Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tố Hữu đã từng nói “Thơ chỉ bật ra tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. Quả đúng như vậy, từ phân tích cấu tứ bài thơ “Sông Đáy” của Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy được sự gắn bó của tác giả đối với quê hương cũng như tình cảm biết ơn của ông đối với mẹ.
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Thiều, bài thơ “Sông Đáy”.
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Cấu tứ bài thơ “Sông Đáy”
Thân bài:
- Cấu tứ là gì? Vai trò của cấu tứ đối với tác giả và bạn đọc?
- Phân tích cấu tứ bài thơ “Sông Đáy”: Bài thơ được tổ chức theo trình tự thời gian, dòng suy tưởng của nhân vật trữ tình về sông Đáy - dòng sông xuyên suốt tác phẩm. Tác giả triển khai nội dung, tư tưởng, tình cảm của mình qua những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ, quá trình trưởng thành của nhân vật trữ tình (tuổi thơ ấu - trưởng thành - xa quê - trở về). Dòng sông cũng chính là mẹ, là tình yêu quê hương tha thiết của một người con xa xứ.
- Hai khổ thơ đầu: Sông Đáy với những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ và hình ảnh mẹ.
+ “Sông Đáy chảy vào cuộc đời tôi”: Cuộc đời “tôi” như dòng chảy của dòng sông và ngược lại, dòng sông như dòng máu chảy trong cuộc đời tác giả.
+ Hình ảnh “mẹ gánh nặng, lưng ướt đẫm mồ hôi”: Sự vất vả, hi sinh thầm lặng của mẹ.
=> Mẹ và dòng sông như hòa làm một, tình mẹ như dòng sông Đáy theo con suốt cả cuộc đời.
+ “Người bước hụt”: Sự hụt hẫng, thiếu vắng trong lòng con trong thời gian sống xa quê hương.
+ Trong cơn mơ với âm thanh “cá quẫy tuột câu” cũng khiến tác giả nghẹn ngào, khóc nấc.
=> Nỗi nhớ ấy khiến con mong dòng sông có thể đưa con về quê hương, dâng nước lấp đầy khoảng trống trong đôi mắt khô cạn chờ ngày trở về.
=>Con nhớ quê và nhớ mẹ đến mức nào cũng không bằng sự chờ đợi, mong ngóng của mẹ dành cho con.
- Khổ thơ tiếp theo: Sông Đáy thực tại cùng sự tiếc nuối khi tình yêu dang dở.
+ “Cánh buồm cổ tích, đôi môi màu dâu chín”: Những kỉ niệm, kí ức đẹp đẽ về tình yêu lứa đôi.
+ “sang đò một ngày sông vắng nước”: duyên phận lỡ làng, dở dang. Em đã sang ngang khi sông vắng nước, khi anh rời xa quê hương lập nghiệp
=> Sông Đáy như chứng kiến đoạn tình duyên ngắn ngủi giữa đôi trai gái, họ yêu nhau nhưng lại không đến được với nhau.
- Khổ thơ cuối: Nỗi lòng của nhân vật trữ tình khi mẹ trở về quê hương nhưng mẹ không còn.
+ Điệp ngữ “Sông Đáy ơi” lặp lại hai lần: dấu hiệu của sự muộn màng, vẫn chiều nay “tôi” trở lại bên dòng sông xưa nhưng mẹ đã mất.
+ Phép so sánh “mẹ tôi đã già như cát trên bờ”: Hình bóng mẹ giờ chỉ thấy như cát trên bờ, khô cạn,…
+ “Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt”: sự xót xa, đau đớn, nhớ thương của con khi cố níu giữ hình bóng mẹ nhưng không thể.
- Nghệ thuật: Thể thơ tự do, kết cấu bài thơ theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình (tuổi thơ - trưởng thành - xa quê - trở về), hình ảnh thơ sóng đôi: dòng sông Đáy - mẹ, ngôn ngữ thơ gần gũi, giản dị nhưng giàu giá trị biểu đạt, kết hợp với các biện pháp tu từ đó sánh, nhân hóa, ẩn dụ,…
Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Tố Hữu đã từng nói “Thơ chỉ bật ra tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. Quả đúng như vậy, khi nhà thơ cầm bút viết nên các tác phẩm chính là lúc cảm xúc, suy nghĩ của họ không thể kìm nén, bắt buộc phải viết thành lời. Bài thơ “Sông Đáy” với cấu tứ đặc sắc của Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy được sự gắn bó của tác giả đối với quê hương cũng như công lao to lớn của mẹ.
Trước hết cấu tứ thơ được hiểu là cách tác giả bố trí và tổ chức các ý và câu trong bài, biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh. Nó không chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả mà còn tạo ra sự liên kết giữa các ý, giúp bài thơ có tính thống nhất và cân đối. Để xác định được cấu tứ cần chú ý đến các yếu tố: nhan đề bài thơ, mạch cảm xúc chính, trình tự triển khai nội dung, nhịp điệu bài thơ, các biện pháp nghệ thuật,...và đặc biệt là hình ảnh thơ, hệ thống hình tượng nghệ thuật. Cấu tứ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm. Nó là điểm tựa, vị trí để tác giả triển khai ý tưởng, hoàn thành tác phẩm. Cấu tứ góp phần hình thành phong cách tác giả, tạo nét riêng và khẳng định tài năng, vị thế của người sáng tác. Còn với người đọc, cấu tứ là phương tiện để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn về tác phẩm cũng như tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm. Bài thơ “Sông Đáy” được tổ chức theo trình tự thời gian, dòng suy tưởng của nhân vật trữ tình về sông Đáy - dòng sông xuyên suốt tác phẩm. Tác giả triển khai nội dung, tư tưởng, tình cảm của mình qua những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ, quá trình trưởng thành của nhân vật trữ tình (tuổi thơ ấu - trưởng thành - xa quê - trở về). Dòng sông cũng chính là mẹ, là tình yêu quê hương tha thiết của một người con xa xứ.
Sông Đáy đã trở thành một phần thể xác của nhân vật trữ tình, một phần quan trọng mang cả sự sống và linh hồn của tác giả. Cuộc đời “tôi” như dòng chảy của dòng sông và ngược lại, dòng sông như dòng máu chảy trong cuộc đời tác giả. Gắn liền với dòng chảy ấy là hình ảnh mẹ:
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Mẹ và dòng sông như hòa làm một, tình mẹ như dòng sông Đáy theo con suốt cả cuộc đời. Hình ảnh “mẹ tôi gánh nặng” gợi những vất vả, gian truân đầy hi sinh của mẹ. Mẹ phải làm lũ từ sớm tới tận chiều mới trở về, tấm lưng ướt đẫm ấy khiến con vô cùng xót xa, biết ơn, kính trọng. Mỗi khi “tôi” dụi mặt vào tấm lưng mẹ, “tôi” lại thấy dường như mảnh sông Đáy thân thuộc lại xuất hiện, dòng sông mát như tình mẹ dạt dào chảy vào cuộc đời con. Rồi đến lúc con trưởng thành, rời xa quê hương để lập nghiệp, con khắc khoải nhớ những khoảnh khắc nơi quê nhà:
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
m thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
Nỗi lòng của người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương khiến con như “người bước hụt”. Dẫu biết hành trình cuộc đời con người là ra đi, là khám phá những chân trời mới nhưng xa quê hương, những bước chân ấy trở nên khập khiễng, thiếu vắng. “Bước hụt” ấy cũng là sự hụt hẫng, trăn trở trong tâm hồn con để khi cơn mơ dội về tiếng cá quẫy tuột câu cũng khiến con khóc nấc. Nỗi nhớ quê cứ âm ỉ, âm thầm vỡ òa trong tâm trí con. Thế nhưng nỗi lòng con cũng không sao bằng sự chờ đợi mòn mỏi của mẹ chờ con về. Con đau đớn khi hình dung bóng hình mẹ như cây ngô vụ khô gầy mong ngóng tin tức con. Mẹ già tần tảo một đời, hi sinh thầm lặng chỉ mong con trưởng thành, đi tìm một tương lai mới. Như vậy trong hai khổ thơ đầu, nỗi nhớ quê hương của tác giả luôn song hành với nỗi nhớ mẹ da diết. Nỗi nhớ da diết đến mức “tôi” mong ngóng dòng sông dâng lên cao, lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn bằng dòng nước giàn dụa. Phép so sánh “Đôi mắt nhớ thương như hai hốc đất” thể hiện tâm hồn con khô cạn, héo mòn như những hốc đất ven bờ chờ ngày được tắm mát bởi dòng nước thân quen. Đối với nhân vật trữ tình, sông Đáy là quê hương, là mẹ, những kí ức đẹp đẽ từ lúc thơ ấu cho đến lúc trưởng thành đều gắn với mẹ, với dòng sông quê hương.
Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
Tiếp bước dòng thời gian, người con xa quê đã trở về sau bao năm xa cách. Tiếng gọi “Sông Đáy ơi” gợi sự gần gũi, thân quen cùng tình cảm tha thiết, chân thành của tác giả đối với dòng sông quê hương. Nếu ở những đoạn thơ trước, kí ức của nhân vật trữ tình thường gắn với dòng sông, với mẹ thì ở khổ thơ này dòng sông hiện lên cùng tình yêu lứa đôi. Thế nhưng đây không phải là tình yêu trọn vẹn mà là duyên phận lỡ làng, dở dang. Những khoảnh khắc đẹp đẽ giữa anh và em tựa cổ tích đã đi xa trong sự ngỡ ngàng, muối tiếc của “anh”. Em đã sang ngang khi sông vắng nước, khi anh rời xa quê hương lập nghiệp. Bây giờ chỉ còn lại nhân vật trữ tình với những kí ức đã qua, dòng sông ấy vẫn còn nhưng người con gái đã rời xa. Sông Đáy như chứng kiến đoạn tình duyên ngắn ngủi giữa đôi trai gái, họ yêu nhau nhưng lại không đến được với nhau.
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.
Vẫn tiếng gọi tha thiết ấy nhưng bây giờ được lặp lại hai lần như dấu hiệu của sự muộn màng. Vẫn chiều nay “tôi” trở lại bên dòng sông xưa nhưng mẹ đã mất sau bao năm tháng đợi chờ con quay về. Mái tóc pha sương của mẹ giờ “tôi” chỉ thấy thấp thoáng như cát trên bờ, khô rát, bạc đi. Tác giả cố níu giữ hình bóng mẹ nhưng sự thật mẹ chỉ còn trong kí ức. Nhà thơ xót xa quỳ gối “vốc cát ấp vào mặt” mong mỏi tìm lại cảm giác được ở bên cạnh mẹ, nước mắt tuôn trào như chính dòng sông chảy vào cuộc đời “tôi”. Khổ thơ cũng có thể được hiểu sau bao năm xa cách, nhân vật trữ tình trở về quê hương, đoàn tụ với quê nhà. Giọt nước mắt ấy có thể là giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động khi được quay về với nơi thân thuộc, điểm khởi đầu của chuyến hành trình.
Bằng thể thơ tự do, kết cấu bài thơ theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình (tuổi thơ - trưởng thành - xa quê - trở về), hình ảnh thơ sóng đôi: dòng sông Đáy - mẹ, ngôn ngữ thơ gần gũi, giản dị nhưng giàu giá trị biểu đạt, kết hợp với các biện pháp tu từ đó sánh, nhân hóa, ẩn dụ,…Bài thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó, chân thành của người con xa quê đối với dòng sông Đáy cũng như quê hương. Đặc biệt, bài thơ cũng là nỗi lòng của người con đối với mẹ, sự biết ơn, kính trọng trước công lao sinh thành, hi sinh thầm lặng của mẹ.
>>> Xem thêm:
- Phân tích tác phẩm Sông Đáy (Ngữ Văn 11 Cánh diều)