung của các đề tài trên đó là đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống, con người của tác giả. Những vần thơ thật đẹp, thật giản dị, chân chất nhưng sâu xa, là niềm thương nước, ưu dân… được lọc qua một tâm hồn đồng điệu, tinh tế.
Bài thơ "Chiều xuân ở thôn Trừng Mại” là một tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Bảo. Bài thơ đã vẽ lên bức tranh làng quê vào một buổi chiều xuân với những hình ảnh quen thuộc, mộc mạc: mưa phùn, trâu cày, gieo dưa, xới đậu, mía nảy ngọn, khoai xanh cây. Tất cả đều mang vẻ đẹp giản dị, chân chất của làng quê Việt Nam. Qua đó, thể hiện tấm lòng yêu quê hương, gắn bó sâu đậm của thi nhân.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân miền Bắc với hình ảnh của mưa phùn:
“Phân phất mưa phùn xâm xẩm mày”.
Câu thơ mở đầu là một sáng tạo thú vị của nhà thơ. Đáng lẽ ra, nhà thơ phải viết là "Mưa phùn xâm xẩm bay phân phất" nhưng tác giả đã đảo cụm từ "phân phất" lên đầu câu nhấn mạnh một cơn mưa phùn kéo dài. Mưa phùn là dấu hiệu của mùa xuân, đặc trưng riêng chỉ mùa xuân mới có. Mưa phùn ngày xuân như liều thuốc quý giá giúp cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa bừng tỉnh và khoe sắc sau những ngày trời lạnh giá, u ám.
Xuất hiện dưới bức tranh mưa xuân ấy là hình ảnh con người hiện lên với công việc lao động thân thương, gần gũi:
“Mặc manh áo ngắn giục trâu cày
Nàng dâu sớm đã gieo dưa đó
Bà lão chiều còn xới đậu đây”.
Hình ảnh con người hiện lên với "manh áo ngắn”, cho thấy được cuộc sống vất vả, nghèo khó nơi thôn quê. Từ thời xa xưa, ông cha ta thường nói rằng: "Con trâu là đầu cơ nghiệp” và hình ảnh con trâu đi vào thơ ca, ca dao dân ca rất phong phú. Câu thơ hiện lên hình ảnh người lao động với con trâu. Công việc ở đây là giục trâu cày. Những chú trâu giúp người nông dân xới những mảnh đất xốp hơn. Hình ảnh "manh áo ngắn” và hình ảnh con trâu gợi cho người đọc những nét giản dị gần gũi nơi thôn quê, cho thấy được cuộc sống lam lũ, vất vả của người dân vùng thôn quê. Hai câu thơ tiếp, nhà thơ miêu tả chi tiết công việc của nàng dâu và bà lão. Thời gian được nhắc đến là "sớm” và "chiều”, đó là khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc của một ngày. Ấy thế mà hiện lên hình ảnh nàng dâu và bà lão vẫn cặm cụi làm việc. Công việc của nàng dâu là gieo dưa, và bà cụ lão xới đậu. Dưới cơn mưa xuân lất phất, hình ảnh con người trong công việc càng thêm đáng yêu, đáng kính, đáng trân trọng hơn bao giờ hết, con người chịu thương chịu khó. Hơn nữa, mưa xuân còn làm cho mọi vật trở nên sinh sôi, nảy nở:
“Mía cạnh giậu tre đang nảy ngọn
Khoai trong đám cỏ đã xanh cây”
Nhà thơ đã miêu tả cảnh vật như khoác trên mình chiếc áo mới "đang nảy ngọn, đã xanh cây”. Mùa xuân về, đất trời lũ lượt thay áo mới. Bao nhiêu nhựa sống, bao nhiêu say mê đã được ấp ủ dưới lớp vỏ xơ xác của mùa đông, nay được bung tỏa hết, cho thấy được sự trù phú của cảnh vật.
Hai câu thơ cuối đã bộc lộ tình cảm của thi sĩ, đó là tình yêu thương, gắn bó với quê hương:
“Điền viên nghĩ thật nguồn vui thú
Dẫu chẳng “hành môn” đói cũng khuây”.
Thú điền viên là thú vui nơi thôn dã, ruộng vườn, thường để chỉ những vị quan lui về ở ẩn. Nguyễn Bảo là vị quan có tấm lòng yêu nước thương dân. Bài thơ ra đời trong bối cảnh thi sĩ lui về quê ở ẩn, và dạy học, bà con khắp xứ gần xa đều tìm đến xin cho con cháu mình theo học. Vì vậy mà ông có điều kiện gần gũi với nhân dân. Mỗi mỗi tứ thơ của ông như một bức tranh bình dị, chất phác mà vẫn ấm áp cái chân, tình yêu tha thiết những con người lao động. Nguyễn Bảo đã gửi gắm tấm lòng yêu quê tha thiết. Bức tranh quê hương với đường nét, màu sắc, âm thanh, có lúc giống như tranh thủy mặc, có lúc lại rất sống động như chính cuộc sống đang hiện ra trước mắt người đọc.
Bài thơ là một sáng tạo của thi nhân. Bức tranh quê hương vô cùng giản dị nhưng thi sĩ vẽ lên bằng cách mượn ngòi bút của văn chương đã phát họa nó đẹp hơn bao giờ, thấy được sự gần gũi hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật cùng với cách ngắt nhịp khéo léo. Nhà thơ đã sử dụng biệp pháp đảo ngữ, nhân hóa, phép đối,.. một cách tài tình. Qua đó, nhà thơ muốn gửi đến đôc giả một thông điệp vô cùng sâu sắc. Thi sĩ muốn nhấn mạnh sự khổ công và sự kiên nhẫn trong cuộc sống nông thôn. Dù cuộc sống khó khăn và vất vả, nhưng người dân nông thôn vẫn không ngại lao động để trồng trọt và chăm sóc cây cỏ. Bài thơ tôn vinh những nghĩa cử đơn giản nhưng ý nghĩa của con người nông thôn.
Nếu họa sĩ dùng màu sắc để vẽ tranh, nhà điêu khắc dùnh đường nét để khắc họa, nhạc sĩ dùng âm nhạc để nói lên nỗi lòng của mình, thì nhà văn dùng ngòi bút văn chương để tạo ra đứa con tinh thần của mình. Và bài thơ “Chiều xuân ở thôn Trừng Mại” là một khúc ca tuyệt vời của nhà thơ Nguyễn Bảo, để lại trong lòng người đọc biết bao dư âm.